top of page

Edward Hopper khắc hoạ nỗi cô đơn nơi phố thị qua bức tranh nổi tiếng “Nighthawks”


Edward Hopper (1882-1967) là họa sĩ người Mỹ với những bức vẽ chân thực về khung cảnh đô thị hàng ngày khiến người xem nhận ra sự mới lạ của những hình ảnh tưởng như đã quá quen thuộc. Đó là hình ảnh những con người thầm lặng và đôi khi cô độc, những con đường hoang vắng, sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối cũng như sự biến ảo của ánh sáng mặt trời trên các công trình kiến trúc. Hội hoạ của Hopper ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật Pop-Art và các họa sĩ trường phái hiện thực mới (New Realism) của Mỹ những năm 1960 và 1970.


Thời kỳ đầu, Edward Hopper theo học William Merritt Chase, một họa sĩ trường phái ấn tượng. Ông cũng thực hiện ba chuyến đi châu Âu vào các năm 1906, 1909 và 1910. Mặc dù ít quan tâm đến những thành tựu của các trường phái dã thú hay lập thể, nhưng Hopper thể hiện sự gắn bó lâu dài với tác phẩm của Edgar Degas và Édouard Manet, những người sẽ ảnh hưởng đến ông trong nhiều năm.



Danh họa Edward Hopper (1882-1967). Anh: Wikipedia


Năm 1920, ở tuổi 37, Hopper có triển lãm cá nhân đầu tiên khi trưng bày 16 bức tranh tại Câu lạc bộ Studio Whitney, đây là cột mốc mang tính biểu tượng trong sự nghiệp của ông. Chỉ vài năm sau, triển lãm solo thứ hai tại Gallery Frank K.M. Rehn ở New York đã thành công rực rỡ về mặt thương mại, tất cả các bức tranh đều được bán. Năm 1930, bức tranh “Ngôi nhà bên đường sắt” (1925) được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York mới thành lập. Bức tranh thể hiện các đặc trưng trong phong cách của Hopper: hình thể hiện lên trong ánh sáng rõ ràng, bố cục cắt xén với góc nhìn điện ảnh và tâm trạng tĩnh lặng. Năm 1933, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York tổ chức một triển lãm hồi tưởng vinh danh Edward Hopper.



Bức sơn dầu Ngôi nhà bên đường sắt (House by the Railroads), 1925, hiện thuộc bảo tàng MOMA được xem là cột mốc đánh dấu cho sự khởi sắc mới của nền hội họa Mỹ đầu thế kỷ 20. Ảnh: Britannica


Phong cách trưởng thành của Hopper định hình vào giữa những năm 1920. Sự phát triển tiếp theo cho thấy tầm nhìn của ông không ngừng được hoàn thiện, trong đó bối cảnh đô thị, cảnh quan bên ngoài hay nội thất đều bao trùm cảm giác tĩnh lặng và xa vắng. Cách thể hiện ánh sáng đặc trưng tạo ra một không khí bảng lảng xung quanh con người và vật thể, dù là trong ánh sáng gay gắt của buổi sáng (bức “Sáng sớm Chủ nhật”, 1930) hay ánh sáng kỳ lạ của một quán ăn đêm (bức “Nighthawks”, 1942). Hầu hết mọi khung cảnh thường chỉ có một nhân vật trầm ngâm hoặc một vài nhân vật như chìm đắm trong những tâm trạng khác nhau ở nhiều thời điểm trong ngày. Tập trung vào các khoảnh khắc yên tĩnh, rất hiếm khi thể hiện hành động, hội hoạ hiện thực của Hopper tương tự một hoạ sĩ hiện thực hàng đầu khác của Mỹ là Andrew Wyeth, nhưng phong cách của Hopper hoàn toàn khác với phong cách siêu chi tiết của Wyeth.



Bức Sáng sớm chủ nhật (Early Sunday Morning), 1930. Ảnh: Britannica


Trong những năm 1940 và 1950, trường phái biểu hiện trừu tượng thống trị thế giới nghệ thuật Hoa Kỳ nhưng Hopper không bao giờ thiếu sức hấp dẫn đại chúng. Cho đến khi qua đời vào năm 1967, ông đã khẳng định ảnh hưởng lớn lao đến thế hệ các hoạ sĩ kế cận, trong đó có Willem de Kooning và Mark Rothko. Tác phẩm đầu tiên của Rothko “Composition I” (1931), là sự diễn giải trực tiếp từ tác phẩm “Chop Suey” của Hopper.



Bức Chop Suey, 1929. Ảnh: Britannica


Cách sử dụng ánh sáng và bóng tối một cách ấn tượng đã khiến các bức tranh của Hopper được nhiều nhà làm phim yêu thích. Bức tranh “Ngôi nhà bên đường sắt” đã ảnh hưởng đến ngôi nhà mang tính biểu tượng trong bộ phim “Psycho” của Alfred Hitchcock. Để thiết lập ánh sáng cho các cảnh trong bộ phim “Road to Perdition” năm 2002, đạo diễn Sam Mendes đã lấy những bức tranh của Hopper làm nguồn cảm hứng, đặc biệt là bức “New York movie”.


Kênh truyền hình cáp Turner Classic Movies đôi khi chiếu các đoạn phim hoạt hình dựa trên tranh của Hopper trước khi phát sóng. Năm 1993, Madonna lấy cảm hứng từ bức tranh “Girlie show” để đặt tên cho chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của mình. Năm 2004, nghệ sĩ guitar người Anh John Squire phát hành album “Marshall's House”, mỗi bài hát trong album đều được lấy cảm hứng và có tựa đề giống với một bức tranh của Hopper. Nhóm nhạc rock Canada The Weakerthans phát hành album “Reunion Tour” năm 2007 gồm hai bài hát lấy cảm hứng và đặt tên theo 2 bức tranh của Hopper, "Sun in an empty room" và "Night windows”.


Trong thơ ca, nhiều bài thơ cũng lấy cảm hứng từ hội hoạ Hopper. Nhà thơ người Pháp Claude Esteban viết tập thơ văn xuôi “Soleil dans une pièce vide” (Mặt trời trong căn phòng trống) năm 1991, dựa trên 47 bức tranh của Hopper, mỗi bài thơ kịch tính hóa một bức tranh - cuốn sách đã đoạt giải Prix France Culture năm 1991. Tương tự, nhà thơ Tây Ban Nha Ernest Farrés năm 2006 viết một tập thơ bằng tiếng Catalan mang tên “Edward Hopper”. Tuyển tập “The poetry of solitude: A tribute to Edward Hopper” (Thơ của nỗi cô đơn: Tưởng nhớ Edward Hopper) của nhiều nhà thơ được ấn hành năm 1995.


Bức tranh “Nighthawks”



Bức Nighthawks, 1942. Ảnh: Britannica


Những tác phẩm hiện thực của Edward Hopper thường gợi lên tâm trạng bất an hiện sinh, đặc biệt là bức tranh nổi tiếng “Nighthawks” vẽ năm 1942 hiện trưng bày tại Viện nghệ thuật Chicago. Bức tranh mang tính biểu tượng nhất của Hopper vẽ bốn khách hàng và một người phục vụ trong nội thất rực sáng của một quán ăn đêm. Họ dường như lạc lối trong sự mệt mỏi và những mối quan tâm riêng tư, sự mất kết nối của họ cũng phản ánh tâm trạng lo âu chung của xã hội Mỹ bấy giờ.


Cảm hứng cho bức tranh có thể đến từ truyện ngắn "The killers" của Ernest Hemingway, nhà văn mà Hopper vô cùng ngưỡng mộ. Khung cảnh mang tính điện ảnh, như có một ống kính máy quay phim dẫn con mắt người xem từ vỉa hè đến gần nhà hàng. Bố cục chặt chẽ và tiết kiệm chi tiết: quán không có lối vào, không có vật thể nào trên con phố. Mặc dù lấy cảm hứng từ một nhà hàng ở Greenwich Village, New York, bức tranh không phải là bản sao của thực tại. Edward Hopper nhớ lại, “có lẽ một cách vô thức, tôi đang vẽ về sự cô đơn của một đô thị lớn.” Năm 1941, New York rơi vào khủng hoảng khi Hoa Kỳ tham gia Thế chiến II. Hopper thích đi dạo trong thành phố bị cắt giảm nguồn sáng, trở nên tối tăm theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bóng tối đã truyền cảm hứng cho hoạ sĩ khi ông bắt gặp một quán ăn đêm được chiếu sáng rực rỡ giữa khung cảnh quạnh vắng, với những con “chim ăn đêm” bên trong. Các nhân vật dường như hoàn toàn câm lặng nhưng đã có vô số tác phẩm ăn theo “Nighthawks” thử tạo tiếng nói cho bức tranh câm lặng này.


Bộ phim “Pennies from Heaven” năm 1981 cũng như bộ phim “The end of violence” năm 1997 của đạo diễn người Đức Wim Wenders đều có một hoạt cảnh mô phỏng “Nighthawks”. Đạo diễn phim kinh dị nổi tiếng Dario Argento đã tái tạo hình ảnh quán ăn đêm và những nhân vật trong “Nighthawks” như một phần bối cảnh cho bộ phim “Deep Red” năm 1976. Ảnh hưởng âm nhạc của “Nighthawks” bao gồm album năm 1975 của ca sĩ Tom Waits có tựa đề “Nighthawks at the diner”. Đĩa đơn "Night Café" năm 2013 của ban nhạc “Orchestral maneuvers in the dark” chịu ảnh hưởng từ “Nighthawks” và 7 bức tranh của Hopper cũng được nhắc đến trong lời bài hát.


“Nighthawks” của Edward Hopper đến với chúng ta xuyên thời gian, xuyên văn hóa, trong tất cả những khoảnh khắc khủng hoảng, trong niềm vui nỗi buồn - nói cách khác, trong tất cả những gì tạo nên con người chúng ta và giúp mang chúng ta lại gần nhau. Nghệ thuật là phương tiện kết nối, tạo nên sự cảm thông. Đây cũng chính là lời hứa hẹn của mọi loại hình nghệ thuật, không riêng hội hoạ.


Bài: Nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu Phan Đan

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page