top of page

Donatella Versace: “Búp bê sống" đưa thương hiệu Versace qua cơn “bĩ cực"

Ngay khi cái chết của Gianni Versace như đòn đánh “chí mạng" giáng xuống đế chế thời trang Ý, một nhân tố xuất hiện và trở thành hi vọng cuối cùng của thương hiệu: Donatella Versace.


Vụ ám sát NTK Gianni Versace ngày 15 tháng 7 năm 1997 là khoảng lặng u ám của ngành thời trang Ý nói chung thương hiệu Versace nói riêng. Bóng tối đã bao trùm nhà mốt, phủ lên cả niềm tin yêu và cả những kỳ vọng của giới mộ điệu vào tương lai mà Gianni sẽ còn cống hiến thật nhiều chất xám của mình cho thời trang.



Trong căn biệt thự ven biển Miami của cố NTK, Donatella dần cảm nhận được gánh nặng cơ nghiệp người anh để lại. Cô có hai sự lựa chọn: một là bán công ty và để một kẻ “người dưng nước lã" nào đó nắm quyền điều hành; hai là nối nghiệp anh trai và đưa thương hiệu tới những cuộc cách mạng mới. Với tình yêu vô bờ dành cho gia đình và những gì mà dòng họ Versace để lại, Donatella đương nhiên không chọn giải pháp đầu tiên.


“Búp bê sống" của anh trai

Donatella chưa từng tự tin vào ngoại hình của mình. Sau khi người chị Tina qua đời vì bạo bệnh, cô trở thành ái nữ duy nhất của gia đình, là “cái rốn" để cha mẹ rót vào đó sự quan tâm và săn sóc đặc biệt. Donatella có cơ hội mặc những bộ cánh đắt tiền và trở thành giấc mơ giàu sang của mọi đứa trẻ trong thành phố. Song, ở sâu đáy lòng, cô chưa bao giờ thấy hạnh phúc với chiếc mũi gồ ghề hay đường xương hàm vuông vức mà cha mẹ ban tặng.






Gianni lại nghĩ khác. Donatella trong mắt ông là “nàng thơ" đầu tiên và cũng là nguồn cảm hứng dồi dào cho những sáng tạo làm nên kỳ tích sau này. Ông trở thành người định hình phong cách, khuyên em gái làm đẹp và chải chuốt nhiều hơn. Chính Gianni đã hướng cho Donatella tới hình ảnh cô nàng tiểu thư gợi cảm với mái tóc vàng hoe để thay đổi vẻ ngoài, nhằm tiến gần tới những cơ hội trong cuộc sống.


Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times, Donatella nói rằng thế giới nội tâm của mình chẳng bao giờ đủ cứng cáp, lạnh lùng và tự tin như những gì bà xây dựng bên ngoài. Sự hiện diện của anh trai tương tự như ‘’thần bảo hộ’’ giúp người phụ nữ này vượt lên những mặc cảm ở sâu trong lòng. Mất đi Gianni, Donatella như mất đi đức tin vào vẻ đẹp nội tại của chính mình.



Sự sụp đổ của Donatella

Đã từng có thời gian, Donatella hoàn toàn suy sụp.


Từ một cô em gái chỉ quen đứng sau cánh gà để phụng sự anh trai, Donatella bị đẩy lên phía trước sân khấu. Trách nhiệm, bổn phận và danh dự của thương hiệu Versace lần lượt đè lên bờ vai người phụ nữ nhỏ bé.


Nỗi đau mất mát người thân chưa kịp nguôi dịu, Donatella tiếp tục trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận. Người ta cho rằng cô gái tóc vàng hoe này chỉ mãi là ‘’con búp bê’’ của anh trai, chẳng làm được tích sự gì ngoài việc đắm mình vào thế giới giải trí phù phiếm cùng vài ba thú tiêu khiển vô bổ. Đối với họ, chỗ của cô là ở trên bàn tiệc chứ chẳng phai ngai vương cai quản đế chế phù hoa danh tiếng.




Versace thiếu đi bàn tay của Gianni, dần trở thành con thuyền lao đao trước sóng cả. Cổ phiếu rớt giá, doanh thu sụt giảm mạnh từ 1 tỷ USD (hơn 23.000 tỷ đồng) xuống còn gần 600 triệu USD (gần 14.000 tỷ đồng) trong 1 thập kỷ Donatella lên nắm quyền. Công ty dần mất đi giá trị vốn có và đứng trước bờ vực phá sản. Mọi thiết kế của tân giám đốc sáng tạo đều bị so sánh với "kho tàng kiệt tác" mà người quá cố để lại.


Đỉnh điểm của sự sụp đổ là vào năm 2004, bà chia tay người chồng thứ hai chỉ sau một năm kết hôn. Cái tên Donatella trở thành nỗi thất vọng nặng nề khi đánh mất hào quang bởi ma tuý.


May thay, bằng tình yêu thương dành cho anh trai cùng truyền thống gìn giữ cơ đồ của gia đình, Donatella quyết chí cai nghiện và dồn toàn lực cho việc khôi phục lại thương hiệu Versace.


Phượng hoàng lửa tung cánh

Cuộc chiến để giành lại địa vị cho Versace không phải diễn ra ngày một ngày hai, mà nó kéo dài tới vài năm. Các chuyên gia phân tích thời trang cho hay, tệp khách hàng của thương hiệu rất chú ý tới tính mới lạ, độc đáo và không ‘’đụng hàng’’, vì vậy đây cũng là áp lực được đặt ra cho đội ngũ thiết kế. Luca Solca - chuyên gia phân tích hàng xa xỉ của Exane BNP Paribas nhận định: “Versace có một nhận diện rất mạnh, họ sở hữu những ‘mật mã’ của riêng mình, nhưng cần được đào sâu phát triển hơn. Donatella luôn là người đại diện cho thương hiệu, nhưng bà cần cả những đồng đội của bà nữa”.




Tân giám đốc sáng tạo nhanh chóng làm thân với giới giải trí, trở thành người bạn tốt của các siêu mẫu cũng như chân dài hạng A thời bấy giờ. Thông qua việc hỗ trợ họ về trang phục biểu diễn hay thường xuyên tặng quà vào những dịp đặc biệt, cũng như mời các siêu sao tới các bữa tiệc xa hoa của hãng, Donatella liên tục đưa mọi mẫu thiết kế của mình vào showbiz. Bằng những cách khôn ngoan nhất, bà tận dụng tối đa khả năng truyền cảm hứng ăn mặc của dàn siêu sao tới công chúng, từ đó gia tăng doanh thu nhãn hàng.





Năm 2013, NTK Anthony Vaccarello trở thành thành viên mới tham gia vào đội ngũ thiết kế của hãng, rồi nhanh chóng được thăng chức thành giám đốc sáng tạo của Versus Versace - phân khúc thời trang giá rẻ hơn của Versace. Việc nhanh chóng tiếp cận nhóm người trẻ cũng là cách để mở rộng tệp khách hàng, gia tăng doanh thu nhờ nhóm ‘’thượng đế’’ ít tuổi yêu thích những món trang phục hào nhoáng và xa hoa. .


Không những thế, thương hiệu con Versus Versace cũng là một trong những nhân tố mà bà sử dụng để thử nghiệm phong cách tiếp cận mới, phù hợp với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật cao. Người hâm mộ có thể thưởng thức bộ sưu tập, đồng thời chọn mua những mẫu thiết kế mà mình muốn thay vì phải sốt ruột chờ đợi hàng tháng sau buổi trình diễn kết thúc như trước đây.



Bên cạnh đó, nhờ công lớn của Gian Giacomo Ferraris - giám đốc điều hành của Versace từ 2009 tới 2016, thương hiệu có những bước phát triển phi mã. Vào 2014, Versace đã bán 20% cổ phần cho một doanh nghiệp tư nhân Mỹ là Blackstone (số cổ phần còn lại thuộc quyền sở hữu của Donatella, anh trai lớn của bà - Santo, và Allegra, con gái của Donatella thừa kế 50% cổ từ Gianni). Cuộc mua bán giúp cho giá trị thương hiệu tăng lên hơn 1,4 tỉ đô la Mỹ.


Không chỉ liên tục sáng tạo những cái mới từ di sản cũ của nhà mốt, Donatella còn gây tiếng vang khi cho ra mắt dòng sản phẩm Atelier (chất lượng tương đương Haute Couture của Pháp). BST Atelier Versace ra mắt năm 1997 ngay lập tức nhận được những lời khen ngợi từ giới chuyên môn và công chúng. Buổi trình diễn được tổ chức trên hồ bơi của Khách sạn Ritz ở Paris đã để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm. Có thể nói, Donatella không chỉ có công hồi sinh, mà còn là người nâng tầm đẳng cấp thương hiệu Versace.





Chưa hết, bà mở rộng ra phạm vi lớn hơn về đồ nội thất, khách sạn và các dự án khu dân cư. Trong năm 2021, thương hiệu lâu đời còn “gây sốt" khi cho ra đời bộ sưu tập Versace X Fendi - đánh dấu cú bắt tay lịch sử của hai nhà mốt nước Ý. Bà từng nói: "Là tôi đây. Hãy nhìn vào tôi. Tôi chẳng hề run sợ chút nào. Dù không còn đôi mươi, tôi tin rằng mình vẫn có thể làm tốt hơn thế".


Ở tuổi ngấp nghé 60, Donatella Versace vẫn không ngừng cống hiến cho thời trang. Còn đó những câu hỏi về người sẽ thay thế Donatella sau khi bà thoái vị và từ bỏ ngai vàng của đế chế lừng lẫy. Và phải rất lâu nữa, giới mộ điệu mới tìm được câu trả lời cho những câu hỏi trên, bởi trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, người đàn bà kiên cường ấy từng thổ lộ rằng: “Đi ngủ là điều cuối cùng tôi muốn làm trong cuộc sống này?”. Liệu một người trần mắt thịt với tài năng xuất chúng, sẵn sàng từ bỏ những nhu cầu cơ bản nhất để cống hiến cho làng mốt, có dễ bị đào thải ở thế giới lắm mộng phù hoa này?!


Bài: Mạnh Hải - Fashion Columnist


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page