top of page

Chén rượu của Jahangir - Sự tinh tế hiếm thấy từ nền nghệ thuật và thủ công Mughal

Đế chế Mughal được coi là một trong những thời kỳ xa hoa nhất trong lịch sử, đi cùng với đó là một nền nghệ thuật và kiến trúc phong phú - thứ phản ánh lên sự thịnh vượng dường như vô hạn của thời đại này. Trong số rất nhiều kho báu còn được lưu lại của những nhà cầm quyền Mughal, những chén rượu của Jahangir toát ra một sức hấp dẫn đặc biệt. Mặc dù ban đầu được tạo ra với mục đích thực dụng, nhưng ngày nay chúng đã trở thành một đại diện tiêu biểu cho sức hấp dẫn từ một thời đại đã qua.


Chén rượu của Jahangir, làm từ thạch anh và mica trắng, khoảng năm 1612 đến 1613, Bảo tàng RISD, Providence, RI, Hoa Kỳ.

Mang những họa tiết tinh tế và lộng lẫy, các chén rượu này không chỉ thể hiện sự khéo léo đặc biệt của người nghệ nhân Mughal mà còn có thể xem như một lời nhắc nhở sâu sắc về một khía cạnh phổ biến hơn trong đời sống: nghiện ngập. Jahangir, hoàng đế Mughal lừng lẫy, đã phải vật lộn với các chứng nghiện trong suốt cuộc đời mình. Những chén rượu này không chỉ là biểu tượng của sự tinh thông nghệ thuật mà còn là biểu tượng của tính phức tạp và dễ bị tổn thương của những nhân vật quyền lực trong lịch sử.


Chân dung Hoàng đế Jahangir cùng các con trai: Khusraw và Parviz, khoảng 1610, Bảo tàng Anh, Luân Đôn,

Cuộc đời của Jahangir


Triều đại của Jahangir đánh dấu một bước ngoặt lớn từ cha ông, Akbar Đại đế, một lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, nổi tiếng với những cải cách hành chính và lòng khoan dung tôn giáo. Ngược lại, Jahangir theo đuổi một lối sống buông thả hơn, điều này có thể đã góp phần khiến ông ta nghiện thuốc phiện và rượu đến mức tự hủy hoại bản thân.


Hành trình đầy sóng gió của Jahangir với chứng nghiện đã được ghi lại trong cuốn tự truyện của ông, Jahangirnama. Trong đó, ông ta viết rằng mình uống ngụm rượu đầu tiên vào năm 18 tuổi. Đến năm 27 tuổi, ông trở thành một con nghiện vô vọng và cần một người hầu nâng chén lên môi vì tay ông đã không còn đủ vững để tự mình cầm chúng. Cuối cùng, thầy thuốc hoàng gia đã phải can thiệp và nhà vua đã tiết chế lại, nhưng không bao giờ dứt được hoàn toàn. Thay vào đó, ông tiếp tục say sưa với thuốc phiện.


Bất chấp việc rượu là thức uống phổ biến trong giới thượng lưu Ấn Độ thời đại đó, việc uống quá nhiều của Jahangir đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả việc trị quốc và đời sống cá nhân của ông. Hành vi thất thường và những lựa chọn bốc đồng khiến ông nổi tiếng là người khó đoán, làm tăng thêm sự phức tạp trong việc điều hành đế chế.


Jahangir với cốc rượu, Phòng trưng bày nghệ thuật Freer, Bảo tàng nghệ thuật châu Á tại Smithsonian, Washington, DC, Hoa Kỳ.

Vai trò của Nur Jahan


Làm lu mờ những khó khăn của chồng, Hoàng hậu Nur Jahan đã thể hiện sự khôn ngoan và khéo léo đáng nể với tư cách là một nhiếp chính, thay mặt ông cai quản đế chế một cách hiệu quả. Lịch sử ghi nhận vai trò then chốt của bà trong việc duy trì và thúc đẩy sự ổn định của đất nước trong triều đại Jahangir. Do đó, sự nhạy bén chính trị và các quyết định chiến lược của Nur Jahan đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thịnh vượng của đế chế trong thời kỳ thử thách như vậy.


Ngoài nhiệm vụ chính trị của mình, ảnh hưởng của Nur Jahan còn lan sang cả lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa. Với tư cách là người bảo trợ cho nghệ thuật, bà đã nuôi dưỡng một nền văn hóa hưng thịnh tại triều đình Mughal, nuôi dưỡng tài năng của nhiều nghệ nhân, nhà thơ và nhạc sĩ. Sự hỗ trợ của bà đã góp phần tạo nên đỉnh cao của nghệ thuật biểu đạt trong thời gian này, để lại tác động lâu dài đến cả triều đình Mughal và di sản văn hóa của đế chế.


Nur Jahan Begum, vợ của Hoàng đế Mughal Jahangir, cầm một cái chai và một cốc rượu, khoảng cuối thế kỷ 17 đến thế kỷ 18, sưu tập tư nhân.

Ý nghĩa của rượu trong triều đình của Jahangir


Mặc dù bị luật Quranic cấm, nhưng việc uống rượu là một hiện tượng văn hóa giữ một vị trí nổi bật trong văn hóa cung đình Ấn-Ba Tư. Người Mughals thậm chí còn tiếp nhận nó và coi nó như một biểu tượng của sự tinh tế trong giới thượng lưu của thời đại đó. Các quý tộc, bao gồm cả Jahangir, ưa chuộng loại đồ uống này vì cả sự thỏa mãn và vai trò của nó như một chất kích thích cho các hoạt động trí tuệ và nghệ thuật.


Các họa sĩ của xưởng vẽ hoàng gia có thể là nhân chứng trực tiếp cho việc Jahangir phung phí quá mức và cuối cùng là phải vật lộn với chứng nghiện ngập. Bằng chứng về chúng được thể hiện trong nhiều bức tranh và hình khắc trên tiền xu, nơi ông được thể hiện với một chén rượu trên tay. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình, những họa sĩ này đã thể hiện năng lực sáng tạo của mình bằng cách nắm bắt một cách tinh tế bản chất của nỗi buồn. Họ đã truyền tải một cách khéo léo trạng thái cảm xúc của Jahangir, mang đến một cái nhìn sâu sắc về cuộc đấu tranh nội tâm bên trong hoàng đế.


Sa’ida-ye Gilani, Chén rượu của Hoàng đế Jahangir, khoảng năm 1613, Bảo tàng Victoria và Albert, Luân Đôn, Vương quốc Anh.

Trình độ chế tác cùng vật liệu tuyệt hảo


Những chén uống rượu do Jahangir đặt làm là minh chứng cho tay nghề thủ công phi thường và sự tinh tế hiếm thấy của xưởng chế tác Mughal. Chúng không khác gì những kiệt tác, được chế tác khéo léo bằng cách sử dụng nhiều loại đá cắt khác nhau như ngọc bích. Hơn nữa, các loại đá quý và bán quý tô điểm cho các bề mặt thể hiện sự xa hoa của thời đại. Vào thời điểm đó, ngọc bích cực kỳ hiếm và có nguồn gốc từ Tân Cương, Trung Quốc ngày nay. Do đó, nó gắn liền với sự giàu có và được sử dụng để làm chuôi dao găm và kiếm, hoặc bình chứa.


Sự tỉ mỉ đến từng chi tiết và kỹ thuật chạm khắc tinh tế thể hiện cam kết của các nghệ nhân nhằm đạt được chất lượng hoàn hảo trong các thiết kế phức tạp của họ. Những chiếc chén này có thiết kế tiên tiến của văn hóa Ba Tư và Ấn Độ, đặc trưng cho những gì đã trở thành nét tinh túy của mỹ thuật Mughal.


Chén rượu làm từ ngọc nephrite xanh đậm. khoảng năm 1618 đến 1619, Bảo tàng Anh, London, Vương quốc Anh.

Biểu tượng của chén rượu


Những chén rượu mà Jahangir đặt làm thường biểu đạt một hình tượng mạnh mẽ nào đó thông qua các dòng thơ hoặc chữ lồng được khắc trên chúng. Các hình chạm khắc và họa tiết được tích hợp trên những chiếc cốc này không chỉ phản ánh tính cách của hoàng đế mà còn cả những khuynh hướng triết học thịnh hành thời bấy giờ.


Một trong những họa tiết nổi bật được tìm thấy là hình ảnh những cây nho, tượng trưng cho sự phong phú và màu mỡ. Sự lựa chọn biểu tượng này liên quan trực tiếp đến tầm quan trọng của rượu vang, đại diện cho sự thịnh vượng và năng lực tái tạo của tự nhiên.


Những dòng chữ bằng ngôn ngữ Farsi và thư pháp Ả Rập tô điểm cho tác phẩm, thêm một lớp ý nghĩa và sự phong phú về văn hóa. Những dòng chữ này đôi khi là những câu thơ do chính Jahangir sáng tác, thể hiện tài năng văn chương và học thức của ông.


Chén rượu ngọc bích của Hoàng đế Mughal Jahangir, khoảng năm 1607 đến 1608, Bộ sưu tập Al Thani, Doha, Qatar.

Di sản lâu dài của các chén rượu của Jahangir


Trình độ tạo tác nghệ thuật ở tiểu lục địa Ấn Độ thực sự đã đạt đến đỉnh cao trong triều đại xa hoa của các hoàng đế Mughal. Do đó, các xưởng thủ công hoàng gia chính là trung tâm của nền nghệ thuật đặc biệt này. Những chiếc chén rượu mang đến một cánh cửa độc đáo dẫn đến thời kỳ mà nghệ thuật và đam mê cùng tồn tại một cách hài hòa, thể hiện sự giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần của triều đình Mughal.


Những chén rượu của Jahangir không chỉ thể hiện tay nghề tuyệt vời của các nghệ nhân Mughal trong thời đại của ông mà còn đại diện cho một di sản vượt thời đại. Những chiếc chén tinh tế này, với nét chạm khắc phức tạp và tính biểu tượng sâu sắc, mang đến cái nhìn thoáng qua về một thời kỳ huy hoàng đã qua, nơi những món đồ dường như không có gì nổi bật được nâng tầm trở thành những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Sự kết hợp giữa vẻ đẹp của chúng với cuộc đấu tranh nội tâm của hoàng đế đã tạo thêm chiều sâu cho những hiện vật này, giúp ta hiểu thêm về đời sống phức tạp và đôi khi đầy biến động của những người từng sở hữu chúng.


Bài: Hiếu Võ - Theo DailyArt Magazine

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page