top of page

Ca sĩ thính phòng Thế Huy và khát vọng đưa âm nhạc cổ điển hướng về cộng đồng


Trong số những ca sĩ trẻ hiện nay, Thế Huy thuộc số ít người lựa chọn theo đuổi dòng nhạc cổ điển, vốn được xem là con đường khó khăn và đầy thử thách. Không chỉ sở hữu giọng hát, Thế Huy còn ấp ủ tâm huyết với nghệ thuật. Anh luôn mong muốn được mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả trẻ. Chính vì vậy, Huy thực hiện nhiều dự án cá nhân, tham gia các hoạt động biểu diễn và truyền thông để giới thiệu dòng nhạc này. Navigator có cơ hội hợp tác cùng ca sĩ Thế Huy trong một vài sự kiện và có dịp trao đổi, lắng nghe những chia sẻ về lựa chọn phát triển sự nghiệp của bản thân anh.




1. Để bắt đầu, trước tiên anh có thể giới thiệu một chút về bản thân cho bạn đọc được biết thêm? Ví dụ như con đường học vấn và những ngày đầu tham gia vào nhạc Cổ điển (như khi tham gia biểu diễn cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM)...


Xin chào quý độc giả của Navigator, mình là Thế Huy, một ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc cổ điển - thính phòng với chất giọng nam cao trữ tình. Bên cạnh đó, mình còn là một giảng viên âm nhạc tự do.


Gần đây, Huy thường xuyên tự tổ chức và biểu diễn độc tấu trong các dự án âm nhạc cá nhân với mong muốn mang nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả yêu nghệ thuật nước nhà. May mắn là sau những dự án này, mình nhận được chú ý nhiều hơn trong vai trò nhân tố trẻ theo đuổi nghệ thuật hàn lâm - con đường âm nhạc được đánh giá là 'đầy trắc trở'.



Từ nhỏ, ngay khi vừa biết đọc, Huy đã phát hiện niềm đam mê và sự nhạy cảm với âm nhạc bên trong bản thân. Kể từ đó, mình được ba mẹ tạo điều kiện học và biểu diễn các loại nhạc cụ khác nhau từ organ đến piano. Đến khi học cấp 2, Huy bắt đầu theo học chỉ huy hợp xướng.


Theo thời gian, niềm đam mê âm nhạc của Huy ngày một lớn lên, rồi Huy nhận ra niềm đam mê lớn nhất của mình là ca hát và quyết định luyện thi vào Nhạc viện TP.HCM sau khi tốt nghiệp cấp 3. Chỉ sau 2 tháng luyện giọng với giảng viên thanh nhạc (đó là lần đầu tiên Huy tiếp xúc với cách hát cổ điển), Huy trúng tuyển vào Nhạc viện và bắt đầu theo đuổi dòng nhạc cổ điển cho đến bây giờ.


Một lần nữa may mắn đã mỉm cười với Huy. Ngay trong học kỳ đầu tiên tại Nhạc viện, Huy đã được tuyển chọn để tham gia cộng tác trong đoàn nhạc kịch của Nhà hát Giao hưởng Nhạc-Vũ Kịch TP.HCM (HBSO). Đây là thành tích đầu tiên giúp mình củng cố thêm niềm tin vào lựa chọn theo đuổi đam mê.



2. Với những người không biết nhiều về âm nhạc thì nhạc cổ điển tương đối khó hiểu. Huy có thể giải thích qua về thể loại này và lý do chúng ta nên quan tâm hơn đến nó không?



Khả năng về âm nhạc luôn được xếp ở nhóm đầu trong phân loại khoa học về 8 loại trí thông minh của con người. Tiếp nhận, cảm thụ và thực hành âm nhạc đều là khả năng hoàn toàn sẵn có trong mỗi chúng ta, dù ít hay nhiều. Kể cả không tiếp xúc với lĩnh vực âm nhạc hay tìm hiểu quá nhiều về nó, Huy tin rằng tất cả mọi người vẫn dễ dàng có cho riêng mình một hay nhiều thể loại âm nhạc mà bản thân yêu thích, hay chỉ đơn giản là khơi gợi cho mình cảm xúc - chức năng chính của âm nhạc. Với Huy cũng vậy, Huy theo đuổi dòng nhạc cổ điển cũng bởi vì bên trong “vũ trụ” này chứa đựng những nguồn cảm xúc mạnh mẽ và sức hút khiến cho Huy luôn muốn khám phá và thực hành.


“Nhạc cổ điển” là một khái niệm mang tính khái quát, tập hợp từ rất nhiều hình thức và thể loại tương đồng, bắt nguồn từ truyền thống văn hóa và phụng vụ phương Tây vào khoảng thế kỷ thứ Xl. Đến thế kỉ XVI, khoa học về âm nhạc cổ điển bắt đầu hệ thống hơn nhờ những nhà soạn nhạc và học giả. Ngày nay, rất nhiều hình thức trình diễn cổ điển có thể không còn xa lạ với mọi người như: hòa nhạc giao hưởng, sân khấu Opera, sân khấu Ballet, độc tấu nhạc cụ hay độc tấu thanh nhạc thính phòng - Recital (là hình thức mà Huy đang chọn theo đuổi).



Có rất nhiều lý do mà mọi người nên quan tâm đến nhạc cổ điển, bên cạnh các chứng minh khoa học về việc nó có tác động đến tinh thần và não bộ. Thứ nhất, ngoài yếu tố thực hành vốn đòi hỏi nhiều chuyên môn và sự luyện tập từ nghệ sĩ, thì nhạc cổ điển còn là một lựa chọn thưởng thức nghệ thuật giàu giá trị tinh thần dành cho khán giả, bên cạnh các loại hình nghệ thuật đương đại, hiện đại phong phú khác phục vụ đời sống tinh thần và nhu cầu thưởng thức, giải trí.


Thứ hai, nhạc cổ điển là nghệ thuật hàn lâm, đứng độc lập với các thể loại âm nhạc thuộc ngành công nghiệp giải trí đơn thuần và vì vậy sẽ không bao giờ lỗi thời. Các giá trị phong phú về tính thẩm mỹ, kĩ thuật hay sâu hơn là văn hóa và lịch sử... đã giúp cho loại hình này giữ vững vị thế và trường tồn với sự phát triển của nghệ thuật. Khi các thể loại và công nghệ âm nhạc mới lần lượt xuất hiện, tạo nên xu hướng và rồi nhanh chóng bị thay thế, rơi vào quên lãng, thì âm nhạc cổ điển vẫn trụ vững và chưa từng bị lãng quên.


3. Trong thời đại này, nghệ sĩ hoạt động trong các loại hình nghệ thuật cổ điển nói chung tương đối ít cơ hội. Vậy, vì lý do gì mà Huy vẫn lựa chọn theo đuổi. Có phải là do nguồn động lực hay nhờ người thầy, người dìu dắt nào đã luôn động viên Huy?



Với Huy, Việt Nam tuy không phải là “cái nôi” của âm nhạc cổ điển nhưng lại chính là “mảnh đất màu mỡ” cho các nghệ sĩ mong muốn kiến tạo và cống hiến. Những nghệ sĩ đi trước hay thế hệ của Huy đã và đang cố gắng từng ngày để mở rộng tiềm năng cho thể loại này và cũng đã có những bước tiến đáng kể. Huy nhận thấy khán giả Việt Nam đã dần hiểu đúng về giá trị của âm nhạc cổ điển và lựa chọn thưởng thức nhiều hơn. Các nghệ sĩ cũng nhận được sự đón nhận tương xứng và nguồn cảm hứng để tận tâm với chuyên môn, các dự án âm nhạc và ý tưởng sáng tạo để đóng góp cho nghệ thuật nhiều hơn.



Huy đã và đang học hỏi được rất nhiều, không chỉ về chuyên môn âm nhạc mà còn về tư duy làm nghệ thuật từ những người thầy dìu dắt mình, hay từ cả những anh chị, bạn bè và đồng nghiệp. Những bài học dù là kiến thức hay kinh nghiệm đều đóng góp vào quá trình hình thành phong cách nghệ thuật và con người của mình. Nhưng có một bài học quan trọng nhất mà Huy luôn ghi nhớ, đó là không có yếu tố ngoại lực nào có thể mạnh mẽ bằng nội lực bên trong người nghệ sĩ. Khi hiểu đúng ý nghĩa của bài học này, góc nhìn của Huy về mọi việc diễn ra trên hành trình của mình đã thay đổi, và ngọn lửa đam mê bên trong bản thân cũng trở nên bền bỉ hơn.


4. Khoảng thời gian nào khiến Huy cảm thấy khó khăn nhất trong chặng đường sự nghiệp vừa qua? Hay ví dụ như trong hai năm đại dịch vừa qua, Huy đã xoay sở ra sao để duy trì hoạt động và nhiệt huyết của bản thân?



Huy chưa từng tự đánh giá một giai đoạn hay một chướng ngại nào là khó khăn nhất. Như bao người, Huy cũng phải trải nghiệm và học cách giải quyết những "bài toán khó" của riêng mình. Khó khăn có thể đến từ nhiều phía và bất kì thời điểm nào. Có thể kể đến như áp lực tinh thần khi phải đứng vững trước những hoài nghi từ mọi người, vấn đề tài chính trong những dự án cá nhân, vấn đề sức khỏe khiến mình phải chững lại ở một số giai đoạn, hay cơ hội du học bị vụt mất trong đại dịch... Thú thật, Huy từng rất nhiều lần muốn từ bỏ trên hành trình biến đam mê thành sự nghiệp.


Trong một môi trường công việc vốn luôn được đánh giá là khó khăn và ít cơ hội phát triển, thì những biến động chung của xã hội thậm chí còn gia tăng nhiều áp lực cho Huy hơn. Tuy nhiên, một lần nữa, Huy xem mọi thứ đến với mình như một điều tất yếu và đón nhận chúng. Khó khăn là một phần của mọi công việc. Dù là ở trong lĩnh vực nào, những người giữ được quyết tâm sẽ luôn tích lũy được kinh nghiệm, bản lĩnh để tiến bước xa hơn trên con đường sự nghiệp.


5. Từ năm 2022 đến nay Huy đã có một số dự án mang âm nhạc cổ điển tới gần giới trẻ, cũng như đại chúng hơn, Huy có thể chia sẻ thêm về chúng không? (Ví dụ như ở chuỗi dự án chuỗi “Vocal Recital”, hay “The Recital: Thế Huy, Tenor”). Điều gì khiến Huy cảm thấy khó khăn nhất khi duy trì các dự án biểu diễn? Cho đến nay, Huy đánh giá thế nào về thành quả từ các dự án của bản thân?


Vốn đã ấp ủ nhiều kế hoạch từ trước giai đoạn giãn cách xã hội, nhưng phải đến năm 2022, Huy mới lần lượt được khởi động và thực hiện một cách đều đặn và suôn sẻ. Với lý tưởng chính là góp sức cho sự phát triển của nhạc cổ điển nói chung cũng như sự nghiệp biểu diễn cá nhân nói riêng, Huy đã tổ chức những dự án biểu diễn trong khả năng của mình, trên tinh thần cống hiến và học hỏi. Sự giúp đỡ và hợp tác từ nhiều đơn vị sẵn lòng hỗ trợ triển khai ý tưởng là một yếu tố không thể không nhắc đến trong quá trình này, giúp mình cảm thấy bản thân không hề đơn độc cũng như giải quyết những khó khăn thường gặp của một nghệ sĩ độc lập trong giai đoạn đầu sự nghiệp.



Điểm chung của tất cả dự án cá nhân mà Huy đã thực hiện đó là mục tiêu biến các tác phẩm và kiến thức âm nhạc cổ điển trở nên gần gũi hơn với khán giả, đa số là những người lần đầu tiên tiếp cận âm nhạc này. Gọi là “educate thị trường” thì có vẻ hơi to lớn, nhưng nỗ lực của Huy đều nhằm lan tỏa tình yêu đối với nhạc cổ điển đến mọi người dựa trên những cảm nhận và hiểu biết mà họ có thêm sau những chương trình của mình, chứ không chỉ là thứ cảm xúc yêu thích nhất thời. Từ đó, dần dần khán giả sẽ thay đổi cách nhìn và cách tiếp nhận, cũng như gạt bỏ những thiên kiến trước đây về nhạc cổ điển. Cá nhân Huy cảm thấy rất hạnh phúc khi đã nhiều lần nhận được phản hồi từ phía khán giả đúng với những định hướng và nỗ lực của mình qua từng dự án. Mọi người bắt đầu có sự quan tâm và tìm hiểu những chủ đề mình chia sẻ, nghe và xem nhiều hơn những tác phẩm âm nhạc mà mình giới thiệu.


Có một điều chắc chắn là Huy vẫn sẽ phải học hỏi và trải nghiệm nhiều hơn nữa trong quá trình phát triển sự nghiệp cá nhân. Những khó khăn vẫn còn ở phía trước, cũng như những hạn chế về khả năng là rất nhiều với Huy khi vừa là người biểu diễn, vừa là người vận hành dự án. Nhưng với những thành quả vượt ngoài mong đợi từ nỗ lực của mình, Huy không còn xem khó khăn hay rào cản nào là đáng kể hay quá sức.


6. Với trải nghiệm của mình, Huy sẽ có lời khuyên nào dành cho những người muốn tham gia vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ điển? Dự tính cho khoảng thời gian sắp tới của Huy là gì?



Lời khuyên duy nhất mà Huy mong muốn gửi đến những bạn đã hoặc sẽ bắt đầu hành trình giống như mình đó là hãy tin tưởng vào bản thân. Bạn không chỉ có đủ tài năng và đam mê, bạn còn may mắn hơn nữa khi đã nhận ra điều đó và quyết định dấn thân. Vậy hãy cứ chăm chỉ, hướng tầm nhìn ra xa và tin vào chính mình, và rồi sẽ có lúc bạn phải ngạc nhiên về thành quả mình đạt được.


Ở thời điểm này, nhờ việc Huy được mọi người yêu mến, đón nhận trong dòng nhạc của mình, nên Huy cũng có cơ hội được “chọn mặt gửi vàng” từ những nghệ sĩ trong các dòng nhạc khác với những sản phẩm âm nhạc và những buổi biểu diễn sẽ ra mắt trong tương lai.


Sắp tới Huy sẽ mang màu sắc cổ điển của bản thân hiện diện nhiều hơn nữa trong thị trường âm nhạc dành cho giới trẻ thông qua những sự kết hợp Huy cho là đầy bất ngờ và hấp dẫn. Ngoài ra Huy cũng đang dành nhiều thời gian cho việc tự học, trau dồi thêm kĩ năng và tích lũy thêm thành tích để chuẩn bị cho kế hoạch du học và tu nghiệp ở nước ngoài sau rất nhiều lần bị trì hoãn. Nếu mọi việc suôn sẻ, được học tập và biểu diễn ở môi trường các nước phát triển chính là mục tiêu tiếp theo trong hành trình sắp tới của mình.


Trân trọng cảm ơn Navigator!


Navigator cảm ơn ca sĩ Thế Huy vì những chia sẻ thân tình và giàu nhiệt huyết của anh như một người trẻ tuổi luôn hết mình với âm nhạc cổ điển. Chúc Thế Huy luôn giữ vững niềm tin theo đuổi con đường âm nhạc của mình!


Bài: Navigator Media

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page