top of page

Berlin Biennale thứ 12, chạm vào những nhói đau sâu thẳm trong văn hoá đương thời


Cứ 2-3 năm một lần từ 1996, Berlin Biennale được tổ chức tại thủ đô Berlin của nước Đức thống nhất. Ban tổ chức là Viện KW về Nghệ thuật Đương đại, một tổ chức tư nhân phi vụ lợi. Từ 2004 trở đi BB nhận được sự tài trợ (lên đến vài triệu euros mỗi năm nhằm thiết kế các tác phẩm) bởi Quỹ văn hóa liên bang Đức của Bộ Văn hóa và Thông tin. Cuộc triển lãm được tổ chức tại nhiều địa điểm tại Berlin và sẽ kéo dài từ 10/6 đến 18/9. Mời quý độc giả cùng dõi theo Berlin Biennale qua bài nhận định đặc sắc của nhà phê bình nghệ thuật Trần Đán.


"Ballad of the East Sea" (or the South China Sea), Đào Châu Hải


Mục tiêu chính thức từ đầu của BB là "khai phá những mối quan tâm văn hóa nóng bỏng nhất trên thế giới ngày hôm nay” và tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ, chưa được biết đến, góp phần vào cuộc đối thoại toàn cầu.



Năm nay ban tuyển chọn giám tuyển (gồm nhiều giám tuyển có tiếng từ khắp thế giới,) đã chọn ông Kader Attia, người Pháp gốc Algeri, làm giám tuyển trưởng. Ông ấy ra chuyên đề cho năm nay là “Still Present" (có thể hiểu bằng hai cách "Hậu quả vẫn còn đó" hay "Chúng ta vẫn có mặt", chưa bị tiêu diệt).



Ông chú giải mục đích nhằm "giải (trừ) chế độ thực dân" (de-colonization), tức nhận diện những dạng thức khác nhau mà các dân tộc từng là thuộc địa tự giải phóng mình ra khỏi những ách văn hoá từ chế độ thực dân (hiển hiện hay ngầm) qua phương tiện là nghệ thuật đương đại. Ông ấy chọn 5 người từ những vùng thế giới ít được đại diện làm phụ tá cho ông, trong đó có giám tuyển trẻ Đỗ Tường Linh từ Việt Nam. Nhóm giám tuyển đã cuối cùng chọn 2 nghệ sĩ từ Việt Nam (Đào Châu Hải, Ngô Thành Bắc) và 5 nghệ sĩ gốc Việt (Mai Nguyễn-Long, Tammy Nguyễn, Tuấn Andrew Nguyễn, Maithu Bùi, Thùy-Hân Nguyễn Chí) trong số 70 nghệ sĩ được mời.


Artistic team 2022: Ana Teixeira Pinto, Noam Segal, Kader Attia, Đỗ Tường Linh, Rasha Salti, Marie Helene Pereira). Photo: Silke Briel (ảnh: Artnet News)

Tôi không xem được hết vì khá nhiều địa điểm, một số video khá dài, và các nghệ sĩ không phải lúc nào cũng có mặt tại khu triển lãm để trao đổi nên tôi không thể giới thiệu hay phê bình chuyên sâu về họ.


Akademie der Kunst Paritser Platz, one of the location of the Berlin Biennale 2022

Do lời mời của điêu khắc gia Đào Châu Hải, tôi đã có mặt tại buổi khai mạc và có dịp tìm hiểu nhiều nhất về tác phẩm của anh. Tác phẩm có tên “Giai điệu Biển Đông,” kích thước 4 mét x 7 mét x 1.5 mét gồm 120 miếng thép cắt bằng kĩ thuật CNC theo hình uốn lượn, được gắn vào nhau hoàn toàn bằng bù lon, nặng 6,5 tấn. Tác phẩm được thiết kế và lắp ráp ngay tại Đức theo các thông số chính xác do nghệ sĩ cung cấp, và hoàn toàn do bên Đức đài thọ.


Sau đây là một vài cảm nghĩ của riêng tôi về cả hai mặt tạo hình và tạo nghĩa của tác phẩm Giai điệu Biển Đông. Qua rồi thời kỳ phôi thai của nghệ thuật Ý niệm. Không đủ để nghệ sĩ xem nhẹ vai trò tạo hình (Marcel Duchamp với Đài nước, 1917, và Joseph Kossuth với Một và Ba, 1965). Ngày nay nghệ thuật Ý niệm có thể nói là được nâng cao chưa từng thấy bởi cả các nghệ sĩ lẫn các thiết chế nghệ thuật (viện bảo tàng, nhà sưu tập, galleri, đại học, v.v...). Nó đòi hỏi cả kĩ năng tạo nghĩa phong nhiêu lẫn kĩ năng tạo hình thẩm mỹ đột phá.


Tác phẩm Giai điệu Biển Đông theo tôi đáp ứng rất nhuần nhuyễn được hai điều kiện khắt khe nêu trên. Làm sao kết hợp được tính năng đầy tương phản của biển, lúc mềm thì thật lả lơi, với những đường cong quyến rũ, nhưng khi cứng thì có thể khoét đá, xẻ cây. Giải pháp tạo hình của Đào Châu Hải có thể được xem là dựa trên phương pháp "giải cấu trúc” (deconstruction). Anh đã phân khối ra thành trăm mảnh và ráp chúng lại. Thay vì những phân tử nước cấu thành, anh dùng các phân tử sắt. Trong cấu trúc đơn giản nhất, khối cũng chỉ là sự đan bện của vô số phân tử bởi vô số từ trường.



Đứng trước tác phẩm, thoạt nhìn, tâm trí tôi được vuốt ve bởi những đường cong gợi cảm, gợi lên những thân hình giao hoan trên các đền cổ Ấn. Nhưng rồi tôi chợt bị đánh thức bởi một cảm giác ghê rợn: nếu tôi tự thả mình rơi xuống tác phẩm, không phải là sự mềm mại, nhu mì của nước mà là sự sắc bén của cả trăm lát thép mỏng sẽ phân thây tôi ra thành trăm mảnh.


Đó là phần tạo hình. Nó tạo ra cảm giác đầy kịch tính giữa buông bỏ và nhức nhối, giữa thăng hoa và khổ nhục, giữa thiên đàng và địa ngục.


phần tạo nghĩa, Đào Châu Hải đã nói lên rất đầy đủ câu chuyện của Biển Đông, đã biểu đạt được cái "tâm thức" của Biển Đông. Lúc thì phẳng lặng như tờ, lúc thì ầm ầm sóng gió. Một tài nguyên vô tận, nhưng cũng là một mối đe dọa bất ngờ. Nơi mà từ nghìn năm nay là cửa ngõ của dân tộc Việt ra biển Thái Bình Dương bao la, giao thoa với các dân tộc khác, từ Đông Nam Á đến tận Trung Đông. Cũng là nơi đưa thuyền của thực dân Bồ Đào Nha và Pháp đến, mở ra một thời kỳ thuộc địa ô nhục, rồi đến hai cuộc chiến tranh dành độc lập và cuộc nội chiến đau thương, kết thúc bởi một cuộc vượt biển bi thảm. Biển chưa yên thì một mối đe dọa khác lại xuẩt hiện: người láng giềng khổng lồ lấn chiếm biển đảo, âm mưu thôn tính Biển Đông!


Và sau đây là cảm nghĩ của tôi rất sơ sài về các tác phẩm của một vài nghệ sĩ Việt tham gia. Dựa trên chủ đề chính của cuộc triển lãm là “giải thực dân“, tôi sẽ nhận xét về sự ăn khớp giữa chủ đề chính và thông điệp của mỗi tác phẩm.


Tammy Nguyễn (sinh 1984 tại San Francisco, hiện là giảng viên nghệ thuật tại Đại học Wesleyan, CT): tập hợp 14 bức tranh nói về 14 chặn đường khổ nạn của Chúa Giêsu, nhưng được đặt trong bối cảnh hòn đảo Pulau Galang, Indonesia, nơi các thuyền nhân trôi dạt đến sau cuộc chiến. Các bức tranh toát lên sự cô độc của Chúa Giêsu trong một môi trường rất xa lạ, nhiệt đới chứ không phải sa mạc trong Thánh Kinh, đầy những thú rừng, côn trùng, cây cỏ trùng trùng điệp điệp. Theo lời cô, nơi đây "rừng nhiệt đới "nuốt sống" thế giới Ki tô". Có lẽ cần nói chuyện thẳng với cô để được 'khai thông" về ẩn ý của tác phẩm.


"Jesus Dies on the Cross", Tammy Nguyễn


Mai Nguyễn-Long (cha Việt mẹ Úc, hiện làm việc từ Úc). Sắp đặt tựa đề "Specimen" ("Mẫu vật") là những vật phẩm chứa trong chai lọ, biểu tượng cho những ngăn ký ức dùng để chứa những mảnh căn tính của tác giả.


"Specimen", Mai Nguyễn-Long

Nếu tác giả muốn ta cảm nhận sự phân mảnh của tâm thức do những biến cố trong cuộc đời mình (chiến tranh, di dân và tính lai văn hóa từ bố mẹ) thì cô đã thành công. Chỉ có các búp bê gợi hình các quái thai do chất độc da cam thì không gây được cảm giác ghê rợn so với thực tế ngoài đời.


Tuấn Andrew Nguyen (sinh 1976, gia đình định cư tại Cali từ năm 1978, hiện làm việc từ TPHCM) có 2 tác phẩm video. Tác phẩm "The Specter of Ancestors Becoming" (tạm dịch "Nỗi ám ảnh tiền nhân tái hiện") được phóng chiếu trên 4 màn hình phác họa cuộc sống của 3 gia đình gốc Senegal, châu Phi, từng là lính Lê dương cho Pháp, kẻ đem vợ con Việt về nước sau cuộc chiến, người chỉ đem con theo, không biết quê hương mình là đâu. Phim này rõ ràng ăn khít với chủ đề chung của cuộc triển lãm, qui trình "giải thực dân" mà mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, thậm chí mỗi cá nhân phải tìm ra cho mình. Phim vô cùng cảm động, thậm chí tôi nghe tiếng sụt sịt từ khán giả Đức.


"The Specter of Ancestors Becoming", Tuấn Andrew Nguyễn

Nhưng đây có phải là “video art” hay đơn thuần là một phim tài liệu (documentary) hay? Tác phẩm thứ hai "My ailing beliefs can cure your wretched desires" ( tạm dịch "Lòng tin nhức nhối của ta có thể cứu độ sự thèm muốn đáng tởm của mi") cũng khá sâu sắc, được nghiên cứu công phu. Nghệ sĩ nhập vai con tê giác trên đường bị diệt chủng và con rùa thần Hồ Gươm để tranh luận có nên chống lại hay hợp tác với loài người trước sự tàn phá môi trường do họ gây ra. Tuy vậy tác phẩm có phù hợp với chủ đề chung là “giải thực dân”? Không lẽ tác giả lại ngây ngô đổ lỗi cho chế độ thực dân Pháp đã hủy hoại môi trường Việt? Nặn óc mãi tôi mới suy ra giải thuyết: hay là tác giả cho rằng người Việt cũng có thể là một loại "thực dân mới" đối với môi sinh của chính mình?


Trong cương vị giám tuyển trưởng, ông Attia đáng khen ngợi, không vì ông chọn một chủ đề gai góc vạch trần tàn dư của chế độ thực dân (chủ đề này gần đây thường được khai thác nhiều trong nghệ thuật phương Tây) mà do ông đã tuyển chọn thêm 5 phụ tá, (việc này cũng không mới đối với Berlin Biennale) nhưng lần này thật sự qui tụ các thành viên từ các nước đã từng là nạn nhân trực tiếp của chính sách thực dân cũ hay mới, trong đó có người Senegal, Lebanon và Việt Nam, và tất cả họ đều là phụ nữ. Và nhờ đó mà giám tuyển từ Việt Nam, Đỗ Tưởng Linh mới có dịp thi thố tài năng và đưa các nghệ sĩ tầm vóc của Việt Nam lên sàn nghệ thuật thế giới.


Một tin đáng mừng là theo một bài viết trên tạp chí nghệ thuật uy tín ARTNews, trong số 7 tác phẩm được họ bình chọn hay nhất, gần phân nửa là từ các nghệ sĩ Việt.


Tuy vậy, trừ 2 người, Đào Châu Hải và Ngô Thành Bắc, các nghệ sĩ Việt còn lại sinh ra và lớn lên tại nước ngoài nên không thể nói họ thật sự phản ảnh đúng tâm tư người Việt trong nước.


Bài: Nhà phê bình nghệ thuật Trần Đán - Art Columnist

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page