top of page
Ảnh của tác giảNavigator Media

Bất chấp khoản tích lũy 1,01 triệu tỷ yên, Nhật Bản vẫn không thể vực dậy nền kinh tế


Ảnh minh họa: Crisis ConceptGETTY

Trong năm 2023, Nhật Bản đang phải đối đầu với một tình thế hết sức khó khăn. Vào tuần trước, ngân hàng trung ương (BOJ) tiết lộ rằng trong thập kỷ qua, họ đã tích trữ khoảng 1,01 triệu tỷ yên trị giá trái phiếu chính phủ, tương đương khoảng 6,7 nghìn tỷ USD. Con số trên có nghĩa là kể từ năm 2013, BOJ đã mua vào khối tài sản tương đương với tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản, Pháp và Trung Quốc cộng lại. Đáng tiếc thay, số tiền không tưởng trên đã không phát huy được quá nhiều tác dụng tại Nhật Bản trong 10 năm qua.


Tại thời điểm này, lãi suất chuẩn của BOJ đã bằng hoặc thấp hơn 0 kể từ năm 1999. Đó là năm mà Thống đốc Masaru Hayami khi đó thực hiện các kế hoạch chưa từng có để giải quyết vấn đề giảm phát ngày càng trầm trọng. Đầu tiên, về cơ bản, BOJ đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên cung cấp tiền miễn phí. Và vào năm 2000 và 2001, nhóm của Hayami đã đi tiên phong trong việc nới lỏng định lượng (QE).


Mười năm sau khi Hayami từ chức vào năm 2003, Haruhiko Kuroda đến trụ sở BOJ để thực hiện chính sách QE siêu lớn và tăng áp. Và vào năm 2018, bảng cân đối kế toán của BOJ đã vượt quy mô GDP hàng năm của Nhật Bản, lần đầu tiên đối với một quốc gia thuộc G7.


Kuroda hiện đã từ nhiệm, nhưng kho dự trữ trái phiếu và cổ phiếu khổng lồ mà ông tích lũy được vẫn còn. Và thay vì giảm bớt kho vũ khí tài chính lớn nhất từng được tích lũy, người thay thế Kuroda là Kazuo Ueda vẫn tiếp tục đi theo con đường đó. Ueda đã quá bận rộn kể từ tháng 4 trong việc mua trái phiếu để hạn chế lợi suất và ngăn chặn sự sụt giảm của đồng yên nhằm cân nhắc việc rút khỏi QE.


Thống đốc Kazuo Ueda vẫn chưa từ bỏ chính sách QE. Ảnh: DHIRAJ SINGH/BLOOMBERG

Cơn nghiện 16 chữ số của BOJ đối với các tài sản tài chính—và cơn nghiện tiền miễn phí của nền kinh tế Nhật—đã đưa chúng ta đến đâu?


Tin tốt là Nhật Bản đã không vấp ngã một cách ngoạn mục trên trường quốc tế. Tất nhiên, có những thời điểm thế giới chuẩn bị tâm thế để đón nhận những cú sốc từ Tokyo. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không chuyển biến xấu hơn nhờ vào kỹ năng của BOJ trong việc xử lý rủi ro tài chính.


Nhưng các chính sách của BOJ có tác dụng xoa dịu hết lần này đến lần khác đã làm suy yếu tinh thần cuồng nhiệt của Nhật Bản. Hơn 20 năm áp dụng các chính sách phúc lợi doanh nghiệp sâu rộng nhất trong thế giới tư bản có nghĩa là hết chính phủ này đến chính phủ khác không có lý do gì để thực hiện công việc khó khăn là điều chỉnh lại động cơ tăng trưởng. Các lãnh đạo doanh nghiệp có rất ít động lực để tái cơ cấu, đổi mới, suy nghĩ sáng tạo hoặc chấp nhận rủi ro lớn.


Tóm lại, điều này giải thích tại sao Apple Inc. vẫn tránh hướng tầm mắt đến ngành công nghệ đáng gờm một thời của Nhật Bản. Nó giải thích tại sao Toyota Motor lại chậm rãi trong việc thừa nhận rằng xe điện là tương lai. Nó giải thích tại sao ngày nay số công ty Nhật Bản lọt vào danh sách top 500 toàn cầu ít hơn một nửa so với năm 2000.


Dù vậy, những nỗ lực kể từ năm 2014 nhằm tăng cường quản trị doanh nghiệp và cải thiện lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đã đạt được kết quả nhất định. Trong khi công việc đang được tiến hành, những nâng cấp này đã đưa chỉ số Nikkei Stock Average lên mức cao nhất trong 30 năm trong năm qua. Những tỷ phú hàng đầu như Warren Buffett cũng lựa chọn đặt cược vào Nhật Bản.


Đây là một kết quả tốt. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta có, dù chỉ là một nhóm nhỏ trong 126 triệu người dân Nhật Bản được hưởng lợi từ nỗ lực giai đoạn cuối của nền kinh tế nhỏ giọt này. Thực tế lại không được như vậy. Khi doanh nghiệp Nhật Bản phát triển mạnh, “người làm công ăn lương” hầu như không nhận được đợt tăng lương đáng kể nào trong 30 năm qua. Mặc dù thị trường lao động Nhật Bản đang thắt chặt khi dân số giảm, tiền lương vẫn trì trệ.


Ảnh minh họa: Bloomberg

Lý do: những cải cách quan trọng với quy mô lớn đã không được thực hiện, đặc biệt trong 10 năm qua khi Trung Quốc bắt đầu thống trị châu Á.


Năm 2013, khi Kuroda được chọn để thúc đẩy các chính sách của BOJ, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã cam kết sẽ cải tổ nền kinh tế trên quy mô lớn hơn bao giờ hết. Việc nới lỏng siêu tích cực tạo tiền đề cho những nỗ lực táo bạo nhằm tiết chế sự quan liêu, hiện đại hóa thị trường lao động, khơi dậy sự đổi mới, thúc đẩy sự bùng nổ khởi nghiệp, trao quyền cho phụ nữ và khôi phục vị trí của Tokyo như một trung tâm tài chính hàng đầu.


Hầu hết, Tokyo chỉ dựa vào BOJ để in thêm tiền – giống như 15 năm trước. Những điều chỉnh về chính sách của họ sẽ chỉ tác động đến các nhà đầu tư giàu có – bao gồm cả Buffett của tập đoàn Berkshire Hathaway nổi tiếng – chứ không phải người lao động Nhật Bản.


Sự tự mãn này đã làm suy yếu đời sống ở một số mặt. Thứ nhất, nếu không có những cải cách lớn, các CEO sẽ thiếu tự tin để tăng lương. Thứ hai, nó làm giảm cơ hội gián đoạn nền kinh tế, khiến Nhật Bản phải xếp sau Indonesia trong việc sản sinh ra các “kỳ lân” công nghệ. Thứ ba, đồng yên yếu đang gây tác dụng ngược khi giá cả tăng cao khiến Nhật Bản gặp bất lợi lên trên cán cân thương mại.


Bài: Hiếu Võ – Theo Forbes

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page