top of page

Áp lực mới của nền kinh tế Trung Quốc khi giá trị xuất khẩu giảm 17% trong tháng 7

Xuất khẩu của Trung Quốc đã phải chịu mức giảm lớn nhất trong hơn ba năm vào tháng 7 do nhu cầu toàn cầu chậm lại, gây thêm áp lực buộc Bắc Kinh phải tìm cách phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.


Ảnh minh họa: Qilai Shen/The New York Times

Giá trị xuất khẩu, tính bằng USD, đã giảm 14,5% trong tháng trước so với một năm trước, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2 năm 2020 khi đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên gây thiệt hại cho thương mại và sản xuất.


Nó cũng đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu giảm.


Các nhà phân tích từ Capital Economics cho biết trong một báo cáo nghiên cứu vào ngày 8/8 rằng sự sụt giảm mạnh phản ánh lượng hàng tồn kho cao và giá cả thấp hơn vào tháng 7 năm ngoái. Sau khi tính đến tính thời vụ và thay đổi giá xuất khẩu, họ ước tính khối lượng xuất khẩu chỉ giảm 0,9% trong tháng 7 so với tháng 6.


Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, ngành xuất khẩu dự kiến sẽ suy giảm hơn nữa trong những tháng tới, viện dẫn “bằng chứng rõ ràng hơn” rằng nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang giảm. Kể cả khi những biến dạng của đại dịch giảm bớt thì việc thắt chặt tiền tệ lại đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng.


Họ cho biết: “Triển vọng ngắn hạn đối với chi tiêu của người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển vẫn còn nhiều thách thức, với nhiều nền kinh tế vẫn có nguy cơ suy thoái vào cuối năm nay, mặc dù ở mức độ nhẹ”.


Trong bảy tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 5% so với một năm trước đó. Đặc biệt, các chuyến hàng đến Hoa Kỳ, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đã giảm 13%.


Xuất khẩu từng là điểm sáng hiếm hoi trong những năm xảy ra đại dịch, mang lại sự hỗ trợ rất cần thiết cho nền kinh tế Trung Quốc khi nước này phải vật lộn với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt do Covid-19 và thị trường nhà đất lao dốc. Chúng chiếm đến 17% GDP của Trung Quốc vào năm ngoái.


Nhưng kể từ tháng 10 năm ngoái, quy mô này đã bị thu hẹp do lạm phát và lãi suất tăng làm giảm nhu cầu toàn cầu.


Xuất khẩu suy yếu giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã mất đà gần đây sau một khởi đầu thuận lợi trong năm. Các dấu hiệu giảm phát đang trở nên phổ biến hơn, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ trì trệ kéo dài.


Dữ liệu cũng cho thấy giá trị nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 12,4% trong tháng 7 so với một năm trước đó, thấp hơn nhiều so với mức giảm dự báo 5% trong cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích của Reuters.


Nó bổ sung thêm bằng chứng cho thấy nhu cầu trong nước của quốc gia này đã yếu đi, với khối lượng nhập khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.


Các nhà phân tích hiện đang kêu gọi Bắc Kinh đưa ra các kế hoạch cụ thể và mạnh mẽ hơn để thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm các biện pháp chính để thúc đẩy nhu cầu.


Đồng nhân dân tệ trượt giá

Ảnh minh họa: Forbes

Đồng tiền yếu hơn có thể giúp ích, bằng cách làm cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, qua đó nâng cao tính cạnh tranh.


Vào ngày 8/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) – nơi thiết lập phạm vi hàng ngày mà đồng nhân dân tệ có thể giao dịch – đã chốt điểm giữa của đồng tiền này ở mức 7,1565 đổi 1 đô la Mỹ, yếu hơn so với mức 7,138 của ngày hôm trước.


Các số liệu thương mại yếu kém và việc điều chỉnh cho đồng nhân dân tệ xuống giá đã khiến đồng tiền Trung Quốc giảm giá trên thị trường ngoại hối. Đồng nhân dân tệ tại nước ngoài yếu đi 0,3% so với đô la Mỹ (ngày 8/8).


Ken Cheung, trưởng chiến lược gia ngoại hối châu Á của Mizuho Bank, cho biết rằng tính đến nay, các biện pháp do Bắc Kinh thực hiện để thúc đẩy nền kinh tế vẫn “không đủ mạnh” để gây ấn tượng với các nhà đầu tư.


“Trong bối cảnh này, đồng nhân dân tệ giảm giá có thể đóng vai trò là công cụ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc và tạo điều kiện phục hồi kinh tế”.


Bài: Hiếu Võ – Theo CNN

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page