top of page

4.800 tỷ đồng tài trợ chảy ra nước ngoài, người làm giáo dục trong nước ngẩn ngơ

Mức tài trợ cho một ngôi trường nội trú ở một quốc gia tiên tiến như Linacre College, nếu quy đổi để dành cho phát triển giáo dục ở Việt Nam sẽ tạo được rất nhiều giá trị nhưng chắc chắc không thể là một “big bang” về mặt truyền thông lẫn ngoại giao quốc tế.



“Vượt mặt” tỉ phú Mỹ

Đầu tháng 11/2021, Linacre College, một trường thành viên của Đại học Oxford (Anh) ra thông báo chính thức về việc đổi tên thành Thao College. Việc đổi tên này, theo trường, là nhằm vinh danh bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người đã dành cho trường khoản quyên góp ấn tượng, lên đến 155 triệu bảng Anh (hơn 4.800 tỉ đồng). Tính đến thời điểm này, đây là khoản đóng góp cao nhất của một cá nhân đóng góp suốt chiều dài lịch sử ĐH Oxford. Trước đó, số tiền tài trợ nhiều nhất cho ĐH này là 150 triệu bảng Anh. Theo thông tin từ Linacre College, khoản tài trợ mới sẽ được dành cho việc hỗ trợ các hoạt động thường nhật của trường.





Linacre College là một trường nội trú hoặc khu nội trú (residential college) thuộc ĐH Oxford. Sứ mạng của Linacre College là cung cấp nơi ăn chốn ở, điều kiện học tập và sinh hoạt cho những người đang học tại các chuyên khoa của ĐH Oxford. So với các khoản tài trợ trước đó cho Linacre College, số tiền 155 triệu bảng Anh mà tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo quyên góp được xem là mức tài trợ cao nhất mà ĐH Oxford từng nhận được từ trước đến nay.



Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là phụ nữ Việt Nam duy nhất được vinh danh trong danh sách 110 nhân vật có ảnh hưởng tại châu Á trong công tác thiện nguyện – Ảnh: HỮU TÀI



Là người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air), Nguyễn Thị Phương Thảo là cái tên quá quen thuộc của kinh tế Việt Nam. Nhưng, việc một tỉ phú người Việt, “vượt mặt” tỉ phú Mỹ Stephen Schwarzman, người đã quyên góp 150 triệu bảng Anh tài trợ cho ĐH Oxford vào năm 2019, thực sự gây bất ngờ. Dù rằng, tên bà Thảo, cũng như Vietjet đã gắn với nhiều hoạt động tài trợ cho giáo dục ở khắp các tỉnh thành Việt Nam như tặng các khu vui chơi cho trường tiểu học, tôn vinh đội ngũ giáo viên tâm huyết, đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…



Bài toán và ước mơ

Trong lịch sử, khoản tiền đóng góp lớn nhất cho một đại học ở Anh cho tới nay là 210 triệu USD. Tỉ phú Bill Gates là người đang nắm giữ kỷ lục này, khi ông tài trợ cho Đại học Cambridge vào năm 2000.





Như vậy, 155 triệu bảng Anh với một quốc gia phát triển, đã là con số lớn. Tới mức, để ghi công, Linacre College sẽ đổi tên thành Thao College, theo truyền thống tri ân của trường từ trước nay. Với Việt Nam, con số ấy là rất lớn. Theo chuyên gia giáo dục khai phóng Nguyễn Hoàng Chiêu Anh, trong bối cảnh Covid-19 khiến hàng loạt trường mầm non phải đóng cửa, bao nhiêu dự án giáo dục đang ngắc ngoải chờ mong được tiếp sức về mặt tài chính để có thể tồn tại thì con số 155 triệu USD ấy quả thực khổng lồ.


Theo báo cáo do Công ty Tư vấn Chiến lược Toàn cầu L.E.K. Consulting, thị trường giáo dự tư nhân từ bậc mẫu giáo đến bậc THPT của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) gần 11%, giai đoạn 2016 – 2020. Con số này còn có khả năng tăng hơn nữa. Chỉ riêng TP.HCM, trong năm 2020, quy mô thị trường giáo dục tư thục đã ước tính trị giá khoảng 15.200 tỷ đồng.


Tuy nhiên, dịch bệnh đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư giáo dục, rất nhiều trung tâm đào tạo ngoại khoá, kỹ năng, trường mầm non đóng cửa vô thời hạn. Còn nhớ, đại diện 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập bao gồm các trường học từ mầm non đến phổ thông, đại học, các hệ thống trung tâm ngoại ngữ… đã từng phải gửi thư kêu cứu đến Thủ tướng vì áp lực không thể cầm cự.



Thư viện trường Linacre College – Trường Đại học thuộc Oxford sắp đổi tên theo tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo



Chủ đầu tư khó khăn một thì người lao động trong ngành khó khăn mười. Chỉ tính riêng TP.HCM, theo thống kê của Sở GD-ĐT, tính đến ngày 11/9/2021, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động ngành giáo dục bị mất việc làm là hơn 12.000 người. Trong đó, bậc mầm non ảnh hưởng nhiều nhất với 10.129 người (chiếm 82,08%), do bị hủy hoặc hoãn hợp đồng.


Những khó khăn của ngành giáo dục Việt Nam, nếu được “tiếp tế” hơn 4.800 tỷ đồng kia, có lẽ sẽ giải quyết được rất nhiều bất cập hiện tại. Như lời một chuyên gia giáo dục có tiếng trong ngành, chỉ cần một phần nhỏ trong khoản tài trợ mà Linacre College được nhận cũng đã đủ để Vietjet mua lại rất nhiều trường mầm non đang ngắc ngoải tại Việt Nam, đủ để cả một thế hệ mầm non Việt Nam được giáo dục bài bản dưới mái trường mang tên “Thao Kindergarten” chẳng hạn.


Một khoản tài trợ lớn đến như vậy bị trôi ra nước ngoài, trong khi “người nhà” thì đang trong cảnh khó, tất nhiên là gây tiếc nuối. Nhưng với những tính toán ngoài giáo dục, như quan hệ ngoại giao hoặc truyền thông chẳng hạn, thì lại là một câu chuyện khác.


Thanh Tâm



Bài đăng liên quan

Xem tất cả
ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page