top of page
Ảnh của tác giảNavigator Media

Việt Nam trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất Đông Nam Á


Theo Báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures, Việt Nam mới đây đã đạt vị trí thứ 3 trên thang đo về tính năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp trong số 6 quốc gia thuộc ASEAN (chỉ sau hai nước Indonesia và Singapore).

Hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động


Những cái tên như FPT, Vietnam Silicon Valley, Saigon High Tech Park Innovation Center đã tiên phong cho làn sóng startup tại Việt Nam từ những năm 2015-2016. Gần đây có thêm sự xuất hiện của những tân binh tiềm năng lớn như NINJA Accelerator và Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP.


Năm 2020 ghi nhận gần 135.000 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập. Trong đó Việt Nam có khoảng 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo. Điều này minh chứng cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầy sức hút và phát triển.


Để giúp các công ty khởi nghiệp đổi mới và phát triển, tiếp cận được các nhà đầu tư, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp đã thiết kế những chương trình đặc biệt đồng thời cung cấp nguồn lực như không gian làm việc, cố vấn, giáo dục cho các công ty trẻ. Điều này đã giúp các công ty tiết kiệm chi phí trong giai đoạn đầu của quá trình ươm tạo doanh nghiệp. Nhiều cố vấn là các doanh nhân tiêu biểu cũng tích cực tham gia thẩm định các cuộc thi khởi nghiệp như: GS. Phan Văn Trường, Shark Nguyễn Hòa Bình, Lê Diệp Kiều Trang – Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc tài chính tại Việt Nam của Avero…


Việt Nam những năm gần đây chứng kiến làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, nhiều tên tuổi đã xuất sắc thu hút mạnh dòng vốn trong và ngoài nước. Tiki mới đây đã gọi vốn thành công cho vòng Series E, trị giá lên đến hàng trăm triệu USD. Hàng trăm tỷ đồng từ các nhà đầu tư lớn đã và đang đổ về Clevai Vietnam, Marathon, Educa Corporation, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch.


Thực tế, Việt Nam đã sớm thuộc top 10 thị trường có mức tăng trưởng e-learning lớn nhất thế giới trong năm 2019 (44,3%), trở thành thị trường hấp dẫn với các startup và các nhà đầu tư. Đặc biệt, năm 2016 được Chính phủ chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho các doanh nghiệp và thế hệ trẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang diễn ra rất sôi động nhưng theo BambuUP, có đến hơn 95% doanh nghiệp, tập đoàn lớn chưa có đủ thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.


Vì thế, nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP dự định phát hành báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”, được BambuUP xây dựng dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia, dự kiến phát hành tháng 12/2021 bằng 2 thứ tiếng (Việt và Anh).


Cụ thể, báo cáo sẽ cung cấp bản đồ khởi nghiệp qua các ngành kinh tế nổi bật như: Bán lẻ, Công nghệ tài chính (Fintech), Công nghệ Giáo dục (Edutech), Công nghệ chăm sóc sức khỏe (Healthtech), Công nghệ tiếp thị và bán hàng, Chuỗi cung ứng (Logistics), Công nghệ Nông nghiệp (Agtech& Foodtech), Du lịch& Lữ hành…

Báo cáo được kỳ vọng sẽ là nguồn thông tin thúc đẩy và mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước giữa các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách cũng có thể tham vấn báo cáo để quy hoạch hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo mở dài hạn.

Đưa bản đồ các công ty khởi nghiệp vươn tầm thế giới

Theo ông Phạm Dũng Nam, Giám Đốc trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, cả quốc gia, nền kinh tế, và cả hệ sinh thái đều gặp khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nhu cầu về đổi mới sáng tạo, liên kết hợp tác, và về ứng dụng khoa học và công nghệ trở thành là một tư duy mới, một triết lý mới cho sự phát triển.



Việt Nam có rất nhiều giải pháp sáng tạo triển vọng. Chỉ cần các công ty khởi nghiệp được trao cơ hội, thử sức giải những bài toán lớn của doanh nghiệp, được hỗ trợ tài chính đúng thời điểm thì sẽ có cơ hội phát triển, đổi mới và là động lực phát triển cho nền kinh tế.

Dự án sẽ thực sự kết nối và đóng góp một phần giúp bản đồ phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam sắc nét hơn và quảng bá rộng rãi khởi nghiệp Việt Nam tới các đối tác nước ngoài. Mục tiêu dự án muốn đưa báo cáo đến khoảng 20 quốc gia với 5000 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.



Bài: Hoài Linh – Tổng hợp


Kommentit


ad1_2.jpg