top of page

Từ Paul Newman đến Unicorn, chiêm ngưỡng 6 mẫu Rolex đắt đỏ từng được đấu giá


Khi đánh giá những mẫu Rolex được bán với mức giá cao nhất trong những năm gần đây, ta bắt gặp một nghịch lý của thị trường đồng hồ hiện đại: phần lớn thuộc về dòng đồng hồ thể thao chất liệu thép, vốn dĩ có giá bán tương đối phải chăng khi ra mắt thị trường. Ít nhất hai mẫu nằm trong phân khúc đồng hồ phức tạp cao cấp và làm từ chất liệu quý như Bao Dai hay Ref. 4113 Split-Seconds – dòng sản phẩm Rolex hiện không còn sản xuất nhiều, ngoại trừ có thể là Sky-Dweller. Nhưng đa số vẫn là các mẫu ít phức tạp hơn, như Day-Date chỉ có chức năng xem giờ hoặc Daytona, với ngôn ngữ thiết kế cơ bản còn được duy trì đến tận thập niên 2020. Để lý giải hiện tượng này, chúng ta cần xem xét bối cảnh lịch sử của chúng.


Mặc dù ngày nay Rolex thống trị phân khúc đồng hồ xa xỉ, được ví như "vàng" trong giới sưu tầm, ít ai biết rằng khi Hans Wilsdorf thành lập thương hiệu vào đầu thế kỷ 20, Rolex không hướng đến hình ảnh xa hoa. Thay vào đó, Wilsdorf nung nấu ý chí chế tạo những cỗ máy thời gian mạnh mẽ, đồng hành cùng con người trong mọi cuộc phiêu lưu mạo hiểm: từ chinh phục đỉnh núi cao nhất, lặn sâu đáy đại dương đến chiến đấu trên mọi chiến trường khốc liệt.


Phải đến thập niên 1970, Rolex mới khoác lên mình chiếc áo xa xỉ theo nghĩa hiện đại, nơi sản phẩm không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu thiết yếu. Ví dụ điển hình là mẫu đồng hồ hai múi giờ bằng vàng khối – minh chứng cho sự tiến vào phân khúc cao cấp của thương hiệu. Gần đây, "cơn sốt" mang tên Submariner, GMT-Master và Daytona – những "chiến binh thép" của Rolex – đã tạo nên cú twist ngoạn mục trong câu chuyện phát triển của hãng tại thế kỷ 21. Thật khó để tưởng tượng điều này vào thập niên 1960, khi người ta chỉ tìm kiếm một chiếc đồng hồ đeo tay bền bỉ. Nhu cầu sở hữu Rolex ngày nay cao đến mức khách hàng phải "gây dựng" lịch sử mua sắm lâu dài với nhà phân phối ủy quyền để có cơ hội sở hữu những "công cụ thời gian" này, thậm chí phải chấp nhận chờ đợi hàng năm. Lựa chọn thay thế là tìm kiếm trên thị trường thứ cấp với mức giá cao hơn nhiều so với giá gốc.


Có lẽ chính khao khát hiện đại về những chuyến phiêu lưu của thế kỷ 20, khi bản đồ thế giới còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, đã góp phần tạo nên sức hút mãnh liệt cho những cỗ máy thời gian bằng thép thời kỳ đầu, đặc biệt là từ Rolex. Ai lại không muốn, chỉ với một cái nhìn xuống cổ tay, được chạm vào lịch sử, được sống lại những kỳ tích của những con người vĩ đại từng đeo chúng?


Trong danh sách 6 chiếc Rolex được bán đấu giá đắt bậc nhất, bên cạnh sức hấp dẫn về lịch sử, giá trị của những chiếc đồng hồ cổ Rolex còn được khẳng định bởi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Một chiếc đồng hồ từng thuộc sở hữu của huyền thoại như Paul Newman, bất kể thương hiệu nào, cũng sẽ trở thành món đồ săn lùng của giới sưu tầm.


Sự phát triển của mạng xã hội, những chuyên trang về đồng hồ, các cộng đồng đam mê như Red Bar, cùng chiến lược quảng bá từ chính các nhà đấu giá đã góp phần thổi bùng cơn sốt, chưa kể đến tình hình đại dịch khiến người ta chuyển hướng đầu tư từ các trải nghiệm sang những món hàng xa xỉ như đồng hồ. Sức hút dành cho đồng hồ Rolex ngày càng lớn khi nền tảng kiến thức được mở rộng và ngày càng nhiều người bị thu hút. Không khó để bắt gặp những cá nhân có tiềm lực, sẵn sàng hòa mình vào thị trường "săn" đồng hồ đang tăng trưởng mạnh mẽ này với mục tiêu đạt lợi nhuận tương tự như ở thị trường nghệ thuật hay chứng khoán. Và Rolex được nhìn nhận như một trong những lựa chọn "đầu tư" thanh khoản nhất, tuy khái niệm này ít nhiều gây khó chịu cho những nhà sưu tầm chính thống. Ngày nay, nếu sở hữu một chiếc Rolex mới, đặc biệt là dòng đồng hồ thể thao chất liệu thép, bạn có thể tự tin bán lại với giá bằng hoặc thậm chí cao hơn giá trị ban đầu.


Oyster Cosmograph Daytona Ref. 6239 “Paul Newman”



Về mặt kỹ thuật, mọi chiếc Daytona với mặt số "exotic" – nổi bật với vòng đếm giây tương phản bên ngoài, kiểu chữ funky hiện đại trên các mặt số phụ, các cọc số dạng khối cùng những cọc số hình vuông ở vị trí 1-12 giờ – đều được gọi là biến thể "Paul Newman". Tuy nhiên, sức hút chỉ thật sự bùng nổ khi chiếc Rolex reference 6239, món quà từ vợ của nam tài tử kiêm tay đua huyền thoại Paul Newman, được đem đi đấu giá vào năm 2017. Giới mộ điệu đồng hồ đã vô cùng sửng sốt khi phiên đấu giá khép lại với mức giá 17,75 triệu USD (bao gồm phí người mua). Một thành tích ấn tượng cho một chiếc Daytona từng bị bỏ xó trong tủ trưng bày hồi những năm 1960 vì không nhận được mấy sự chú ý.


  • Giá bán: 17,75 triệu USD tại nhà đấu giá Phillips vào tháng 10 năm 2017

  • Đường kính: 36,5 mm

  • Bộ máy: Valjoux cal. 72B lên dây cót thủ công


Cosmograph Daytona Ref. 6265 “Unicorn”



So với những chiếc Ref. 6265 vỏ Oyster thép không gỉ phổ biến với mức giá tầm 70.000 USD, phiên bản vàng trắng 18-karat độc nhất này lại sở hữu sự hiếm hoi sánh ngang kỳ lân, điều được minh chứng qua mức giá bán kỷ lục tại phiên đấu giá.


Xuất phát từ bộ sưu tập của nhà sưu tầm danh tiếng John Goldberger, chiếc đồng hồ được ông quyên tặng cho nhà bán đấu giá Phillips với mục đích cao cả: toàn bộ doanh thu sẽ được trao cho tổ chức từ thiện Children Action.


Tính đến năm 2020, đây là chiếc Rolex đắt thứ hai từng được bán đấu giá, chỉ sau huyền thoại Daytona của Paul Newman.


  • Giá bán: ~6,5 triệu USD tại nhà đấu giá Phillips tháng 5 năm 2018

  • Đường kính mặt số: 37 mm

  • Bộ máy: Valjoux cal. 727 lên dây cót thủ công


Rolex Ref. 6062 “Bao Dai”



Năm 1954, tại Geneva, giữa bối cảnh lịch sử trọng đại của Việt Nam, vị hoàng đế cuối cùng Bảo Đại đã đặt chân đến cửa hàng Rolex với mong muốn sở hữu một cỗ máy thời gian phi thường: "chiếc Rolex hiếm nhất và quý giá nhất từng được chế tác". Lời yêu cầu ấy đã dẫn dắt Ngài đến với chiếc Ref. 6062, một kiệt tác chế tác với bộ lịch ba (ngày, tháng, thứ), chức năng lịch tuần trăng, khoác lên mình lớp vỏ vàng rực rỡ cùng mặt số đen huyền bí điểm xuyết những cọc số kim cương lấp lánh.


Tuy nhiên, điều khiến chiếc Ref. 6062 của vua Bảo Đại trở nên độc nhất vô nhị chính là cách bố trí năm viên kim cương sole (xếp thành hàng một) trên mặt số, tạo nên sự khác biệt hoàn toàn so với hai phiên bản Ref. 6062 mặt số kim cương khác mà giới sưu tầm từng biết đến. Chính sự độc đáo và quý hiếm này đã đưa chiếc đồng hồ trở thành huyền thoại trong thế giới Rolex, đồng thời là biểu tượng cho đẳng cấp và vị thế của Vua Bảo Đại.


  • Giá bán: 5,06 triệu USD tại Phillips tháng 5 năm 2017

  • Đường kính mặt số: 36mm

  • Bộ máy: Rolex cal. 655 tự động

Cosmograph Daytona Ref. 6263 “The Legend”



Mang cấu hình "Paul Newman" cực hiếm, chiếc Ref. 6263 này là một trong ba phiên bản duy nhất được chế tác với vỏ Oyster (chống nước) bằng vàng vàng. Sở hữu mặt số "lemon grené" (vàng chanh) nổi bật với các mặt số phụ tương phản màu đen, vòng đếm giây bên ngoài đen và viền bezel đen, tạo nên một diện mạo ấn tượng "hớp hồn" mọi ánh nhìn. Sau một cuộc đấu giá kịch tính, chiếc đồng hồ đã được bán với giá hơn 3,7 triệu USD, trở thành chiếc Rolex đắt thứ hai từng được bán ra tại thời điểm đó (tháng 5 năm 2017), chỉ đứng sau chiếc của vua Bảo Đại.


  • Giá bán: 3,7 triệu USD tại Phillips tháng 5 năm 2017

  • Đường kính mặt số: 37,5 mm

  • Bộ máy: Valjoux cal. 727 lên dây cót thủ công


Cosmograph Daytona Ref. 16516



Một chiếc Daytona vỏ platinum đã đủ đặc biệt, nhưng một chiếc với mặt số được chế tác từ đá Turquoise và bộ máy tự động từ Zenith thì lại càng giá trị.


Là một trong năm phiên bản đặc biệt được chế tác riêng theo yêu cầu của Cựu Giám đốc Điều hành Rolex Patrick Heiniger vào năm 1999, chiếc đồng hồ này sở hữu vẻ đẹp độc nhất vô nhị với mặt số làm từ đá Turquoise cắt mỏng. Nét xanh ngọc bích huyền ảo của đá Turquoise kết hợp cùng lớp vỏ platinum sang trọng tạo nên một tổng thể thu hút mọi ánh nhìn.


Những mẫu còn lại có các mặt số bằng xà cừ Tahiti, san hô và lapis lazuli - trong đó mẫu mặt số lapis lazuli từng được bán với giá 3,27 triệu USD.


  • Giá bán: ~3,14 triệu USD tại Sotheby's Hong Kong, 2022

  • Đường kính mặt số: 40 mm

  • Bộ máy: Rolex cal. 4030 (nguồn gốc từ Zenith)

Cosmograph Daytona Ref. 6240 “The Neanderthal”



Là một biểu tượng trong dòng đồng hồ Rolex Daytona, Ref. 6240 mang trên mình những nét độc đáo và giá trị lịch sử to lớn.


Thoạt nhìn, bạn có thể nhận ra những điểm tương đồng với "Paul Newman" huyền thoại: kiểu chữ và cọc số đặc trưng. Tuy nhiên, ra đời từ năm 1966, chiếc Daytona này sở hữu những nét riêng biệt, tạo nên sự khác biệt độc đáo và được xem như phiên bản tiền thân của “Paul Newman”.


Mặt số phụ oversize mang phong cách "exotic" đầy ấn tượng. Khác với "Paul Newman", mặt số của Ref. 6240 chỉ được trang trí đơn giản với logo vương miện và tên thương hiệu Rolex.


Điểm nhấn quan trọng của Ref. 6240 nằm ở việc là mẫu Daytona đầu tiên được trang bị vỏ Oyster chống nước. Đây là một bước tiến đột phá trong lịch sử phát triển của dòng đồng hồ Daytona, đánh dấu sự cải tiến về tính năng và độ bền.


  • Giá bán: 3,01 triệu USD tại Phillips tháng 5 năm 2018

  • Đường kính mặt số: 37,5 mm

  • Bộ máy: Valjoux cal. 72B lên dây cót thủ công


Giang Nguyễn (Theo Robb Report)

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page