top of page

Tom Ford - Quý ông đồng tính giản đơn trở thành biều tượng của vẻ đẹp nam tính


“Gợi tình", “Duyên dáng", “Lãng mạn", "Nam tính", “Đạo mạo"... đều là những tính từ mà mọi người ghim vào hình ảnh của Tom Ford - thần tượng thời trang của vô số bậc mày râu sành điệu trên toàn thế giới. Nhưng chắc ít ai biết rằng phong cách quý ông trang nhã cùng gout thẩm mỹ đầy mị lực ấy lại được trui rèn từ những tháng ngày đi… gấp quần áo.


Tom Ford của những ngày đầu tiên

Tom Ford - khi ấy còn được biết tới với cái tên Thomas Carlyle Ford, chỉ đơn thuần là cậu thanh niên kiếm kế sinh nhai với nghề người mẫu trên truyền hình, rồi ghi danh tại Học viện Thiết kế Parsons. Tuy nhiên phải tới khi Tom giành được một chân thực tập sinh tại thương hiệu Chloé, ngày ngày học cách gấp quần áo và trang trí cửa hàng, thì đam mê thời trang của NTK lừng danh tương lai mới được ấp ủ và hình thành.


Không mang dáng dấp của một cậu trai ngổ ngáo, Tom Ford khiến người ta khó ngờ rằng ẩn sâu trong gương mặt tao nhã kia là cá tính thời trang mạnh mẽ, chỉ chực bùng nổ


Trời cho Tom Ford tài năng và “nhân tiện" cho ông cả đoạn đường lận đận trong sự nghiệp. Thương hiệu Chloé dẫu định hình cho Tom những gì ông muốn nhưng không phải nơi để ông phát triển. Bến đỗ tiếp theo của Tom là Perry Ellis, tuy nhiên lại dần khiến ông chán ngán vì guồng quay công việc như máy móc. Tất cả mọi thứ đều không như Tom kỳ vọng, rối tung một cách điên rồ và khiến cho khối óc ông phải bùng nổ. Sau cùng, Tom Ford chọn cách rời Mỹ, tìm kiếm những cơ hội mới ở Âu châu.


Tom Ford và Marc Jacobs từng là cộng sự khi cả hai cùng chung chiến tuyến tại Perry Ellis


Sẽ là thiếu sót lớn nếu người ta yêu thời trang hay yêu giá trị thương hiệu của Gucci mà không biết tới cái tên Tom Ford. Dẫu là “cái gai" trong mắt nhà đầu tư và đám "bậu xậu", ông vẫn được ghi công là người tạo nên di sản to lớn đủ để dàn Giám đốc sáng tạo sau này của hãng phải học hỏi dài kỳ.


Bởi vì, một trong những thành tựu đình đám nhất của Tom của là khi quý ông này một tay vực dậy Gucci ở thời kỳ “ngắc ngoải". Việc thiếu đi một cái đầu quái kiệt với tầm nhìn mang tính chiến lược cùng khả năng sáng tạo vô biên khiến Gucci hao mòn trong những mẫu thiết kế dù đẹp nhưng “nhàn nhạt". Sự xuất hiện của Tom Ford khi ấy có lẽ là bởi Thượng Đế đã quá ngán ngẩm trước sự đi xuống của thương hiệu đình đám nước Ý.


Không sai khi nói nếu thiếu đi Tom Ford, Gucci dễ dàng hoá thành đống tro tàn


Dấu ấn mà Tom Ford đã đem tới cho Gucci được gói ghém cẩn thận trong hai chữ “Tính dục". Ông mạnh tay tạo nên kiểu váy ôm sát cùng những khoảng hở phơi bày da thịt - điều được coi là quá dung tục thời ấy. Chính ông cũng là người đề xuất những chiến dịch quảng bá thương hiệu với hình ảnh quá đỗi trần trụi, mô phỏng những hành động gợi cảm tới mức bị cấm tiệt trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng. Với lối sáng tạo đầy bản năng, Tom Ford đưa Gucci trở về đỉnh cao huy hoàng cùng doanh thu cực khủng, khiến giới mộ điệu thèm khát được một lần chạm tay vào từng mẫu thiết kế tinh xảo vượt bậc.


Những khoảng cut-out được đặt ở vị trí khêu gợi - điều chưa từng có ở các mẫu thiết kế của Gucci


Nhận vô số chỉ trích từ công chúng vì những ý tưởng có phần điên rồ, Tom Ford vẫn trở thành tượng đài của Gucci nhờ lối tư duy phá cách, trội bật


Năm 2003, chiến dịch quảng bá sản phẩm của Gucci bị lên án gay gắt vì những hình ảnh khêu gợi


Trong thời gian còn làm việc ở Gucci, Tom Ford đồng thời trở thành Giám đốc sáng tạo của Yves Saint Laurent và chiếm được cảm tình từ phía cha đẻ nhãn hàng. Lịch sử thời trang ghi nhận trường hợp hiếm hoi mà một NTK cùng lúc nắm hai vị trí Giám đốc sáng tạo của cả hai thương hiệu thời trang cao cấp lừng danh.



Tom Ford nhanh chóng giành được lòng tin từ Yves Saint Laurent


Chính sự nổi loạn ngầm của Tom Ford biến ông trở thành “cái gai" trong mắt nhà đầu tư lớn nhất của Gucci lúc bấy giờ. Sau khi không thể thoả thuận về các chính sách điều hành nhóm, ông quyết rời bỏ Gucci vào năm 2004 và thành lập thương hiệu mang tên mình trong cùng năm. Vẫn đem tinh thần tôn vinh tính dục và sự gợi cảm vào từng sản phẩm, các sáng tạo của ông, đặc biệt là nước hoa, dần trở thành món hàng gây sốt và được săn đón bởi nét sang trọng, hiện đại.


Tom Ford tự dựng nên đế chế hùng mạnh trong thời gian ngắn chỉ sau khi ông rời Gucci


Nước hoa trở thành mặt hàng mà người ta nhớ tới nhiều nhất mỗi khi cái tên Tom Ford vang lên


Từng một tay xây nên ngai vàng ở những nhà mốt cao cấp, nhưng bản thân gout thời trang của Tom Ford lại đơn giản đến lạ. Suit tối màu, sơ mi trắng cùng những thứ phục trang xoay vòng quanh bảng màu cơ bản dường như là những thứ đã gắn chặt vào tên tuổi ông. Kẻ không hiểu sẽ nói ông vô vị, nhưng người quan tâm sẽ biết rằng Tom khá… lười về việc nghĩ ngợi xem phải mặc gì cho bảnh bao gấy ấn tượng. Chất xám của ông dường như đã được dành trọn cho thương hiệu của mình.


Tom tự nhận mình mà là một kẻ nghiêm túc, thích mặc đẹp nhưng ít màu mè


“Tôi cảm thấy cách ăn mặc của mình giống một nhân viên bán hàng hơn là nhà tạo mốt nổi tiếng, nhưng quả thực tôi không có đủ năng lượng để quá cầu kỳ về chuyện ăn mặc. Tôi hiểu những gì sẽ thích hợp với mình. Đen, nâu, xám là những màu tôi thường mặc hàng ngày. Tôi có một ít đồ màu trắng để dành cho việc đi xem đấu tennis”.


“Những món đồ thường ngày của tôi cũng không được giặt ủi kỹ càng. Tôi mặc cùng một kiểu mỗi ngày, kết thúc một ngày, tôi sẽ treo những món đồ còn mặc lại lên mắc. Sáng hôm sau thức dậy, cậu con trai nhỏ của tôi đã chạy quanh nhà, tôi cần phải nhanh chóng chuẩn bị đưa con đi học. Thế là tôi lại mặc lại những món đồ thật vội vã”, Tom Ford tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với Vogue.


Sẽ thật khó như… đi lên trời để thấy NTK này ăn vận loè loẹt. Với ông, sự lịch lãm và nam tính như đã ăn sâu vào cốt cách



Dù tự nhận là gout ăn mặc đơn giản, nhưng lạ thay, chính Tom ford chứ không phải ai khác, lại trở thành nhân vật đại diện cho hình tượng thời trang nam tính của vô số bậc mày râu sành điệu trên toàn thế giới, nhất là khi ông khoác lên mình những bộ suit sang trọng chuẩn mực, hay chiếc khoác da bụi bặm, mạnh mẽ.


Có thể thấy được một nghịch lý thú vị nằm ở xu hướng tình dục của Tom Ford vs. gout ăn mặc của ông. Một người đàn ông đồng tính công khai lại mang vẻ ngoài cực kỳ nam tính, hơi có chút đạo mạo, khác hẳn hình ảnh mặc định rằng "gay" thì phải nữ tính yểu điệu - vốn tồn tại trong thành kiến của nhiều người, khiến cho cánh mày râu nhất tâm học hỏi và chỉ mong được chỉ dạy vài bí quyết mặc đẹp. Chẳng phải hiện thực đó là màn đáp trả cho những định kiến về sự nam tính của người đồng tính hay sao? Thế mới nói, xu hướng tình dục và phong cách thời trang chưa chắc đã được kết nối bởi mối quan hệ nguyên nhân - kết quả.


Tom Ford thậm chí từng là chuẩn mực của sự nam tính mà cánh mày râu trọng vọng


Ăn vận không cầu kỳ ,nhưng Tom lại là người rất kỹ tính. Ông có thể mặc cùng một kiểu quần áo mỗi ngày nhưng luôn muốn chúng phải cực kỳ sạch sẽ và gọn gàng. Tom Ford cũng luôn sẵn sàng đưa ra những tư vấn thời trang cho những người bạn mà ông gặp gỡ trong các cuộc giao tế, chẳng hạn: "Hãy luôn nhớ cài khuy áo jacket, bởi nó làm cho dáng vóc của chúng ta gọn gàng, đẹp đẽ hơn. Đừng ngại sử dụng túi áo jacket bởi đó chính là chiếc túi xách của người đàn ông, nhưng đừng bao giờ để quá nhiều đồ trong túi áo. Giày Oxford phù hợp với hầu hết mọi kiểu trang phục”.


Thành công của Tom Ford có công sức và sự ủng hộ vô điều kiện của người bạn đời - Richard Buckley


Sự ra đi vĩnh viễn của Richard Buckley sau những năm tháng dài chống chọi với căn bệnh ung thư là nỗi mất mát to lớn của Tom Ford



Bài: Nguyễn Mạnh Hải - Fashion Columnist


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page