top of page

The Veil – White Palace tại Việt Nam được vinh danh ở giải ‘Oscar’ kiến trúc

Công trình The Veil – White Palace ở đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) đã được góp mặt trong hạng mục Display: Completed Buildings ở Liên hoan kiến trúc thế giới (WAF) 2021. Đây là một trong những liên hoan kiến trúc và giải thưởng danh dự mà tất cả các kiến trúc sư trên thế giới đều ao ước.

Liên hoan kiến trúc thế giới (WAF) 2021 thường được ví von như giải “Oscar” của ngành kiến trúc thế giới. WAF là sự kiện quốc tế thường niên danh giá trong lĩnh vực kiến trúc nhằm vinh danh những tác phẩm kiến trúc xuất sắc. Sự kiện này là nơi gặp gỡ của các kiến trúc sư tài năng đến từ nhiều quốc gia, tại đây họ sẽ cùng nhau ghi nhận những thành tựu tiêu biểu trong tiến trình kiến trúc trên khắp thế giới.


The Veil – White Palace được góp mặt trong hạng mục Display: Completed Buildings ở Liên hoan kiến trúc thế giới (WAF) 2021.

Năm nay, WAF sẽ chính thức diễn ra tại Lisbon, Bồ Đào Nha vào đầu tháng 12 này. Vượt qua hàng nghìn các nhóm thiết kế khác, The Veil – White Palace Phạm Văn Đồng đã có mặt trong danh sách rút gọn gồm hơn 400 công trình ở nhiều hạng mục. Đồng thời công trình này cũng sánh vai cùng 20 công trình nổi bật của các kiến trúc sư và nhóm thiết kế hàng đầu thế giới trong hạng mục Display: Completed Buildings. Công trình do KTS Nghiêm Đình Toàn (me+ Architect) chủ trì thiết kế. Công trình được lấy cảm hứng từ tấm mạng che mặt của cô dâu trong ngày cưới, vừa tạo độ sâu cho không gian bên trong, lại có phần bí ẩn và chút riêng tư khi nhìn từ bên ngoài.

Nói về niềm vinh dự này, kiến trúc sư Nghiêm Đình Toàn, chủ trì thiết kế công trình, chia sẻ: “Lọt được vào danh sách đề cử rút gọn (shortlist) của WAF thực sự là một niềm vui rất lớn của chúng tôi. Tuy chưa phải là một kết quả quá to lớn nhưng đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của me+ architect cũng như cá nhân tôi”.

Nam kiến trúc sư cũng cho biết thêm: “Năm nay, do diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp nên dù đã khá vất vả để có được visa nhưng chúng tôi cũng không thể bay sang Lisbon (Bồ Đào Nha – PV) trong những ngày tới để trực tiếp thuyết trình về The Veil – Trung tâm hội nghị quốc tế White Palace trước Hội đồng giám khảo. Thay vào đó, tất cả các hoạt động sẽ được thực hiện trực tuyến và chúng tôi đang rất mong chờ để có thể nói nhiều hơn về ý tưởng thiết kế, lẫn giá trị mà me+ architect và nhà đầu tư đã gửi gắm trong công trình này. Hy vọng, The Veil trở thành một điểm nhấn thú vị cho kiến trúc Việt Nam ở cuộc thi WAF năm nay”.

‘Cô dâu e ấp’ giữa lòng đô thị

The Veil – White Palace Phạm Văn Đồng lấy cảm hứng từ tấm mạng che mặt của cô dâu trong ngày cưới (“the veil” trong Tiếng Anh) để nói lên ý nghĩa và qua đó làm nên chính diện mạo của công trình.


Nhìn từ bên ngoài, The Veil với thiết kế tấm mạng che trong mờ mỏng manh đầy cảm xúc ôm lấy các đường dạo và tạo nếp cho công trình. Từ đó, mở ra một không gian huyền ảo bên trong.


Những đường uốn lượn bên trong công trình kết hợp mặt trần tráng gương làm tăng gấp đôi chiều kích không gian, khiến không gian trở nên vô tận, đem đến hiệu ứng mở rộng và nổi bật trên phương diện thị giác cho không gian đệm.


Ý tưởng này cũng là giải pháp me+ Architect tạo ra để mở rộng tối đa khoảng không gian mở trước phần chính của công trình. Qua đó, tính tương tác giữa con người với con người trong không gian tổ chức sự kiện, hội nghị có cơ hội gia tăng. Bởi vốn dĩ lâu nay người ta chỉ quan tâm đến phần nghi thức và sự kiện chính trong các công trình tương tự.

Đưa kiến trúc Việt Nam sánh vai với thế giới

The Veil được hoàn thiện trong 11 tháng, không chỉ bảo đảm tối ưu chức năng, mà còn tạo nên nhiều giá trị nổi bật về cả thẩm mỹ, văn hóa và kinh tế-thương mại. Với lối kiến trúc độc đáo, lãng mạn, đây là một trong những trung tâm sự kiện có nhiều người nổi tiếng check-in, chụp ảnh nhiều nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó đồng nghĩa phương án thiết kế kiến trúc chính là phương thức quảng bá, marketing tối ưu nhất, bởi kiến trúc góp phần làm tăng sự trải nghiệm và tương tác giữa người với người trong không gian.


Sảnh ballroom ấn tượng được phủ bởi gần 500 chiếc đèn


Không gian lobby đặc biệt với cách xử lý vật liệu độc đáo

Việc được đề cử không chỉ là niềm vinh dự cho me+ Architect, mà còn là vinh dự cho kiến trúc sư của Việt Nam, khẳng định tên tuổi của kiến trúc Việt Nam khi tham gia đấu trường danh giá về kiến trúc. Thực tế, trong nhiều năm qua, đã có nhiều công trình do kiến trúc sư người Việt Nam thiết kế giành những giải thưởng quốc tế danh giá. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy các công ty kiến trúc và các kiến trúc sư Việt Nam vẫn đang mất vị thế trên sân nhà – chảy máu chất xám – khi các chủ đầu tư ưa chuộng “hàng ngoại” với các tên tuổi đến từ nước ngoài.

Nhìn nhận về vấn đề này, KTS Nghiêm Đình Toàn cho rằng, sự khác biệt lớn nhất giữa kiến trúc sư nước ngoài và trong nước là ở: Quy trình thực hiện và sự nghiên cứu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình xử lý dự án và thuyết phục khách hàng. Do đó, bối cảnh chung của các công trình ở Việt Nam đa phần là vội vàng, thiếu trọn vẹn và triệt để không chỉ về chi tiết mà còn cả ở không gian cũng như khó giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến công trình.

Tuy nhiên, KTS Nghiêm Đình Toàn cho rằng, bất cứ thời điểm nào trong quá khứ hay hiện tại luôn tồn tại bối cảnh mới cũ đan xen nhau. Chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng một xã hội dù có đặc điểm văn hóa, kinh tế… khác nhau ra sao thì bản thân nó đã là một thực thể hoàn chỉnh. Do đó, để đánh giá một công trình có thực sự hiệu quả thì đầu tiên, cần phải nhận thức được đầy đủ bối cảnh tác động đối với công trình, để từ đó có thể đề ra phương hướng xử lý có tác động tích cực ngược lại với bối cảnh đó. Nếu một xã hội luôn được cân nhắc và nâng niu bằng những điều này thì thiết nghĩ chính thế giới mới phải xem Việt Nam như một hình mẫu để sánh vai.

Một số hình ảnh thêm về công trình:





Nguồn ảnh: Fanpage Thông tin chính phủ




Hoai Linh, tổng hợp

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page