top of page

Kỳ quan Torre dell'Orologio ở Quảng Trường San Marco, Venice


CHUYÊN ĐỀ "12 CHIẾC ĐỒNG HỒ THIÊN VĂN THỜI TRUNG CỔ" (Bài 4)

Quảng trường Thánh Máccô (tiếng Ý: Piazza San Marco) là quảng trường quan trọng nhất và nổi tiếng nhất của thành phố Venezia, dài 175m, rộng 82m, đặc biệt ấn tượng với kỳ quan tháp đồng hồ Torre dell'Orologio. Cùng với Piazzale Roma và Piazza di Rialto, đây là 3 quảng trường trong thành phố được gọi là Piazza. Các quảng trường khác được gọi một cách khiêm nhường hơn: Campi.


Ngay giữa quảng trường là kỳ quan Torre dell'Orologio - tháp đồng hồ do kỹ sư Mauro Codussi kiến tạo trong khoảng năm 1496 - 1499, tầng thứ ba do kiến trúc sư Giorgio Massari xây thêm năm 1755. Đây là một đồng hồ thiên văn học mô tả các chu kỳ tuần trăng, mặt trời và các cung hoàng đạo.


Nếu bạn ở Venice vào ngày Epiphany (Lễ Hiển Linh - ngày 6/1), Lễ hội Festa Della Sensa đầu tháng 5 hoặc trong những sự kiện quan trọng của Venice hay nước Ý, không thể bỏ lỡ màn trình diễn vô tiền khoáng hậu diễn ra trên quảng trường San Marco. Từ giữa trưa, bạn có thể chiêm ngưỡng Ba nhà thông thái, Vua pháp sư xuất hiện trên hoạt cảnh đồng hồ về đám rước Đức Mẹ Đồng Trinh Maria và Chúa Hài Đồng. Vào mỗi giờ, từ ban công cửa sổ điều khiển phía trên đồng hồ sẽ xuất hiện đám rước bằng gỗ này, đại diện cho Thiên Chúa giáng sinh trong tiếng ngân vang của bản hòa tấu Carillon. Đám rước bước ra từ một cánh cửa bên cạnh một Thiên thần thổi tấu nhạc trời, cúi đầu trước Chúa Giêsu và Mẹ Maria đi vào Tháp cổ.


Cùng với hoạt cảnh đó, tại Tháp chuông trên Quảng trường, hai tượng de-Jacquemart gác chuông đồng khổng lồ (còn gọi là Người Moors) sẽ phang búa xen kẽ vào chuông mỗi đầu giờ trên tầng thượng.


Tháp chuông trên Quảng trường Thánh Máccô được xây trên nền của một công trình xây dựng cũ và được hoàn tất trong thế kỷ XII. Tháp này là dấu hiệu đất liền cho người đi biển, về đêm có thể đốt lửa như một ngọn hải đăng hoa tiêu. Trong lịch sử, tháp đã nhiều lần bị hư hại do động đất & hỏa hoạn. Năm 1902, tháp được xây dựng lại như cũ sau khi đổ sập.


Hội trường của giới quý tộc thành phố - Loggetta - nằm cạnh tháp đồng hồ do Sansovino kiến tạo giữa 1537 và 1540. Hình nổi và tượng của công trình xây dựng này ca ngợi các đức tính của Cộng hòa Venice: Tài năng trong chiến tranh và thương mại; Hòa thuận trong chính trị, tài hùng biện & lòng yêu hòa bình; Được sự bảo hộ của Thánh Máccô.


Thông tin thêm về Quảng Trường San Marco, Venice - Italy

Alfred de Musset đã gọi quảng trường là "SALON của châu Âu". Còn Napoléon từng ví nơi đây là "Đại sảnh lễ hội đẹp nhất châu Âu".

Do không cao hơn mực nước biển bao nhiêu, nên Piazza San Marco rất hay bị ngập lụt mỗi khi có bão cuốn theo nước ập vào từ mặt tiền nhìn ra Canal Grande (Con Kênh Lớn). Tuy nhiên, phải nghiêng mình thán phục trước hệ thống thuỷ văn & kỹ thuật điều phối dòng chảy vô cùng ngoạn mục của người Ý, bình thường không hề có sóng to gió lớn trước bao phương tiện tàu bè to lớn qua lại mỗi ngày từ thuở xưa. Còn ngày nay, thành phố được nâng cấp kỹ thuật với Đại Công Trình Cửa Chắn Lũ MOSE).

Quảng trường khởi thủy từ một diện tích trống trước ngôi Nhà thờ Thánh Máccô vẫn còn khiêm nhường vào thế kỷ thứ IX. Đây là nơi công bố và tiến hành nghi thức của hội đồng thành phố, và cũng là nơi tổ chức lễ hội, nổi tiếng với lễ hội hóa trang Carnival từ tầng lớp quý tộc.

Ngày nay, Quảng trường Thánh Máccô là kết quả của nhiều đợt xây dựng kiến tạo cách xa nhau về thời gian, chủ yếu giữa năm 1200 - 1600.

Công trình đầu tiên là ngôi nhà thờ cho Thánh cốt của Thánh Mark năm 829, dưới thời tổng trấn (Doge) thứ XI và XII. Theo truyền thuyết, hài cốt của vị thánh được đánh cắp từ thành phố Alexandria (Ai Cập) về đến Venice. Ngôi nhà thờ được xây dựng kế cạnh Doge’s Palace (Dinh Tổng Trấn Thành Phố).

Trong biến cố năm 976, nhà thờ cùng 300 căn nhà gặp hỏa nạn và bị thiêu rụi hoàn toàn. Nhân đó, vị tổng trấn Pietro I Orseolo (928 – 987) đã cho tái tạo lại khu đất này.

Quảng trường Thánh Máccô có kích thước như hiện tại khi nhánh sông của Rio Batario cùng bến cảng giữa quảng trường và Dinh Tổng Trấn được đổ đất lấp đi. Giữa những năm 1172 và 1178, tổng trấn Sebastiano Ziani cho mở rộng quảng trường, và đến năm 1177, khi Hoàng đế Thánh chế La Mã Friedrich I đến viếng thăm thì đây đã là trung tâm tiêu biểu cho thành phố cộng hòa Venice. Từ năm 1723, quảng trường được lát bằng đá trachyte, có hoa văn hình học màu sáng trên nền sẫm màu hơn, tạo cảm giác cho thấy quảng trường dài sâu hơn.

Porta della Carta là cổng vào Dinh Tổng Trấn*, còn được gọi là Cổng Vàng (Porta Aurea) do được mạ rất nhiều vàng, được xây giữa 1438 và 1442 dưới sự lãnh đạo của Giovanni và Bartolomeo. Bức tượng do Francesco Foscari cho xây được đặt bên cạnh cổng, miêu tả vị tổng trấn đang quỳ trước con sư tử có cánh - biểu tượng của Thánh Máccô cũng như của thành phố Venice.


Chia sẻ thêm của người viết:

Phần giữa Dinh Tổng Trấn là Biblioteca Marciana (Thư viện Thánh Máccô) và Piazzetta die Leoncini, có hai cột cao mang hình tượng của Thánh Máccô và Thánh Torado. Biblioteca Marciana kết nối Piazzetta với Quảng trường Thánh Máccô.

Ẩn sau nét tuyệt vời, vẻ đẹp cổ kính xa hoa gây choáng ngợp của Venice, là biết bao sự hy sinh của bao con người nghệ sĩ, của những cống hiến thầm lặng cho những tinh hoa ấy.

Xin được chia sẻ những câu chuyện bên lề do chính người viết có dịp trò chuyện cùng anh Federico Esposti, một vị chủ đại lý đồng hồ bên cạnh hành lang chân tháp Toore dell'Orologio.

- Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, có giai thoại rằng chính quyền thời Trung Cổ muốn che giấu đi một sự thật khủng khiếp: khi người thợ đồng hồ đã hoàn thành kiệt tác của chính mình, một tổ chức bí mật của Nhà nước đã thực hiện tội ác khiến chàng trai ấy phải mù vĩnh viễn, để anh không bao giờ có thể làm ra một phó bản tương tự, nó phải là duy nhất, là biểu tượng của Venice. Câu chuyện bi thương đó không được phép truyền ra, đi ngược lại với truyền thống của Venice thời trung cổ - một thiên đường của sự học vấn uyên bác đề cao tri thức, giác ngộ và chủ nghĩa tự do tương đối.

- Câu chuyện tưởng chừng như đã khép lại với cái kết đầy bi ai đó. Nhưng không, nghiệt ngã hơn, có hai cha con Giampaolo và Giancarlo Rainieri là các kỹ sư đồng hồ đến từ Reggio Emilia, chịu trách nhiệm vận hành chính, sau khi kiệt tác được hoàn thành vào ngày 1 tháng 2 năm 1499. Hai nghệ nhân cơ khí tài hoa ấy bị buộc phải trở thành “người gác đền” với "án chung thân" trông coi tháp vĩnh viễn, là nô lệ vẽ tranh trang trí mái vòm cho các Thánh Đường lộng lẫy như số phận của các thiên tài vùng Tuscani, là Leonardo da Vinci, là Raphael, Michelangelo, Galileo... cho qua hết những tháng ngày vô định! Hai cha con đã khỏi đầu cho một "truyền thống" kéo dài suốt 5 thế kỷ, theo đó những người canh giữ sống cùng gia đình của họ bên trong tòa tháp, phải chịu đựng "thưởng thức" tới 528 tiếng chuông ngân mỗi ngày hòa theo nhịp đập thủy triều bên dòng Adriatic, đấy là một sự ban ơn, hay là nỗi đau, là lời nguyền thế kỷ?!


Bài: Phong Huỳnh - Watches Clumnist - S.t & Trải nghiệm thực tế.

------------------ Cre: Vittoria Dall'Armellina, Phong Huynh & Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử - Make Christianity Great As Always


------------------


Xem các bài khác cùng chuyên đề:



ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page