top of page

Tại sao Zara có thể vô tư đạo nhái chất xám của các hãng thời trang khác?


Phổ biến và quen thuộc, mỹ miều và thân thương, Zara là thương hiệu thời trang rất được lòng công chúng xứ Việt. Nhưng có mấy ai hiểu rằng, đây thực chất là “cỗ máy" sao chép sáng tạo của các hãng thời trang cao cấp khác?


Cách đây hơn một thập kỷ, Zara là cái tên vừa xa lạ, vừa tạo cảm giác “sang chảnh" đối với cả dân sành thời trang lẫn những người còn chưa một lần tự tay chọn tấm áo, manh quần. Zara của ngày trước được bày bán ở Việt Nam dưới dạng hàng xách tay, hoặc được nhập về và kinh doanh theo hình thức “ngoài luồng”, trốn thuế. Đối với nhiều người, đẳng cấp của họ như được nâng lên vài bậc khi mặc chiếc áo có cái mác Zara đằng sau gáy.


Ở thời hiện tại, sau hơn 6 năm xuất hiện tại Việt Nam, Zara đạt doanh thu gần 1.700 tỷ đồng (theo báo cáo năm 2018), gấp gần 6 lần năm 2016 nhờ tâm lý hàng hóa bình thường của người dùng Việt. Với mức giá không quá đắt và chất lượng mẫu mã thoả mãn nhu cầu số đông người tiêu dùng, Zara nghiễm nhiên chiếm vị trí khó bị lật đổ trên thị trường.


Nhưng đó là đối với một bộ phận “thượng đế". Còn trong mắt các nhà mốt cao cấp hay giới mộ điệu nói không với hàng giả, hàng nhái, Zara là đạo diện cho những nhà sản xuất ngang nhiên đạo nhái sáng tạo của các thương hiệu khác. Ở một số nơi, họ còn sử dụng cái tên Zara thay cho từ “fake" (làm giả) nhằm mỉa mai phương thức hoạt động lạ lùng của nhãn hiệu này.


Làm giả ư?

Trên thực tế, thay vì thuê hẳn đội ngũ thiết kế giàu chất xám để cho ra những mẫu trang phục đẹp mắt, Zara lại “lịch sự" sao chép bản vẽ của các nhà mốt khác theo kiểu chắp vá mỗi chỗ một chút. Sau đó, dựa trên phản hồi từ mạng lưới người dùng toàn cầu để chỉnh sửa. Chính cách làm ăn lạ đời này đã đánh trúng tâm lý của một lực lượng lớn khác hàng trên thế giới - những người thích tiền ít mà “hít" quần áo thơm.




Vì lẽ này, NTK tài danh Tom Ford từng tuyên bố: "Có thể hơi tự mãn, nhưng tôi đã may mắn khi sáng tạo ra những thiết kế tuyệt vời. Có điều, tôi không mấy thích thú khi thấy chúng xuất hiện tại cửa hàng của Zara trước cả cửa hàng của chính tôi”. Chẳng riêng gì quý ngài Tom, mà mọi giám đốc sáng tạo hay những nhà mốt chân chính, đều coi các thương hiệu như Zara là cái gai trong mắt, là cái dằm trong tim.





Nếu các “ông lớn" còn bị Zara ngang nhiên đạo nhái, thì phận NTK “thấp cổ bé họng” cũng khó thoát khỏi tầm ngắm của thương hiệu đầy thị phi này. Năm 2016, cô Tuesday Bassen - chuyên viên thiết kế và vẽ tranh người Ấn Độ, đã tố cáo việc Zara hồn nhiên đưa tất cả hình vẽ của mình vào những sản phẩm quần áo, phụ kiện trong bộ sưu tập được giới thiệu vào năm đó. Đứng trước cáo buộc của bị hại, nhãn hàng cứ im ỉm cho qua chuyện, bỏ lại hàng loạt thiệt hại cho tài năng trẻ.



Vậy tại sao Zara vẫn tự tin sống khoẻ?

Theo lẽ thường, mọi hành vi vi phạm tác quyền đều có thể bị xử lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật, vậy tại sao Zara vẫn phát triển được tới ngày hôm nay?


Hiểu một cách đơn giản: luật sở hữu trí tuệ chỉ có thể bảo vệ tên thương hiệu, logo hay hoạ tiết đặc trưng. Tất cả những gì Zara đang làm là xào xáo, thay đổi các mẫu thiết kế cho khác đi một chút - điều mà luật pháp không thể bắt bẻ. Cứ thế, các nhãn hàng danh tiếng đành ngậm đắng nuốt cay, còn Zara vừa làm giàu cho hầu bao, vừa chờ đợi xem sáng tạo của nhà mốt nào sắp sửa bị lên “thớt".


“Tẩy trắng"


Đạo nhái chán chê, Zara tính đường gột sạch “bụi trần", tẩy cho bằng hết những thị phi trên đường công danh vốn đã quá ồn ào của mình.


Nhằm xoa dịu dư luận, cũng như tô vẽ cho đẹp bộ mặt thương hiệu, Zara quyết định khởi động một chiến dịch năm 2018: cộng tác với những nhà thiết kế từ trường đại học Bunka Gakuen của Nhật Bản trong một chiến dịch mang tên VIEW.S. Toàn bộ nhân lực trẻ sẽ được trực tiếp tham gia vào khâu thiết kế cùng đội ngũ sản xuất của Zara.


Dẫu đây là “tẩy trắng" nhưng thương hiệu từ Tây Ban Nha vẫn nhận được sự ủng hộ của của rất nhiều cá nhân trong giới nghệ thuật. Hãng được vinh danh vì tạo ra sân chơi công bằng, minh bạch cho người trẻ, giúp tìm kiếm và đào tạo tài năng. Nhìn chung, các NTK trẻ được trao cơ hội phát triển, còn Zara thì có “tiếng thơm” giúp vớt vát chút thanh danh đang bị mai một.


Bài học từ Zara

Tai tiếng là vậy, nhưng Zara vẫn để lại những bài học quý cho làng mốt. Đầu tiên phải kể tới khả năng bắt kịp xu hướng, liên tục thay đổi và làm mới mình. Bằng chứng là trong vòng một hoặc hai tuần sau khi một xu hướng mới trở thành “hot trend", thương hiệu đã kịp thời sản xuất hàng loạt sản phẩm dựa trên trào lưu ấy, nhằm thoả mãn sức mua khủng khiếp của những tín đồ mua sắm thời trang nhanh.


Thay vì sản xuất số lượng nhiều hơn cho mỗi một thiết kế, Zara tạo ra nhiều thiết kế hơn - khoảng 12.000 mẫu thiết kế mỗi năm, giúp tạo thật nhiều cơ hội lựa chọn, thoả mãn nhu cầu về mua sắm đa dạng của người tiêu dùng. Hơn hết, tinh thần cầu tiến và không ngừng đổi mới đã đương nhãn hiệu tới thời kỳ đỉnh cao.


Dẫu vậy, việc trở thành một trong những thương hiệu thời trang bán lẻ thành công và quyền lực nhất mọi thời đại cũng chẳng thể khiến giới mộ điệu nhìn Zara bằng con mắt thiện cảm. Xét về khả năng kinh doanh, hãng có thể chiếm địa vị của một “ông lớn". Nhưng nếu luận bàn về những di sản, sáng tạo mang tính đột phá mà Zara để lại cho làng mốt, người ta sẽ nhanh chóng kết thúc cuộc thảo luận bởi rốt cuộc thì cũng chẳng có mấy thứ để mà nói…


Bài: Mạnh Hải - Fashion Columnist

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page