top of page
Ảnh của tác giảNavigator Media

Sự buồn chán là chất xúc tác mạnh mẽ không thể thiếu khi bắt đầu sáng tạo

5 nhà sáng tạo trên thế giới chia sẻ trải nghiệm bản thân họ về những ảnh hưởng nặng nề do giãn cách xã hội, những dự định trong tương lai và cách mà ngành sáng tạo sẽ thay đổi sau nạn dịch.


Đại thi hào William Shakespeare đã không để hoàn cảnh hạ gục mình, khi ông sáng tác ra tác phẩm kinh điển King Lear trong thời kì dịch hạch đang hoàng hành. Vậy còn những nhà sáng tạo thời hiện đại thì sao? Từ Đài Bắc đến đảo Île d’Or, 5 nghệ sĩ bị cách ly xã hội chia sẻ về những ảnh hưởng của nạn dịch đến cách họ làm việc và những bài học họ đã rút ra được.


John Yuyi, nhà thiết kế đồ họa, Đài Bắc


Sau khi trở về quê nhà, cuộc sống sôi động thường ngày của John Yuyi tại Manhattan đã bị thay thế bằng khoảng thời gian trầm lắng cùng người bà của mình. “Đã có lúc tôi bị suy sụp tinh thần bởi vì tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bị cô lập như vậy,” Yuyi cho biết.


Cô nổi tiếng với những tác phẩm hình xăm đương đại phản ánh hiện thực của mạng xã hội và đánh đúng vào tâm lí của thế hệ trẻ ngày nay. Nổi tiếng hơn từ khi kết hợp với Gucci trong một chiến dịch quảng cáo, cô liên tục du lịch khắp thế giới và hợp tác với những tên tuổi lớn như Nike và Maison Margiela.


Nhưng cuộc sống bận rộn này giờ đã trở nên chậm rãi hơn. “Bạn có thể nghỉ ngơi mà không cảm thấy bất an, điều mà nhiều người có lẽ chưa bao giờ được trong cả sự nghiệp của mình,” cô ấy nói. Đối với Yuyi, khoảng thời gian ngưng làm việc đã tạo điều kiện để cô thử nghiệm những vật liệu mình chưa bao giờ ứng dụng. Những tác phẩm mới của cô đều rất sáng tạo: một hòn đá được đính đầy chi tiết từ bảng mạch laptop, hay đất sét tạo hình đôi chân em bé được khắc kí tự ‘cuộc sống’ bằng tiếng Hoa.


Mặc dù mức thu nhập đã bị ảnh hưởng ít nhiều do những chính sách cách ly, Yuyi vẫn giữ tinh thần lạc quan, coi hoàn cảnh hiện tại như là một cơ hội để mình tự do thử nghiệm các phong cách sáng tạo mới.


Jess Cole, người mẫu kiêm nhà viết kịch, London

Cole hi vọng cuộc khủng hoảng sẽ khiến ngành công nghiệp thời trang nhận ra ‘vòng quay hamster’ mà các nhà thiết kế đang bị áp đặt lên.


Nàng thơ Jess Cole từng có một lịch trình dày đặc. Bên cạnh việc xuất hiện trong chiến dịch của Celine và show diễn couture của Valentino, mới đây cô vừa xuất bản một zine (tạp chí tự xuất bản) kết hợp với nhà thiết kế thời trang Bianca Saunders, nhiếp ảnh gia Joshua Woods và stylist Matt Holmes. Ngay trước khi có lệnh cách ly, cô đang biên kịch cho vở diễn từ tác phẩm của TS Eliot.


Bỗng nhiên có nhiều thời gian rảnh rỗi, Cole bắt đầu thử nghiệm với những hình thức văn học khác nhau, từ closet drama (một vở kịch được viết không có ý định để diễn mà chỉ để đọc) đến làm thơ. Vào thời gian đầu, sau khi cô coi một cuộc phỏng vấn của Paul Thomas Anderson, cô đã thử học theo phong cách sáng tạo của nhà làm phim huyền thoại: tập trung vào những kiến thức học thuật phức tạp. Không lâu sau đó, cô quay lại với một cuộc sống thư thả, đọc sách nhẹ nhàng vào buổi sáng và đi bộ thư giãn vào buổi chiều. “Nó là cách tôi tự trị liệu,” Cole chia sẻ.


Brooke Wise, nghệ sỹ tự do, Los Angeles


Khi mới bắt đầu cách li, Brooke Wise tự thưởng bản thân với những hoạt động vui vẻ nhẹ nhàng - đọc sách, board game. Dần dần, nó trở thành mục tiêu tiếp theo trong hành trình sáng tạo của cô.


“Tôi nghĩ rằng mình nên tạo ra một thứ gì đó giúp con người giảm căng thẳng, tạm quên đi âu lo và đồng thời thỏa mãn tình yêu của họ với nghệ thuật.” Và từ đó, The Fine Art Quarrantine Coloring Book - một quyển sách tô màu hoàn toàn miễn phí với các tác phẩm nghệ thuật đương đại từ hơn 20 nghệ sĩ khác nhau - đã ra đời.


Một số tác phẩm - như các bức tranh của Cristana BanBan, người có phong cách đặc trưng là miêu tả hình ảnh những người phụ nữ quá khổ - đã có sẵn phong cách phù hợp cho một quyển sách tô màu; một số nghệ sĩ khác thì điều chỉnh phong cách mình để dành riêng cho dự án này. Tuy hoàn toàn có thể tải về miễn phí, nhưng tập sách này cũng đã thu về được gần 2000$, số tiền này được quyên góp cho tổ chức từ thiện tại Mĩ Meals on Wheels. Sau ngày 1/6, tất cả số tiền đã nhận được được đóng góp cho Black Visions Collective, một tổ chức hướng về quyền lợi cho những người da đen.


Antonin Tron, nhà thiết kế kiêm nhà sáng lập thương hiệu Atlein, Paris

Là một thương hiệu nhỏ, độc lập, Atlein nằm trong số những cái tên bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn dịch.


Antonin Tron đang tận hưởng kì nghỉ của mình tại nhà bố mẹ trên hòn đảo Île de Ré, Pháp, trước khi ngành du lịch đóng cửa. Không thể quay về nhà riêng tại Paris, hàng ngày Tron làm việc với con ma-nơ-canh cũ mà anh từng sử dụng thời còn đi học. “Việc may mặc giúp tôi trở nên bình an và điềm đạm hơn,” anh cho biết.


Đây là giai đoạn khó khăn cho hãng thời trang Pháp, khi họ phải đối mặt với những thách thức về mặt tài chính lớn nhất từ trước đến giờ. Atlein cũng là một trong những cái tên bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, anh cũng được an ủi phần nào khi mô hình kinh doanh của mình - xoay quanh việc sử dụng deadstock fabric (lượng vải dư thừa không bán được) và sản xuất trong khu vực địa phương - đang dần được công nhận.

Antonin Tron


“Cuộc khủng hoảng này một lần nữa xác nhận rằng chúng ta cần phải cải tổ lại dây chuyền sản xuất địa phương và sản xuất ít hơn. Thật tuyệt khi mọi người đang dần hiểu ra điều này hoàn toàn có thể.”


Khi được hỏi về tương lai, Tron cho biết anh vẫn không rõ liệu các tập đoàn thời trang lớn có thay đổi cách họ hoạt động không. Tuy nhiên với những thương hiệu nhỏ hơn, anh cho rằng đây là cơ hội để họ tận dụng. “Rất nhiều áp lực được giảm đi, bởi vì giờ đây chúng ta có thể nói rằng, ‘Tôi không có tiền, vì vậy tôi sẽ không trình diễn’. Các áp lực đã biến mất. Áp lực truyền thông, áp lực từ các nhà bán lẻ.”


Malin Fezehai, nhiếp ảnh gia, Bali


Malin Fezehai chưa bao giờ quen với việc ở yên một chỗ. Nhiếp ảnh gia người Eritrea - Thụy Điển đã phải di chuyển qua 3 châu lục khác nhau chỉ trong tháng 12, trong đó có một chuyến đi đến Ghana để thực hiện những thước phim tài liệu Year of Return. Trong khoảng thời gian quá cảnh tại Bali, các quy định nghiêm cấm du lịch đã được ban hành. Trái với những đám đông ồ ạt chạy khỏi đây, Fezehai quyết định ở lại hòn đảo tại Indonesia này. “Bali đã là nơi mà tôi thường đến nghỉ ngơi và hồi phục trong những năm gần đây. Tôi cảm giác nó là nơi phù hợp với mình khi quá nhiều sự hỗn loạn đang diễn ra ngoài kia,” Fezehai chia sẻ.


Từ khi đặt chân lên hòn đảo, cuộc sống của cô đã thay đổi hẳn. Không còn được bay nhảy khắp nơi, Fezehai nhận thấy rằng hiệu quả làm việc của mình cũng không như mong muốn. Thay vào đó, cô tham gia vào những chương trình luyện tập, giữ gìn sức khỏe để điều chỉnh lại lối sống của mình.


Fezehai vẫn đang học cách để thích nghi với cuộc sống mới và tương lai mờ mịt sắp tới. Cô nhấn mạnh rằng “tương tác giữa con người là nền tảng” của những tác phẩm. Vẫn còn một điều lạc quan: nếu ngành công nghiệp nghệ thuật được đưa lên những nền tảng mang tính cộng đồng hơn, như online hay triển lãm ngoài trời, nó sẽ vươn ra khỏi thế giới vốn chỉ dành cho giới thượng lưu và đến với nhiều người hơn.


Bài: PD từ fashionnet.vn

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page