Ra mắt Neo Constant Escapement - 20 năm tâm huyết của Girard-Perregaux
- Navigator Media
- 14 thg 12, 2023
- 4 phút đọc

Trong một buổi gặp mặt riêng tư tại New York vào tháng trước, Giám đốc điều hành của Girard-Perregaux, Patrick Pruniaux, đã tiết lộ đỉnh cao của hai thập kỷ nghiên cứu chuyên sâu về đồng hồ: Neo Constant Escapement, một sản phẩm bổ sung tuyệt vời cho thế giới đồng hồ cao cấp.
"Chúng tôi đã mất 20 năm để chế tạo. Chỉ riêng bộ máy đã mất gần ba năm để phát triển. Vì vậy, chúng tôi đã mất gần 10 năm để cho ra phiên bản ban đầu và gần 10 năm nữa cho phiên bản hiện tại - phiên bản hoàn toàn thiết kế lại toàn bộ bộ máy", Pruniaux tiết lộ với vẻ đầy tự hào.
Lần xuất hiện đầu tiên của cỗ máy thời gian Constant Escapement L.M. này là vào năm 2013 và nó đã giành được giải thưởng danh giá "Aiguille D'Or" tại Grand Prix d'Horlogerie de Genève (Oscar của ngành đồng hồ) cùng năm. Đồng hồ nổi bật với cơ chế năng lượng không đổi (constant force mechanism), một thiết bị đảm bảo sự ổn định nhất quán bất kể nguồn năng lượng có sẵn như thế nào. Neo Constant Escapement mới không chỉ nâng cao khía cạnh kỹ thuật mà còn định nghĩa lại vẻ đẹp thẩm mỹ của phiên bản trước đó.

Ảnh: The Luxury Lifestyle Magazine
Để hiểu rõ hơn về công nghệ này, Patrick Pruniaux, Giám đốc điều hành của Girard-Perregaux, đã đưa ra một phép so sánh thú vị với việc chạy marathon. Một người bình thường có thể bắt đầu đua với tốc độ nhanh và dần chậm lại khi mệt mỏi, trong khi một vận động viên chuyên nghiệp duy trì tốc độ ổn định trong suốt cuộc đua. Sự bền bỉ này tương tự như cách hoạt động của cơ chế năng lượng không đổi.
Girard-Perregaux không phải là người tiên phong trong việc đưa khái niệm này vào đồng hồ đeo tay, vì F.P. Journe đã từng giới thiệu nó trong chiếc đồng hồ đeo tay Tourbillon Souverain năm 1991, có sự kết hợp của remontoir d’égalité (cũng được gọi là cơ chế năng lượng không đổi). Khi xét về các thành phần, cách tiếp cận của Journe tuân theo các tiêu chuẩn chế tác đồng hồ truyền thống, lấy cảm hứng từ cơ chế đồng hồ Breguet nhưng được thu nhỏ ở phiên bản đồng hồ đeo tay. Ngược lại, sự đổi mới của Girard-Perregaux đi theo con đường hiện đại bằng cách tích hợp các thành phần silicon được gia công chính xác.

Ảnh: Hodinkee
Tại sao sử dụng silicon?
Silicon đảm bảo biên độ dao động của bánh xe cân bằng luôn ổn định, bất kể năng lượng được tích trữ trong hộp cót là bao nhiêu. Từ đó đảm bảo độ chính xác của đồng hồ vẫn ổn định ngay cả khi mức dự trữ năng lượng giảm xuống.
Theo truyền thuyết, ý tưởng về lưỡi silicon (được Ulysse Nardin giới thiệu trong chế tác đồng hồ vào năm 2001 trong mẫu Freak của họ) xuất phát từ việc một người thợ đồng hồ vui vẻ bẻ cong tấm vé tàu tạo thành hình chữ "c" tích tụ năng lượng đến một điểm không ổn định trước khi bật lại thành hình chữ "c" ngược. Sự chuyển đổi từ nén sang uốn cong là bản chất của cơ chế thoát bất biến của công ty. Năng lượng từ các bánh xe được truyền qua một đòn bẩy lắc lư đến lưỡi silicon tinh tế, mỏng hơn sáu lần so với sợi tóc. Cơ chế thoát bất biến sử dụng độ linh hoạt của nó khi lưỡi tiếp xúc với đòn bẩy để truyền một xung năng lượng đến bánh xe cân bằng.

Ảnh: The Luxury Lifestyle Magazine
So với phiên bản tiền nhiệm là Constant Escapement L.M. ra mắt năm 2013, Neo Constant Escapement mới mang đến nhiều cải tiến vượt bậc. Claude-Daniel Proellochs, Giám đốc Marketing và Sản phẩm của Girard-Perregaux cho biết: "Chúng tôi đã mở rộng việc sử dụng silicon, nâng cao mức dự trữ năng lượng từ sáu ngày lên bảy ngày. Chúng tôi có thêm lực mô-men xoắn, điều này rất quan trọng. Ngoài ra chúng tôi cũng đã tích hợp cơ chế tự khởi động. Đặc biệt là sản phẩm được chứng nhận COSC".
Khác với phiên bản tiền nhiệm, Neo Constant Escapement sở hữu kim xương mạ rhodium nổi bật từ trung tâm mặt số. Ngoài ra, nó còn tự hào sở hữu kim giây trung tâm quét với đầu mũi kim màu xanh da trời và đối trọng hình mũi tên.



Ảnh: Monochrome Watches
Toàn bộ cơ chế được đặt bên dưới một "hộp" bằng tinh thể sapphire được bọc trong titan cấp 5. Mặc dù có kích thước 45 mm, khá lớn theo tiêu chuẩn ưa chuộng kích thước đồng hồ nhỏ ở hiện tại, nhưng dù sao Neo Constant Escapement cũng đã giảm được 1 mm so với phiên bản năm 2013. Proellochs cho rằng việc giảm kích thước thêm nữa là không thể do những hạn chế về chuyển động. Tuy nhiên, ông gợi ý về khả năng có phiên bản nhỏ hơn trong tương lai. "Có lẽ sẽ có một phiên bản nhỏ hơn, đâu ai biết trước được", ông nói với vẻ hài hước.
Do độ cong và việc không có vành bezel khiến Neo Constant Escapement có cảm giác như một chiếc đồng hồ 42mm. Nhờ vỏ titan và các thành phần silicon, đồng hồ có trọng lượng cực kỳ nhẹ. Ngoài ra, màu tím của các thành phần silicon mặc dù rực rỡ khi trên ảnh nhưng lại trầm hơn khi ở ngoài. Một số khách hàng thích bảng màu huyền ảo hơn.

Ảnh: Bloomberg
Kiệt tác này có giá 99.600 USD và không giới hạn số lượng sản xuất. Tuy nhiên, do tính phức tạp của nó, thương hiệu dự kiến chỉ sản xuất khoảng 50 đến 70 chiếc mỗi năm. Hiện tại, Girard-Perregaux tự hào có khoảng 25 SKU được phân loại là đồng hồ cao cấp. Pruniaux tự tin khẳng định: "Xét về mặt kỹ thuật, chiếc đồng hồ này gần như là trọng tâm của thương hiệu."
Giang Nguyễn (Theo The Luxury Lifestyle Magazine)
Comments