top of page
Ảnh của tác giả Mạnh Hải

“Ông vua 3% khác biệt” Virgil Abloh & nỗi mất mát lớn lao của đế chế Louis Vuitton


Cuộc ra đi vĩnh viễn của Virgil Abloh không chỉ làm suy suyển tường thành sáng tạo của Louis Vuitton, nó còn phủ bóng đen lên niềm tin mà giới mộ điệu đặt vào tương lai của hãng thời trang lừng danh này.


Cho tới giờ phút này, người ta hãy còn chưa tin rằng Virgil Abloh đã từ biệt cõi trần thế.


Trong suốt quãng thời gian còn miệt mài cống hiến, anh chưa một phút bộc lộ vẻ mệt mỏi và tỏ ý muốn chùn bước. Người đàn ông da màu này đã giấu kín những khoảng trầm buồn của cuộc đời, hệt như cách anh giấu nhẹm căn bệnh ung thư hiếm gặp.



Cũng dễ hiểu thôi! Sinh trưởng từ những ngày tháng “nằm gai nếm mật” và xuất phát từ con số 0, Virgil đã tôi luyện bản lĩnh vững vàng, nghị lực lạ thường nhằm đặt từng viên gạch cho sự nghiệp thăng hoa sau này.


Cậu bé nhập cư chẳng đam mê việc may vá

Dẫu là Giám đốc sáng tạo của của 2 thương hiệu thời trang sau này, song xuyên suốt thuở thiếu thời, Virgil Abloh chưa từng coi may mặc là niềm yêu thích. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Ghana nhập cư ở Mỹ, mọi kiến thức về thời trang trong anh từng là những mảnh ghép rời rạc được chắp nối nhờ đôi bàn tay chỉ dẫn của mẹ.


Đường học vấn về sau của anh cũng chẳng chút ít gì liên quan tới thời trang. Mãi cho tới nửa cuối thập niên 2000, NTK quá cố bắt đầu chú tới sự chuyển động của làng mốt, ngầm đưa kiến thức về kiến trúc mà anh học được tại Học viện Công nghệ Illinois vào những sáng tạo mang tính đột phá sau này.



Cái duyên với Fendi

Fendi là cái tên đã ươm mầm tài năng trong Virgil, đánh dấu lần gặp mặt đầu tiên của anh với rapper Kanye West năm 2009. Khó để tin rằng 2 cái tên đình đám này đã từng kiên trì thực tập tại đây với mức lương chỉ hơn 11 triệu đồng.


Lại nói về công việc ở thương hiệu thời trang Ý, cả Virgil và Kanye đều phải làm công việc của các thực tập sinh khác: pha coffee cho quản lý, chạy đi in ân và hoàn thành các công việc như của một tạp vụ,... "Thật buồn cười khi nghĩ cảnh những người như Abloh hay West phải đi chạy việc vặt và pha cà phê với mức lương 500 USD", tờ Highsnobiety viết.


Virgil Abloh & Kanye West


Virgil Abloh có thể “thay máu" tư duy sáng tạo của mình, nhưng văn hóa Hip Hop là cái gốc mà anh luôn gìn giữ. NTK cùng Kanye West đã đề xuất với Fendi việc phát triển sản phẩm quần jogger da. Tuy nhiên, ý tưởng của hai thực tập sinh đã bị gạt phăng. Vài năm sau, kiểu quần này thực sự đã khiến giới mộ điệu “phát sốt".


Năm 2012, Virgil Abloh cho ra mắt thương hiệu Off-White tập trung vào dòng thời trang đường phố cao cấp theo phong cách Ý. Off-White hợp tác với rất nhiều thương hiệu như Nike, Levi, Jimmy Choo, IKEA, Timberland,... cho ra đời rất nhiều sản phẩm thiết kế xa xỉ được các tín đồ mua sắm ưa chuộng.


Cuộc cách mạng mới ở Louis Vuitton

Sự xuất hiện của Virgil Abloh tại Louis Vuitton với danh phận Giám đốc Sáng tạo, thay cho người tiền nhiệm Kim Jones là điều hiếm ai ngờ được.


Louis Vuitton dưới trướng Kim Jones là bản hoà ca giữa tuyệt đỉnh sáng tạo cao cấp và thời trang đường phố. Kim Jones đã gây tiếng vang khi bắt tay với Supreme, đem tới một thế hệ khách hàng trẻ trung và đầy tiềm năng “ném tiền qua cửa sổ" cho Louis Vuitton.


Kim Jones


Việc Kim Jones rời ghế Giám đốc Sáng tạo năm 2018 , nhường chỗ cho Virgil Abloh đã làm nổ ra hàng loạt tranh luận trái chiều. Bên cạnh những kỳ vọng được đặt vào tài năng của NTK da màu, có không ít ý kiến tỏ ý ngờ vực, e ngại bản năng đường phố của Virgil sẽ phá hỏng di sản mà Louis Vuitton đã dày công vun đắp cả trăm năm.


Thay vì gay gắt đáp trả, anh âm thầm sáng tạo và chứng minh rằng định kiến chỉ mãi là định kiến. Năm 2018, tân Giám đốc Sáng tạo cho ra mắt BST đầu tiên trong Tuần lễ Thời trang nam tại khu vườn Palais-Royal ở Paris. BST là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, là sự pha trộn giữa chất xa hoa vốn có của thương hiệu và sự ngông nghênh, ngổ ngáo của Virgil. Ngay lập tức, BST đạt được thành công rực rỡ với cơn mưa lời ngợi khen từ giới chuyên môn và tầng lớp mộ điệu trẻ.







Chính Micheal Burke, Giám đốc điều hành của Louis Vuitton từng chia sẻ rằng: “Louis Vuitton vốn không phải là một nhà mốt Couture. Từ giữa thế kỷ 19 đến những năm 20 và sau đó nữa, thương hiệu luôn tiếp cận và phục vụ cho tầng lớp thượng lưu mới chứ không phải là những quý tộc già cỗi, lâu đời”. Có lẽ chính sức ảnh hưởng mà Virgil tác động lên giới trẻ đã thoả mãn được mọi yêu cầu mà đế chế Louis Vuitton đề ra.


Cái hay, cái độc đáo của Virgil còn tới từ con số 3. Mức 3% quy tắc thay đổi trong thời trang đã làm nên thương hiệu của anh. 3% có thể là sự đổi mới về quy cách đóng gói, marketing, lối in ấn, hay lớn lao hơn là sự tự do và bình đẳng. “Bí quyết thiết kế tuyệt nhất của tôi là nhìn người khác đang làm gì rồi làm nó khác đi từ 3 - 5%”, anh chia sẻ.


Khó phủ nhận rằng Virgil Abloh thực chất chưa có đủ tố chất của một NTK đại tài, nhưng anh lại có thừa sự khôn ngoan, một tầm nhìn chiến lược để từng bước khẳng định sức ảnh hưởng của mình lên bản đồ công nghiệp thời trang, thay đổi bộ mặt Louis Vuitton theo hướng tích cực nhất. Chỉ tiếc rằng trước khi có thật nhiều di sản để dâng hiến cho đời, anh đã dừng chân ở tuổi 41 trong niềm tiếc thương của công chúng.


Bài: Mạnh Hải - Fashion Columnist

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page