Franz Kafka, khởi nguồn của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và chủ nghĩa hiện sinh
Tháng 7 vừa qua là tháng sinh nhật của Franz Kafka, ông sinh ngày 3/7/1883 và mất 3/6/1924. Sinh thời văn nghiệp của ông không tạo được mấy tiếng tăm, chỉ có vài tác phẩm được xuất bản như Trầm tư (Betrachtung) và Một thầy thuốc nông thôn (Ein Landazrt), và các truyện ngắn (Hóa thân). Và ngày nay ngoài Hoá thân, tên tuổi của Kafka lại gắn liền với các tiểu thuyết chưa bao giờ được hoàn thành bao gồm Vụ án, Lâu đài và Nước Mỹ (Amerika, còn được gọi là Der Verschollene tức Người mất tích).
Có một giai thoại lý thú về việc các tiểu thuyết này đã được xuất bản bởi sự cứu giúp, lòng tin tưởng của bạn ông là nhà văn Max Brod. Chuyện kể rằng Kafka lúc lâm chung đã phó thác số mệnh các tác phẩm của ông cho bạn mình, rằng Max Bord có thể tự do lựa chọn giữa việc đem đốt bỏ hay công bố các bản thảo cho công chúng.
Nhà văn Kafka không thuộc về trường phái nào, nhưng được coi là cha đẻ của vô số trường phái nghệ thuật và triết học. Thậm chí Kafka đã trở thành một từ để chỉ phong cách hay cảm giác sáng tạo nghệ thuật: "kafkaesque".
Một trong các tác phẩm tiêu biểu của Kafka có thể coi như ví dụ rõ rệt nhất cho cảm giác "kafkaesque" là tiểu thuyết “Hoá thân” (The Metamorphoses). Cuốn sách mỏng này lại trở thành cảm hứng sáng tác bất tận cho vô số loại hình nghệ thuật khác kể từ khi nó ra đời vào năm 1915.
Mario Jodra - Minh hoạ cho hoá thân
Trong Hoá thân, một sáng nọ, người đàn ông tên Gregor Samsa thức dậy và bắt đầu nhận ra ông ta đã thay đổi, đã hoá thành một giống vật kỳ lạ mà trong bản gốc ghi là “ungeziefer” - tạm hiểu là "con sâu bọ quái dị”, thay vì “Insekt” - côn trùng. Song đến khi đóng sách lại ta cũng không biết Samsa thực ra đã biến thành con vật gì. Khởi từ đó vô số nghệ sĩ đã cố gắng khắc hoạ hình dáng bí ẩn, các cảm xúc về tồn tại lạ lùng này theo nhiều cách khác nhau… sau này con vậy này thường được minh hoạ với tạo hình của loài gián. Tuy nhiên, bản thân Kafka sinh thời không thích việc người ta vẽ bìa hình côn trùng cho cuốn Hóa thân của ông.
Sự ảnh hưởng của cảm giác không rõ ràng, dường như mất nhận thức về sự hiện hữu của chính bản thân mình là một chủ đề quan trọng trong các tác phẩm của Kafka. Như Lâu đài mà nhân vật K bỗng dưng xuất hiện, để rồi mãi mãi K không thể hiểu được bản thân anh ta thuộc về Ngôi làng hay Lâu đài (Ta thuộc về đâu?).
Bức tranh "The Scream" của Edvard Munch diễn tả một tiếng thét vô hồi kết, một tiếp nối với chủ đề existential angst - nỗi sợ hãi hiện hữu, bắt nguồn từ những tác phẩm của Kafka.
Hay trong Vụ Án, một nhân vật tên K khác bỗng dưng bị triệu đi hầu toà nhưng mãi mãi anh ta không thể biết được mình bị kiện vì tội danh gì (Sự phi lý đời sống!). Nhìn chung các cảm giác gợi lên "kafkaesque" có thể được giải thích bằng cách liệt kê qua các tính từ như chơi vơi, khắc khoải, phi lý (absurdity) của đời sống người, của cơn khủng hoảng của con người trước ý nghĩa hay vai trò về sự tồn tại của chính bản thân hắn.
Kafka bên bờ biển của Murakami là tác phẩm dễ nhận thấy nhất cho tình yêu của Murakami tới Kafka. Nội dung tác phẩm kể về cuộc chạy trốn lời nguyền kiểu phức cảm Oedipus (giết cha và cưới mẹ). Nhưng cốt câu chuyện vẫn xoay quanh những chủ đề thường thấy của Murakami như khủng hoảng hiện sinh, bản chất phi lý đời sống, và định mệnh, sự mất mát
Tất cả các vấn đề trên đã trở thành cảm hứng cho nhiều trường phái triết học và nghệ thuật sau này như: Hiện sinh, Siêu thực, Hiện thực Huyền ảo Mỹ Latin, Vị lai, Dada… Tính chất sáng tạo chung của nhóm này gợi đến cảm giác hay khuynh hướng "kafkaesque”, vì chúng cùng băn khoăn về các cảm giác vô lý của đời người.
Con nhện khóc than của Odilon redon, bức tranh được nhiều nhà xuất bản
dùng để minh hoạ cho "ungeziefer" trong cuốn "Hoá thân" của Kafka
vì các cảm giác tương đồng...
Thời nay vẫn có rất nhiều nhà văn lớn nhận mình là học trò của Kafka, tiêu biểu chính là Haruki Murakami.
A scene from Metamorphosis at the Linbury studio, Royal Opera House, in 2011. Photograph- Tristram Kenton/Guardian
Sức ảnh hưởng của Kafka vẫn còn dài dẳng bởi con người vốn không thể nào hiểu thấu được sự tồn tại của chính mình, và chúng ta tiếp tục lao đi trong một đời sống đầy bối rối.
Bài: Vương An Nguyên - Art Columnist
Comments