Nhà nghiên cứu Hải Yến: Dòng chảy nghệ thuật Việt và thế giới sẽ có chung ngôn ngữ
Bà Nguyễn Hải Yến là một nhà nghiên cứu mỹ thuật có nhiều năm kinh nghiệm, là giảng viên của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và nghiên cứu về nghệ thuật tại một số viện nghiên cứu trong nước. Bà cũng là tác giả của nhiều bài viết, nghiên cứu về nghệ thuật Việt Nam và quốc tế. Navigator hân hạnh được gặp gỡ và trao đổi cùng bà Nguyễn Hải Yến về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Cuộc phỏng vấn này hứa hẹn sẽ mở ra cánh cửa tâm huyết của một nhà nghiên cứu, một người truyền cảm hứng và là nguồn động viên cho sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam đương đại.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến tại nhà riêng năm 2023
Xin chào nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, bà có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình không?
Tôi sinh trưởng trong một gia đình trí thức trung lưu, sống tại Hà Nội từ năm 1950 đến nay. Tôi tốt nghiệp đại học Sư phạm Văn khoa năm 1964. Đến tháng 8 năm 1964, tôi bắt đầu làm việc tại Viện Mỹ thuật do họa sĩ - nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung (họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương) làm viện trưởng. Mục đích của Viện Mỹ thuật ra đời nhằm nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại, đồng thời xây dựng bảo tàng mỹ thuật Việt Nam đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1966. Lúc này, tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm tác phẩm thời kỳ cận đại (1930 – 1945) để trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật. Sau đó, tôi tiếp tục nghiên cứu mỹ thuật giai đoạn hiện đại, đương đại.
Họa sĩ Trần Văn Cẩn (trái) và nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến năm 1982
Nhiệm vụ đầu tiên của tôi tại Viện Mỹ thuật là nghiên cứu, sưu tầm tác phẩm thời kỳ cận đại (1930 – 1945) để trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật. Đây là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thử thách, nhưng tôi đã hoàn thành xuất sắc với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp.
Tôi rất vinh dự khi được làm việc dưới sự dẫn dắt của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương - một trong những nhà nghiên cứu mỹ thuật hàng đầu của Việt Nam. Tôi hài lòng với trình độ nghiên cứu văn học, nghệ thuật Việt Nam của bản thân dưới sự đào tạo của các giáo sư văn học và những hướng dẫn nghiên cứu của Viện trưởng Nguyễn Đỗ Cung về mỹ thuật cổ đại qua các đợt điền dã, gặp gỡ nhiều họa sĩ mỹ thuật Đông Dương danh tiếng một thời.
Là người gắn bó với công tác nghiên cứu trong Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong nhiều năm bà đánh giá như thế nào về sự chuyển biến văn hóa Việt trong hội họa cận đại cho đến nay (từ Đông Dương, Giải Phóng, Đổi Mới đến Đương Đại)?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến (ngoài cùng bên phải) trong lần đến thăm họa sĩ Lương Xuân Nhị (giữa)
Nền hội họa Việt Nam ra đời là một tất yếu lịch sử bởi cuối thế kỷ 19, trên thế giới có sự phân hóa lớn trong nghệ thuật với những biến thiên về màu sắc, tạo hình và các khuynh hướng sáng tác khác nhau. Cuộc đụng chạm giữa hai quan niệm nghệ thuật Âu – Á, giữa nét ước lệ tượng trưng, những khoảng trống vắng trên mặt tranh của nghệ thuật Trung Hoa, Nhật Bản với một bên tiến dần đến luật lệ nghiêm ngặt của phép diễn hình, diễn màu điển hình của phương Tây khoa học. Chính cái nghịch lý này đã đem lại một kết quả hữu hiệu trong việc hình thành một mô hình thẩm mỹ mới, khi Việt Nam là một thuộc địa của Pháp. Victor Tardieu, một họa sĩ người Pháp khi ấy đã tìm đến Việt Nam, xây dựng trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925.
Mỹ thuật Việt Nam nằm trong mô hình văn hóa Việt Nam trải dài theo dòng lịch sử. Những biến thiên của đất nước, xã hội luôn tác động đến nghệ thuật tạo hình, trở thành những mô hình thẩm mỹ mới, từ Mỹ thuật Đông Dương (1930 – 1945), Hiện thực xã hội chủ nghĩa giai đoạn 60 - 80 và Đổi mới thập niên 90. Ngay từ buổi đầu tiếp thu những bài học cơ bản của kỹ thuật phương Tây và kế thừa vẻ đẹp truyền thống ngàn năm qua chất liệu sơn mài, lụa, khắc gỗ, các họa sĩ Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 thực sự tạo nên diện mạo cho nền hội họa cận đại, để lại cho đời những tác phẩm mang tính lịch sử, là gạch nối giữa nhiều dòng nghệ thuật hiện diện ở thế kỷ 20.
Theo bà, các chất liệu truyền thống Việt có vai trò như thế nào trong nền hội họa ngày nay? Lấy ví dụ như giấy giang, lụa hay tinh hoa nghệ thuật sơn mài? Các họa sĩ trẻ cần lưu ý những gì khi sử dụng các chất liệu truyền thống Việt trong sáng tác hội họa?
Tác phẩm "Chơi ô ăn quan" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh năm 1931
Chất liệu truyền thống lụa, sơn mài, giấy dó có vai trò rất quan trọng trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.
Nguyễn Phan Chánh là một điển hình của nghệ thuật vẽ lụa Việt Nam. Không thành công trong thể hiện sơn dầu, ông được Victor Tardieu khuyến khích, động viên tiếp cận với tranh lụa. Hiệu trưởng Tardieu đã cho ông xem tranh Trung Hoa cổ đại, đồng thời tặng người học trò một xấp lụa Vân Nam năm 1928. Nguyễn Phan Chánh đã định ra rằng, lụa mang bản chất mềm mại, trong sáng nên phải diễn tả trên nó vẻ tươi đẹp hài hòa với màu sắc tinh khiết, nhã nhặn. Ông dùng ít màu, nhưng sự phong phú tới từ độ âm vang của sắc, khối chỉ là gợi tả. Bảng màu ấy hiện lên rất nhẹ nhàng, ý nhị thông qua phương pháp rửa lụa.
Tác phẩm "Ra đồng" năm 1938
Cách dùng màu của Nguyễn Phan Chánh rất thành công ở ba thời kỳ: Chơi ô ăn quan nâu đen trầm lắng (1931), Ra đồng (1938) xanh nhẹ thanh thoát, và cuối đời là những biến động mạnh trên mặt tranh với Bán khỏa thân, Tiên Dung tắm, Kiều tắm sử dụng bảng màu đồng sắc (chỉ một màu phớt xanh, phớt vàng) mỏng manh kỳ ảo, thoáng qua mơ mộng. Còn tranh lụa của Lê Văn Đệ, Lê Thị Lựu, Nguyễn Thụ, Giáng Hương, Tôn Thất Đào và nhiều họa sĩ hiện đại là xu hướng cổ điển, tân cổ điển mang màu sắc nhẹ nhàng, hạn chế rửa lụa.
Tiếp đến là sơn mài, một chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam. Thành công của Nguyễn Gia Trí đã chuyển sơn mài từ mỹ nghệ truyền thống (hoành phi, câu đối) sang tạo hình với những tác phẩm kinh điển về thiếu nữ, phong cảnh giai đoạn 1938 – 1944. Đến những năm 60, Gia Trí nghiên cứu trừu tượng trên sơn mài với quan niệm trừu tượng là unique (duy nhất), không bị sao chép, bắt chước và sơn mài là chất liệu tuyệt hảo để chuyên chở. Cùng quan niệm này, Lê Phổ cho rằng trừu tượng là kết quả của suy tư, một hành trình tiếp cận chứ không phải là phác vẽ ngẫu nhiên may mắn.
Tác phẩm "Giặc Mỹ" của họa sĩ Đặng Thị Khuê
Chất liệu giấy dó tới từ truyền thống tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống khắc họa đề tài dân dã như gà, lợn, sinh hoạt nông thôn và cả những cõi giới trong tranh thờ nghiêm cẩn. Thời hiện đại, giấy dó được lựa chọn để thể hiện những cung bậc đa chiều của người nghệ sĩ, truyền tải ngôn ngữ đồ họa qua kỹ thuật khắc gỗ, khắc kim loại, khắc axit (eau forte).
Hiện nay, các họa sĩ trẻ sử dụng cả ba chất liệu trên để thể hiện ngôn ngữ trừu tượng (nhất là sơn mài), mở ra một khuynh hướng nghệ thuật mới. Đó là minh chứng cho thấy quan niệm nghệ thuật luôn chuyển động, không bao giờ đứng yên trong tư duy tiếp cận với lịch sử, xã hội đương thời.
Bà có nhận xét gì về sự giao thoa tinh hoa nghệ thuật quốc tế trong hội họa Việt Nam hiện nay hay không? Những kỳ vọng và dự đoán của bà về thế hệ họa sĩ mới tiếp theo trong việc định hình và lan tỏa hội họa và chất liệu truyền thống Việt ra thế giới là gì?
Sự giao thoa nghệ thuật quốc tế và Việt Nam đã có từ lâu, khi Việt Nam tiếp xúc với phương Tây đầu thế kỷ 20.
Bức ảnh "Tiên dung tắm" (trái) và bức "Linh hồn hoa sen", 40x60, sơn dầu trên bố(1988) họa sĩ Nguyên Khai (phải)
Riêng Việt Nam, chất liệu sơn mài cổ truyền đã phiêu lưu từ tạo hình hiện thực sang trừu tượng với đa phong cách như lập thể, biểu hiện, siêu thực..., bắt đầu những danh họa hàng đầu là Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng.
Đối với họa sĩ trẻ tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980, cuộc triển lãm mỹ thuật đầu tiên thống nhất Nam – Bắc, tranh Giặc Mỹ theo khuynh hướng trừu tượng của Đặng Thị Khuê và hai bức Nhà máy toa xe Di An, Hai cô gái tổ sơn của họa sĩ trẻ Sài Gòn Nguyên Khai đã được chọn cho sưu tập sơn dầu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngay trong năm, đến nay vẫn đang hiện diện trên các mảng tường của không gian trưng bày thường xuyên. Trước ngưỡng cửa của hội họa đương đại, đổi mới thập niên 90, các họa sĩ Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa, Lưu Công Nhân cũng thành công với chất liệu sơn dầu.
Qua nhiều giai đoạn biến động thăng trầm của lịch sử nhân loại, có thể nói nghệ thuật tạo hình hiện nay nằm trong không gian thế giới phẳng. Ngôn ngữ tạo hình của mỗi quốc gia dù ở châu Âu hay châu Á đều đang chia sẻ, học hỏi những điểm tương đồng và khác biệt của nhau. Không cần băn khoăn dự đoán, dòng chảy nghệ thuật tạo hình Việt Nam và thế giới sẽ cùng chung ngôn ngữ nhận thức, suy tư để tìm ra những hành động hội họa phù hợp với đất nước mình.
Bài: Navigator Media
Comments