Nghệ thuật đồng tính (queer art) qua tác phẩm của nữ họa sĩ tiên phong Romaine Brooks
Khi nghĩ đến những nghệ sĩ tiên phong đã làm thay đổi bộ mặt hội hoạ, chúng ta thường nhớ các tên tuổi như Picasso, Duchamp, Malevich, Kandinsky… chủ yếu là nam giới, những người hướng tới nghệ thuật trừu tượng, rời bỏ việc trình hiện thế giới tự nhiên. Nhưng liệu một bức chân dung - hình ảnh dễ nhận biết của con người ngoài đời thực - có thể mang tính tiên phong, có thể thực sự mới mẻ và khác biệt không? Ở đây, chúng ta sẽ xem những bức chân dung độc đáo, không theo khuôn mẫu của nữ hoạ sĩ Romaine Brooks - một cái tên tương đối xa lạ với hầu hết mọi người. Bà không phải là ngôi sao của nhiều triển lãm nghệ thuật lớn, mặc dù đã được vinh danh trong buổi lễ hồi tưởng sự nghiệp tại Bảo tàng Smithsonian năm 1970, cùng năm bà qua đời ở tuổi 96.
**
Romaine Brooks, tên khai sinh là Beatrice Romaine Goddard, sinh ngày 1 tháng 5 năm 1874 tại thành phố Rome, nước Ý. Ngay trước 7 tuổi, Romaine bị mẹ bỏ rơi, rồi được một chị thợ giặt đưa về nuôi dưỡng trong một khu chung cư ở New York. Mẹ nuôi của Romaine, dù nghèo nhưng có tình yêu sâu sắc dành cho cô và khuyến khích cô theo sở thích vẽ. Năm 1893, ở tuổi 19, Romaine đã đến Paris, nhưng sống trong cảnh túng quẫn, thỉnh thoảng biểu diễn ca hát tại một quán rượu, nên cô quyết định quay trở lại thành phố nơi cô sinh ra - Rome - để học hội họa.
Đó là buổi bình minh của thế kỷ 20, việc giáo dục nghệ thuật đã bình đẳng hơn trước. Brooks là người phụ nữ duy nhất trong lớp học vẽ. Ở tuổi 27, Brooks bất ngờ nhận được một khoản thừa kế từ ông ngoại và lập tức quay lại Paris. Tại đây, cô bước vào thế giới hội hoạ, bắt đầu nhận được những khoản nhuận bút lớn cho các bức chân dung. Năm 1904, cô tìm kiếm một sự thay đổi trong phong cách nghệ thuật. Điều đầu tiên phải loại bỏ là màu sắc - những màu sắc tươi sáng, biểu cảm đã quen thuộc - và chuyển dần sang bảng màu lạnh. Sau thời gian này, hầu hết các bức tranh của cô đều có tông màu xám, đen và trắng, chỉ có vài điểm nhấn màu nóng rất nhỏ. Dần dần, hội hoạ của Brooks trở nên khác biệt và hiện đại.
Năm 1910, Romaine Brooks có buổi triển lãm cá nhân đầu tiên tại Phòng trưng bày Durand-Ruel nổi tiếng, cũng chính phòng trưng bày này đã hỗ trợ rất thành công những người theo trường phái ấn tượng và nhiều nghệ sĩ tiên phong khác trước cô. Trong 13 bức tranh, Brooks đưa vào hai bức khỏa thân nữ, một lựa chọn hiếm hoi đối với các nữ họa sĩ vào thời điểm đó mà một số người so sánh với tác phẩm gây sốc “Olympia” của Édouard Manet.
Brooks nói: "Tôi nắm bắt mọi cơ hội để khẳng định sự độc lập về quan điểm của mình. Tôi từ chối chấp nhận những truyền thống mù quáng trong nghệ thuật, và dù biết điều đó sẽ gây sốc, tôi vẫn nhất quyết đánh dấu giới tính trên tất cả các nhân vật nữ của tôi.... " Cuộc triển lãm có dư luận trái chiều, khiến Brooks tự gọi mình là “une lapidée” (nạn nhân bị ném đá).
Hình mẫu lý tưởng của Brooks là người phụ nữ mảnh khảnh, khác hẳn với hình mẫu truyền thống thời ấy. Trong con mắt công chúng, những phụ nữ của Romaine có vẻ gầy gò, hốc hác và mong manh, được nhấn mạnh qua bảng màu u ám. Điều khác biệt nữa là sự chú tâm của cô trong việc miêu tả giới tính. Romaine Brooks là một người song tính (bisexual) và những hình ảnh của cô về chính mình, như bức chân dung tự họa tuyệt đẹp hiện được trưng bày tại Smithsonian, chắc chắn không giống những chân dung của phụ nữ thời kỳ này. Romaine không trực tiếp tham gia vào các phong trào như lập thể hay Dada, tác phẩm của cô dù thể hiện một khía cạnh ngược lại xu hướng chung, vẫn là màn trình diễn nữ tính truyền thống.
Sự linh hoạt về giới tính đã nhen nhóm trong giới xã hội của Brooks, đặc biệt là ở Pháp. Những bức chân dung cho thấy sự yêu thích của cô với trang phục nam giới. Nó vừa là xu hướng thời trang, vừa mang tính biểu tượng đặc biệt. Nhìn chung, thời trang của phụ nữ đã thay đổi vào những năm 1920 và vẻ ngoài nam tính hoặc lưỡng tính đã trở nên phổ biến.
Trong văn hóa đồng tính nữ ở Paris, việc phụ nữ mặc trang phục nam là một cách thể hiện sự độc lập. Có thể thấy ví dụ về điều này trong bức chân dung tự họa của Romaine Brooks vẽ năm 1923 với bảng màu tối êm dịu đặc trưng, mặc trang phục cưỡi ngựa của nam giới với chiếc mũ cao và găng tay da cho thấy loại quần áo mà Brooks thích mặc trong đời thực, nhưng đôi mắt hơi bị che khuất bởi vành mũ lại nhìn thẳng vào người xem. Những bức chân dung nam tính như vậy có vẻ rất “mode”, nhưng ý nghĩa sâu xa là những mã văn hóa tinh tế đã bị hầu hết người xem đương thời bỏ qua.
**
Nói chung, trong lịch sử nghệ thuật, hình ảnh phụ nữ được tạo ra cho nam giới, được khách quan hóa bởi nam giới. Ngay cả nghệ thuật do chính phụ nữ tạo ra đôi khi cũng rơi vào khu vực “cái nhìn của nam giới”, trong đó cả hai giới đều hướng đến việc thể hiện hình ảnh người phụ nữ hấp dẫn để thỏa mãn con mắt của đàn ông. Romaine Brooks là một trong những nghệ sĩ đầu tiên sáng tạo thứ nghệ thuật hướng tới cái nhìn của phụ nữ chứ không phải những gì người đàn ông muốn thấy. Trong suốt cuộc đời của mình, bà đã làm những gì mình muốn làm, vẽ theo cách mình muốn vẽ. Bà qua đời năm 1970 ở tuổi 96 tại Nice, Pháp.
Các tác phẩm của Romaine Brooks được đánh giá lại sau khi bà qua đời và được ca ngợi trong suốt những thập niên 1970 và 1980 như một Sappho thời hiện đại (Sappho - 630BC-570B - là nhà thơ đồng tính nữ của Hy Lạp cổ đại đến từ đảo Lesbos, và chính cái tên Lebos đã dẫn tới danh từ “lesbian” chỉ đồng tính nữ). Romaine Brooks đã tạo ra những tác phẩm hướng tới cái nhìn “queer” và thể hiện hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ, hiện đại. Romaine Brooks không đi theo trào lưu với màu sắc tươi sáng của các trường phái ấn tượng hay dã thú nhưng cách tiếp cận đầy nghệ thuật của bà vẫn mang tính tiên phong vào thời đó. Bà xứng đáng có một vị trí đáng ngưỡng mộ vì đã vượt qua ranh giới xã hội và tôn vinh văn hóa đồng tính (queer culture) trong thế kỷ 20.
Bài: Nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu Phan Đan
Comments