Nghệ sĩ Alexander Calder & Nghệ thuật của sự truyền động đầy mê hoặc
Nhà điêu khắc người Mỹ Alexander Calder (1898-1976) là một trong những nghệ sĩ thị giác quan trọng nhất thế kỷ 20. Ông là người tiên phong trong nghệ thuật truyền động - kinetic art, loại hình kết hợp giữa hình dáng và chuyển động để tạo ra những tác phẩm đầy mê hoặc.
Ngoài các tác phẩm điêu khắc chuyển động và bất động, Alexander Calder còn sáng tạo những bức tranh, đồ họa độc lập, đồ chơi, tấm thảm, trang sức và đồ dùng gia đình. Ngày nay giới học giả xếp ông vào một trong những người tiên phong trong việc phá vỡ mặc định rằng: tác phẩm nghệ thuật phải thoát ly khỏi giá trị công năng, phải tự thân tạo nên ý nghĩa và không phục vụ cho các nhu cầu tầm thường của con người như trang trí nhà cửa, như mua vui...
Calder đan cài những đường cong mỏng manh của dây kim loại với những khối tròn khỏe khoắn, tối giản của tấm dẹp để tạo nên những hình dạng trau chuốt tinh tế. Như thế, ta có thể xem Calder vừa như một nghệ sĩ "điêu khắc" đương đại đầy tài tình, lẫn một nhà khoa học và kỹ sư động lực học tài hoa.
Một số tác phẩm của ông hoàn toàn trừu tượng, một số khác gợi liên tưởng đến hình dáng của thiên nhiên như những cánh bướm và hoa lá.
Ban đầu, ông đã thử nghiệm kết hợp mô-tơ trong tác phẩm, nhưng về sau đã loại bỏ hoàn toàn máy móc mà chỉ dùng những cơn gió để tạo ra chuyển động nhẹ nhàng và duyên dáng.
Big Red (Màu đỏ lớn)
1959
Mỗi tác phẩm trong có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi sự tính toán cẩn trọng giữa hình dáng, kích thước và màu sắc.
Spider (Nhện). 1939 tại bảo tàng MoMA
Khi không có gợn gió nào, những tác phẩm của Calder cũng trông như thể đang dịch chuyển bởi sự phối hợp tài tình của các yếu tố.
Calder năm 1957
Các tác phẩm lơ lửng, cân bằng chao liệng và tự do như cách thức loài chim chiếm giữ bầu trời bằng cấu trúc cơ thể đầy tính khí động học đã luôn làm tâm trí loài người ghen tị từ xưa xa.
Mobile. Khoảng 1932 tại bảo tàng Tate
Chuyển động của chúng gợi người ta về cảm giác mỏng manh và vạch vào không gian những đường chuyển động... từ từ tạo ra sự bình lặng dị kỳ thay thế dần sự tẻ nhạt thường ngày trong các không gian chúng chiếm giữ.
Alexander Calder liên tục tạo ra những ý tưởng mới. Trong lúc di chuyển, ông không mang theo sổ tay và bút chì để phác thảo mà lúc nào cũng thủ sắt một bó dây thép và kìm bấm. Vì vậy mà ông được gọi là nghệ sĩ vẽ giữa không trung.
Những hình dáng kỳ lạ được ông thảo ra giữa không khí rồi trông như thể sẵn sàng vụt cánh bay đi mất. Và sự bay đi đó là giấc mơ tự do của con người, dẫu giấc mơ ấy đầy huyễn hoặc và mong manh... có lẽ chính sự gợi nhắc về những khát vọng thầm kín này đã luôn khiến người ta mê mẩn tác phẩm của Alexander Calder
Ngày nay các tác phẩm của Calder đã thuộc về vô số bộ sưu tập của các bảo tàng, hoặc các những nhà sưu tập trên khắp thế giới. Ta có thể điểm qua những cái tên bảo tàng lớn luôn săn lùng tác phẩm của ông như Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney, New York, có tác phẩm lớn nhất của Alexander Calder. Ngoài ra có thể kể thêm các bộ sưu tập bảo tàng khác bao gồm Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York; Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York; Trung tâm Georges Pompidou, Paris; Museo Nacional Centro de Arte Reina Sofía , Madrid; và Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, DC [59] Có hai tác phẩm được trưng bày trong Bộ sưu tập Nghệ thuật của Thống đốc Nelson A. Rockefeller Empire State Plaza ở Albany, NY.
Dựa vào bài của gấu thiên thể
Bài: Vương An Nguyên - Art Columnist
Comentarios