top of page

Lời Ngỏ Giám Tuyển: Khi người Việt kể chuyện Việt với "Hồn Xưa Bến Lạ" - Sotheby's

Không hổ với tên tuổi của 4 danh họa Mỹ thuật Đông Dương Phổ - Thứ - Lựu - Đàm và tầm vóc quốc tế của Sotheby's, có thể nói “Hồn Xưa Bến Lạ" là triển lãm trong nước chỉn chu bậc nhất về nhiều mặt trong khâu tổ chức: từ ánh sáng, màu nền tường đến khung tranh, không gian & cách phân bố tranh, tất cả đều khá hợp lý, hiệu quả. Đây là cuộc triển lãm mỹ thuật đình đám mà Sotheby's lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, giới thiệu số lượng lớn những kiệt tác mỹ thuật Việt đến gần với công chúng, thay lời khẳng định về giá trị - tầm quan trọng của mỹ thuật Việt trên thị trường quốc tế và có thể sẽ mở hướng cho những phiên đấu giá quốc tế ngay tại Việt Nam trong viễn cảnh không xa. Hy vọng không chỉ mãi dựa vào những giá trị kinh điển thuở Đông Dương, mà mỹ thuật Việt đương đại sẽ dần chắt lọc khẳng định nội lực với thế giới.



Navigator trân trọng giới thiệu bài chia sẻ của Ace Lê - Nhà nghiên cứu và giám tuyển nghệ thuật độc lập, người đóng vai trò quan trọng trong thành công của “Hồn Xưa Bến Lạ - Timeless Souls: beyond the Voyage”.


***


Vậy là triển lãm “Hồn Xưa Bến Lạ” đã khép lại, với nhiều cảm xúc, kỷ niệm, trải nghiệm, và niềm biết ơn sâu sắc trong tôi. Ngàn lời muốn nói, nhưng tôi xin được dành đôi lời để nói về trăn trở đau đáu nhất của mình trong quá trình 8 tháng thực hiện dự án, từ khi lên ý tưởng đến khi hiện thực hóa nó.



Đó là quyền và trách nhiệm của người Việt được tự kể và tự nhìn văn hóa của mình, từ cả phía thực hành và thưởng lãm.


Chúng ta đã quá quen với việc tán thưởng các ấn phẩm, triển lãm, phim ảnh của người nước ngoài, kể lại câu chuyện của chính mình qua lăng kính ngoại biên. Sự đồng hành của Sotheby’s là một nền tảng thương hiệu rất tốt, nhưng với vai trò giám tuyển và quản lý dự án, tôi có trách nhiệm giải quyết bài toán ở trên. Thách thức lớn nhất là thuyết phục được đối tác đặt niềm tin vào chuyên môn của người Việt.

Trước hết, đối tượng chính của triển lãm phải là công chúng Việt, vượt ra khỏi phạm vi nhóm khách hàng thượng lưu – vốn là đối tượng chính của tất cả các triển lãm thương mại trước đó của nhà đấu giá. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả những quyết định kéo theo.



Thứ nhất, toàn bộ ý tưởng triển lãm, tên gọi, bài viết và nội dung chữ nghĩa, phải được viết bằng tiếng Việt trước, sau đó mới dịch sang tiếng Anh. Quyền lực của câu chữ là quan trọng, và cách diễn đạt trong ngôn ngữ mẹ là tiên quyết, với những tinh tế và lớp lang chỉ người Việt mới hiểu.

Thứ hai, toàn bộ tranh trong triển lãm phải được mượn từ nhà sưu tập Việt, và đã có mặt tại Việt Nam. Đây vừa là một thông điệp về quyền sở hữu, giám hộ và địa bàn, vừa là một thông điệp về quyền lực và tiềm lực kinh tế của khối khách hàng nội địa trong cuộc chơi nghệ thuật toàn cầu. Và các tác phẩm phải là trọng tâm của chương trình. Chúng tôi quyết định không làm lễ khai mạc, không cocktail hay ăn uống, không tổ chức các hoạt động vệ tinh. Khán giả, dù thuộc tệp khách hàng của Sotheby’s hay đăng ký miễn phí qua mạng, đến với triển lãm, đơn giản là để xem tranh.

Thứ ba, toàn bộ quá trình đề cử, thẩm định và sàng lọc từ 200 xuống còn 56 tranh được thực hiện bởi giám tuyển Việt, với sự hỗ trợ dữ liệu từ sàn đấu giá. Vì vậy nên dù là người chịu trách nhiệm chính, tôi cũng viện dẫn đến chuyên môn của nhiều nhà nghiên cứu trong nước – những người tôi đã cảm ơn công khai trên mặt báo. Khâu này là vô cùng quan trọng, vì nó giải quyết được mấu chốt của mọi lùm xùm thật-giả trong một chục năm qua: chưa có nhà đấu giá nào chính thức thuê chuyên gia Việt làm giám tuyển tác phẩm cả.


Thứ tư, toàn bộ quá trình sản xuất sự kiện được thực hiện bởi các đơn vị nội địa – đây cũng là một kết quả đẹp sau nhiều tháng thương thuyết. Phải nói rằng, gần một chục nhà cung cấp dịch vụ của chúng ta đã chứng minh được cho đối tác thấy không chỉ một hoàn phẩm nắn nót và đạt chuẩn bảo tàng, mà cả sự chuyên nghiệp và tận tụy xuyên suốt quá trình chuẩn bị. Cụ thể ở đây là các khâu thiết kế triển lãm, sản xuất kết cấu và hình ảnh, kỹ thuật chiếu sáng, điều phối giao thông, an ninh và giám sát, hỗ trợ mặt bằng, đăng ký giấy phép, và quan hệ công chúng.

Thứ năm, đã có rất, rất nhiều sự hỗ trợ từ đội ngũ 50 tình nguyện viên cả đêm lẫn ngày, và nhiều mạnh thường quân ẩn danh, khiến đối tác có những sự ngạc nhiên và nể phục nhất định.

Cuối cùng, phản hồi từ công chúng đã xóa tan mọi hồi hộp của ban tổ chức. Hơn 5,000 khán giả ghé thăm trong ba ngày rưỡi, đến từ trong và ngoài thành phố, bao gồm nhiều thành phần xã hội – quan trọng nhất là có rất nhiều người trước đó chưa tiếp xúc nhiều với nghệ thuật, và có rất nhiều bạn trẻ. Đại đa số khán giả đi xem đều có thái độ tôn trọng nghệ thuật, cư xử trang trọng, đúng mực.


Quan điểm của tôi luôn nhất quán, rằng tương lai nền nghệ thuật Việt Nam nằm trong tay khán giả Việt Nam. Chỉ cần một gia đình bậc trung đi thăm 10 triển lãm mỗi năm, và thay vì vài bộ quần áo mới, hãy mua một bức tranh thật, thì sức mua nội địa của chúng ta sẽ đủ lớn để chấn hưng nền mỹ thuật nước nhà mà không cần viện đến các nhà bảo trợ ngoại quốc.

Nói vậy để nói rằng, tôi lạc quan khi nghĩ về tương lai nghệ thuật Việt Nam trên bản đồ quốc tế. Triển lãm này chỉ là một ví dụ cho thấy rằng, nếu muốn, người Việt hoàn toàn có thể tự chủ được bàn cờ. Đó là sự tự tin khi chúng ta nắm rõ luật chơi một cách bình đẳng với thái độ cầu thị song phương. Đó là việc xóa đi tâm lý nhược tiểu của một dân tộc đã là thuộc địa và vẫn đang là nạn nhân của kinh tế tân thực dân. Và trên hết, đó là một câu chuyện văn hóa-nghệ thuật mà chúng ta có quyền, và có trách nhiệm, tự kể.



[Vì phạm vi của triển lãm đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một đơn vị hay cá nhân, tôi xin phép được gửi lời cảm ơn riêng tới mỗi cộng sự đã trực tiếp song hành hoặc gián tiếp hỗ trợ dự án, và không nêu tên cụ thể trong bài viết.]

Trân trọng,

Ace Lê

16.07.2022

Hình: Bảo Nguyễn/ Rei Artspace & Ace Lê


VỀ GIÁM TUYỂN ACE LÊ


Ace Lê là một nhà nghiên cứu và giám tuyển nghệ thuật độc lập. Anh là Giám đốc Sáng lập của Lân Tinh Foundation và là Tổng Biên tập tạp chí Art Republik Việt Nam. Anh ngồi trong Ban Cố vấn của Kho Dữ liệu Nghệ thuật Việt Nam (ViAA), và là một thành viên chương trình Lãnh đạo Nghệ thuật Quốc tế 2022 của Hội đồng Nghệ thuật Australia. Anh tốt nghiệp khóa Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển, và khóa Thạc sỹ về Báo chí và Truyền thông tại Nanyang Technological University, đồng thời tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh tại National University of Singapore.
ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page