Giorgio de Chirico - Danh hoạ tranh siêu thực, một bí ẩn đầy quyến rũ của nghệ thuật
Là một tên tuổi lớn của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, Giorgio de Chirico (1888-1978) sinh ra và lớn lên ở Hy Lạp nhưng cha mẹ là người Ý. Tuổi trẻ của ông trải qua một nền văn hóa hỗn loạn, từ Hy Lạp chuyển đến Tuscany, rồi đến Munich để theo đuổi việc học nghệ thuật. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông thường có hình ảnh những quảng trường không một bóng người, những mái vòm La Mã, những bóng đổ dài, những mannequin kỳ lạ, những pho tượng đá, những đoàn xe lửa và những phối cảnh phi-logic. Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Magna Græcia cho rằng De Chirico mắc hội chứng “Alice in Wonderland” (AIWS), một chứng rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến nhận thức giống như nhân vật Alice trong tiểu thuyết của Lewis Carroll. Người bệnh mắc các chứng macropsias/micropsias (thấy kích thước của cơ thể và các đồ vật một cách không thực tế, hoặc lớn hơn hoặc nhỏ hơn bình thường), teleopsias (nhìn mọi vật như ở rất xa), thấy sự chuyển động của một vật thể cố định, có những giấc mơ tái diễn…
Bức: Chân dung tự họa
Giorgio de Chirico quyến rũ người xem bằng phong cách nổi tiếng thường được gọi là hội họa siêu hình (metaphysical painting). Sự nghiệp của De Chirico nở hoa tại Paris sau khi ông chuyển tới đây và kết bạn với nhà thơ Pháp Guilliame Apollinaire - người đầu tiên gọi tác phẩm của De Chirico là “siêu hình”. Đây là thời kỳ Paris trải qua những biến động nghệ thuật lớn lao, Georges Braque và Pablo Picasso đang trình diễn lối vẽ lập thể còn Wassily Kandinsky thực hiện các tác phẩm trừu tượng hóa. Nhưng lúc này, De Chirico còn phải nỗ lực vượt qua tâm trạng hoài nghi, thất vọng và nhớ quê hương. Để chống lại chứng trầm cảm, ông quan tâm đến khái niệm “quy hồi vĩnh cửu” và việc tái hiện những huyền thoại cổ xưa sau khi đọc các triết gia Đức, đặc biệt là Friedrich Nietzsche. Triết học hư vô đã đóng góp ý tưởng vào quá trình sáng tạo nghệ thuật của De Chirico - những bức tranh hàm chứa xung đột giữa quá khứ và hiện tại, tạo ra các hiệu ứng kỳ lạ - người xem phải suy ngẫm về ý nghĩa của sự tồn tại thông qua những hình tượng mơ hồ. Dường như có một nỗi u sầu bí ẩn bao trùm các đường phố ma ám mà chúng ta chỉ có thể gặp trong giấc mơ, cùng các phong cảnh mê hoặc vốn chỉ là những hiện thực nhân tạo, thể hiện cảm giác cô đơn, bối rối và tiếc nuối. Cách tiếp cận của De Chirico với các bức tranh giống cách tiếp cận của một nhà thiết kế sân khấu - đã khiến giới phê bình gọi chúng là "những tác phẩm trong mơ". Tuy nhiên, chúng rất khác với "hình ảnh trong mơ" của các hoạ sĩ siêu thực sau này như Salvador Dalí.
Bức: “L’énigme de l’arrivée et de l’après midi” (“Bí ẩn của sự cập bến và buổi chiều”)
Vào những năm 1920, De Chirico tiếp tục theo đuổi những motif tương tự, mặc dù ngả theo phong cách tân-baroque (neo-baroque) hoặc tân cổ điển (neoclassicism). Trong khi cả hai thể loại đều dựa trên sự hồi sinh của quá khứ, neo-baroque gợi nhớ đến hội họa baroque thế kỷ 17 - các bức tranh baroque thường đặt những hình thể tương phản cạnh nhau và rọi sáng tâm trạng để tạo ra hiệu ứng ấn tượng, còn neo-baroque chỉ đơn giản là bắt chước phần nào phong cách baroque. Chủ nghĩa tân cổ điển là một phong trào văn hóa ra đời ở Rome trong thế kỷ 18 lấy cảm hứng từ thời cổ đại như thần thoại Hy-La. De Chirico đã kết hợp cả hai yếu tố này trong tác phẩm. Những bức tranh của ông thường áp dụng cách vẽ phối cảnh với nhiều điểm biến mất (trong mặt phẳng hình ảnh là giao điểm các hình chiếu của một tập hợp đường thẳng song song), màu sắc đậm và bóng kéo dài của buổi hoàng hôn, trông như một bối cảnh sân khấu - một bối cảnh không có thật cho những sự kiện không có thật.
Bức: The Disquieting Muses (Những nàng thơ lo lắng)
Giorgio de Chirico đã để lại một di sản mê cung. Qua những biến động mạnh mẽ, ông nổi lên như một trong những hoạ sĩ bí ẩn nhất lịch sử nghệ thuật hiện đại, gây hoang mang cho đến tận hôm nay. Sức hấp dẫn của hội hoạ De Chirico bắt nguồn từ sự mơ hồ, từ các thủ pháp tinh tế, thậm chí từ tiềm thức. Chính ông đã nói: “Có nhiều điều bí ẩn trong cái bóng của một con người đang bước đi trong ánh nắng hơn tất cả các tín ngưỡng trên thế gian”, và: “Để trở thành bất tử thực sự, một tác phẩm nghệ thuật phải thoát khỏi mọi giới hạn của con người: logic và lẽ thường sẽ chỉ cản trở. Khi những rào cản này bị phá vỡ, nó sẽ bước vào cõi mộng mơ và ảo tưởng thời thơ ấu.”
Tuy nhiên, sức hấp dẫn trong hội hoạ De Chirico lại bắt nguồn từ sự rõ ràng có giới hạn, khi ông từ chối những đổi mới của chủ nghĩa ấn tượng và chọn phong cách hiện thực cho phép khắc họa sự vật một cách đơn giản. Những bức tranh của De Chirico đã truyền cảm hứng cho phong trào siêu thực châu Âu. Mặc dù tác phẩm không hoàn toàn phù hợp với tiêu chí của chủ nghĩa siêu thực, chất thơ trong hội hoạ De Chirico đã tác động sâu sắc đến những ai tin rằng nghệ thuật có khả năng chuyển tải ham muốn vô thức, làm mờ ranh giới giữa tưởng tượng và hiện thực. Phong cách De Chirico cũng giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nguyên lý thẩm mỹ và triết lý của chủ nghĩa siêu thực, đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ.
Bức: Sự bất định của nhà thơ
Yves Tanguy kể lại, năm 1922, khi nhìn thấy tranh của De Chirico trong cửa sổ một gallery, ông bị ấn tượng đến mức quyết tâm trở thành hoạ sĩ ngay lập tức, mặc dù trước đó chưa bao giờ cầm cọ vẽ. Lần đầu tiên Magritte xem bức tranh “The song of love” của De Chirico, ông đã ứa nước mắt và thú nhận “đó là khoảnh khắc xúc động nhất trong cuộc đời tôi.” Các nghệ sĩ khác như Paul Delvaux, Giorgio Morandi, Carlo Carrà, Max Ernst, Andy Warhol đều bị ảnh hưởng bởi De Chirico. Phong cách của De Chirico cũng tác động đến nhiều nhà làm phim: phim của Paul Grimault trong những năm 1950-1970, các hình ảnh trong phim “The desert of the Tartars” năm 1976 của Valerio Zurlini hay phim của Michelangelo Antonioni năm 1960, khi máy quay ghi lại những cảnh quan thành phố hoang vắng là ảnh hưởng từ De Chirico. Trong âm nhạc, năm 1958, album “Misterioso” thể hiện mối liên quan sâu sắc giữa các bức tranh của De Chirico và âm nhạc của nghệ sĩ piano Thelonious Monk. Music-video "Loving the Alien" của David Bowie cũng mang những hình ảnh từ hội hoạ De Chirico. Trong văn chương, một số bài thơ của nữ thi sĩ Mỹ Sylvia Plath hay nhà thơ Ý Gabriele Tinti đều cho thấy ảnh hưởng của De Chirico.
Bức tranh “Bí ẩn và nỗi u sầu của đường phố” (Mystery and melancholy of a street), 1914, hiện trưng bày tại Bảo tàng Carlo Bilotti, Rome, là điển hình cho tính cách khó hiểu của hội hoạ Giorgio de Chirico. Đây là một trong những hình ảnh đặc trưng của hoạ sĩ về những không gian công cộng vắng vẻ được thể hiện dưới dạng hình học đơn giản.
Tác phẩm “Bí ẩn và nỗi u sầu của đường phố” (Mystery and melancholy of a street), 1914, của hoạ sĩ Giorgio de Chrico (1888-1978):
Bức tranh có hai nhân vật: một cô bé đang chạy với chiếc vòng và một bức tượng chỉ hiện diện qua cái bóng của nó. Cô bé di chuyển về phía nguồn ánh sáng rực rỡ chiếu ra từ phía sau tòa nhà bên phải và rọi sáng các mái vòm bên trái. Hành lang màu vàng rực kéo dài đến tận chân trời ngăn cách hai vùng, ánh sáng và bóng tối. De Chirico cố tình sử dụng hai điểm biến mất trái ngược nhau, do đó phá hủy mọi cảm giác giống thực. Các đường thẳng của tòa nhà được chiếu sáng đầy đủ ở bên trái giao nhau phía trên đường chân trời; các đường thẳng của tòa nhà tối giao nhau tại điểm mà mái chiếc xe chở hàng chạm vào màu vàng của mặt đất. Một chi tiết cuối cùng liên quan đến phối cảnh là chiếc xe chở hàng được chiếu sáng một cách bí ẩn bởi nguồn sáng phát ra từ đâu đó. Sự kết hợp giữa các nguồn sáng và phối cảnh đã giúp De Chirico tạo ra một vũ trụ bí ẩn và bất khả thi, nơi các không gian không bao giờ hội tụ và cô bé không bao giờ chạm tới bức tượng. Đúng như tên gọi của nó, phần lớn ý nghĩa biểu tượng của bức tranh vẫn còn là một câu hỏi.
Bài: Nhà thơ - nhà nghiên cứu Phan Đan - Theo www.thecollector.com & galleryintell.com/artex
Comentarios