top of page

Feadship Project 821 - Siêu du thuyền đầu tiên trên thế giới phát thải ra nước


Cuộc đua năng lượng xanh đã bắt đầu được ngành du thuyền khởi động trong vài năm gần đây. Các hãng du thuyền lớn và nổi tiếng cũng đã bắt đầu có các động thái cho ra mắt các model sử dụng động cơ hybrid và động cơ điện hoàn toàn. Điển hình là sự ra đời của Seadeck Series, dòng du thuyền hybrid của Azimut với các giải pháp công nghệ hiện đại giúp đạt được mức giảm phát thải lên đến 40%.



Quay trở lại với pin nhiên liệu, công nghệ pin nhiên liệu cũng không phải quá mới mẻ. Thậm chí từ năm 2009 Lürssen đã tham gia vào các dự án R&D nhằm áp dụng công nghệ pin nhiên liệu lên những dự án siêu du thuyền của mình. Và một trong số đó là dự án Cosmos với công nghệ pin nhiên liệu sử dụng Methanol đang được đóng và dự kiến bàn giao vào 2025. Nhưng mới đây nhất vào 2 ngày trước, 1 năm sau khi công bố bản vẽ thiết kế về giải pháp lưu trữ hydro trên dự án sử dụng pin nhiên liệu của mình, Feadship đã nhanh hơn một bước khi trở thành ông lớn đầu tiên trên thế giới launched siêu du thuyền sử dụng pin nhiên liệu, và đồng thời là siêu du thuyền lớn nhất do Feadship đóng với chiều dài 119m, được biết đến với cái tên Project 821.



Mặc dù đã được nghiên cứu từ 2009 hoặc có lẽ là cả trước đó, nhưng tại sao đến tận 15 năm sau mới xuất hiện chiếc du thuyền đầu tiên sử dụng pin nhiên liệu? Câu trả lời là do các hạn chế và bất cập về mặt kỹ thuật đã khiến công nghệ này khó có thể đạt được hiệu quả. Trong đó phải kể đến:


1. Việc lưu trữ hydro trên tàu đòi hỏi vấn đề về an toàn rất cao do hydro rất khó lưu trữ và cực kỳ dễ cháy. Cùng với đó cần gấp 8 đến 10 lần không gian để lưu trữ hydro so với lượng năng lượng tương đương khi sử dụng diesel.


2. Không dễ dàng để có thể refill lại hydro khi mà không có sẵn quá nhiều cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng và nạp đầy lại hydro cho một chiếc du thuyền như nhiên liệu diesel.


3. Việc sử dụng pin nhiên liệu yêu cầu các hãng đóng tàu, nhà thiết kế và ngay cả khách hàng phải đổi mới, thay đổi hoàn toàn tư duy thiết kế và chế tạo đã quá quen thuộc từ trước đến nay.



Và Feadship đã giải quyết lần lượt các vấn đề trên ở Project 821 bằng cách xây dựng một căn phòng chuyên dụng ở boong dưới dùng để đặt một bể chứa đông lạnh chứa hydro hoá lỏng được nén ở nhiệt độ -253°C, có khả năng chứa đến 92m2 hydro. Theo như bản vẽ đã được công bố vào năm ngoái.


Nỗ lực của Feadship đã mang đến những con số ấn tượng cho Project 821 khi chiếc siêu du thuyền có thể cung cấp điện liên tục 10 ngày khi neo đậu hoặc di chuyển với tốc độ 10 hải lý/giờ mà chỉ phát thải ra…nước hay đúng hơn là hơi nước. Với tầm hoạt động là 6300 hải lý, Project 821 vẫn có thể tiếp tục di chuyển và sử dụng điện khi hết nhiên liệu hydro nhờ vào hệ thống động cơ điện ABB pod drives 3,200 kW và máy phát điện MTU sử dụng dầu thực vật HVO.



Thêm một điều đặc biệt nữa là ngay cả những miếng nhôm dùng để đóng Project 821 cũng được Feadship sản xuất và chế tạo theo phương pháp tối ưu nhất để giảm việc phát thải CO2, hướng đến mục tiêu đóng ra một chiếc siêu du thuyền “Net-Zero” đúng nghĩa.


Với thành công trong việc lưu trữ nguồn nhiên liệu hydro trên tàu khả thi. Mặc dù vẫn còn các bất cập về việc refill hydro trên tàu nhưng trong tương lai gần, xưởng đóng tàu Hà Lan dự kiến sẽ tiếp tục hướng đến việc phát triển các dự án siêu du thuyền sử dụng pin nhiên liệu với hydro được tạo ra từ methanol. Nhất là khi methanol là nguồn nhiên liệu có sẵn trên toàn thế giới, dễ dàng lưu trữ hơn và quan trọng là chúng có thể tạo ra hydro và ngược lại.


Project 821 được hi vọng sẽ truyền cảm hứng cho những dự án khác để suy nghĩ khác đi trong tương lai. Đồng thời mở ra và phát triển một công nghệ sạch mới cho cuộc cách mạng xanh ngành công nghiệp du thuyền.



Bài: Nhật Nam

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page