Đinh Q. Lê dệt lên những đan cài của ký ức thiện - ác, đế chế hoàng kim và bi ca
Nghệ sĩ Dinh Q. Lê giới thiệu các tác phẩm dệt tạo ảnh mới được lấy cảm hứng từ sử thi Reamker (đây được xem là một phiên bản của sử thi Ramayana tại Campuchia). Các tác phẩm của ông là những tấm tranh đan nhằm tạo ra những chân dung của các tù nhân từ nhà tù Tuol Sleng của Khmer Đỏ, chúng mang những mảng màu và hình hoạ biểu hiện cho sự lãng quên cũng như cuộc tranh đấu của sáng-tối.
Đinh Q. Lê sinh ra ở tỉnh Hà Tiên, ông lớn lên ngay tại một thị trấn biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, ông từ lâu đã quan tâm đến lịch sử cận đại của Campuchia. Năm 1978, khi Khmer Đỏ xâm lược và tàn sát nhiều cư dân Hà Tiên, gia đình nghệ sĩ buộc phải chạy trốn, đầu tiên họ đến Thái Lan và sau đó là Hoa Kỳ. Trong nhiều năm, nghệ sĩ đã làm việc với những bức chân dung của những người bị Khmer Đỏ tra tấn và giết hại. Ông không hài lòng với việc những bức chân dung chỉ có thể mô tả những cá nhân bị cầm tù, ở thời khắc tồi tệ nhất cũng như những giây phút cuối cùng của họ… mà ông còn khao khát có thể sáng tác những tác phẩm nghệ thuật đối chiếu tình cảnh của con người với chính các câu chuyện trong lịch sử phong phú của Campuchia.
Để tạo ra những tấm vải dệt này, người nghệ sĩ bắt đầu với những bức ảnh của những bức tranh tường công phu tại Cung điện Hoàng gia Campuchia ở Phnom Penh. Ông mô tả những bức tranh này vẽ sử thi Reamker, sử thi Reamker được giới văn chương giải thích như nó là một phiên bản được bản địa hoá từ sử thi nổi tiếng Ramayana của Ấn Độ, nó là một sử thi ca tụng về cuộc chiến giữa thiện và ác.
Mặc dù hiện đang xuống cấp, nhưng những bức tranh tường tuyệt đẹp này vẫn hiển hiện rõ những nét minh họa của một nền văn hóa rực rỡ và thời hoàng kim của Campuchia, đất nước từng là một đế chế thống trị cả vùng Đông Nam Á. Đan xen với những cảnh trong tranh tường là những bức chân dung cận cảnh của các tù nhân ở Tuol Sleng. Mặc dù nghệ sĩ đã làm việc với chủ đề này trước đây, nhưng ông đã loại bỏ tất cả hình ảnh ám chỉ họ với tư cách là tù nhân, thay vào đó ông mong muốn người xem có thể liên tưởng đến các nhân vật này với tư cách là những cá nhân có cuộc sống tự do và sinh động chứ không phải xuất hiện với thân phận của những người bị đau thương.
Kết quả là tác phẩm của ông là những đan xen về màu sắc, kỹ thuật giữa quá khứ, di sản văn hóa hoàng kim của đế chế Campuchia với lịch sử bi thảm do Khmer Đỏ gây ra. Và với ông sự hòa trộn này chính là ý niệm của cuộc tranh đấu thiện ác mà sử thi Reamker nói đến.
Đinh Q. Lê tạo ra tác phẩm đa phương tiện dựa trên các khái niệm phức tạp về lịch sử Việt Nam, các chủ đề ông quan tâm gồm: chiến tranh, dân di cư và cách các nền văn hóa phi phương Tây được mô tả trên các phương tiện truyền thông phương Tây.
Ông đã có triển lãm cá nhân vào năm 2022 tại bảo tàng quai Branley ở Paris, Pháp và vào năm 2018 tại Bảo tàng Nghệ thuật San Jose. Vào tháng 7 năm 2015, Bảo tàng Nghệ thuật Mori của Tokyo đã giới thiệu một bản hồi tưởng về tác phẩm của ông. Triển lãm quốc tế trong 25 năm, tác phẩm của Lê đã được trưng bày tại 2013 Carnegie International (Pittsburgh, PA), dOCUMENTA (13) (Kassel, Đức), Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (Singapore), Kiev Biennial (Kiev, Ukraine), Dự án 93 triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (New York, NY) và triển lãm một người được giới phê bình đánh giá cao tại Hiệp hội Châu Á ở New York. Tác phẩm của Lê có trong nhiều bộ sưu tập cố định, bao gồm Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (New York, NY), Quỹ Ford (New York, NY), Bảo tàng Nghệ thuật Portland (Portland, OR), Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco (San Francisco, CA), Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại (Los Angeles, CA), Phòng trưng bày Nghệ thuật Hiện đại Queensland (Brisbane, Úc), Bảo tàng Nghệ thuật Singapore và Bộ sưu tập Zabludowicz (London, Anh).
Bài: Vương An Nguyên - Art Columnist, theo elizabethleach
Comments