top of page

Di sản của đại dịch Covid-19: Ám ảnh lạm phát đang trở thành mối lo lớn cho giới đầu tư

Sau khi được kiểm soát tương đối tốt trong khoảng hai thập kỷ, lạm phát đã bắt đầu xuất hiện trở lại. Ví dụ, Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) dự báo lạm phát của Mỹ sẽ đạt 3,6% vào năm 2021, một mức tăng đáng kể so với mức trung bình 1,8% trong thập kỷ qua. Sự tắc nghẽn nguồn cung, sự thiếu hụt chất bán dẫn, giá hàng hóa tăng và sự điều chỉnh trong các lĩnh vực nhạy cảm của Covid-19 đang đẩy giá tiêu dùng lên cao. Cuộc tranh luận về việc liệu đây có phải là những yếu tố tạm thời, hay liệu chúng có thể dẫn đến áp lực giá cố định hơn, được đan xen với một cuộc thảo luận dài hạn hơn về bối cảnh kinh tế hậu đại dịch và vai trò của toàn cầu hóa đối với động lực giá cả. Những tiền đề cho một “cơn bão hoàn hảo” của lạm phát đã lần lượt xuất hiện và đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu nếu các ngân hàng trung ương (NHTW) phản ứng thiếu chính xác.

Các tiền đề của lạm phát


Đại dịch Covid-19 với việc phải phong tỏa dài hạn ở nhiều nền kinh tế đã đẩy thất nghiệp lên cao và gây ra suy giảm kinh tế. Một số nền kinh tế như Mỹ, Anh, Nhật Bản thậm chí đã rơi vào suy thoái trong năm 2020 với tăng trưởng âm liên tiếp trong hai quý. Các nền kinh tế mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) cũng chìm trong áp lực. Để nhanh chóng vượt qua ám ảnh về suy thoái kinh tế toàn cầu, tất cả các chính phủ đều lần lượt tiến hành các chính sách hỗ trợ kinh tế và kích thích với quy mô lớn trong suốt giai đoạn 2020 – 2021. Tổng quy mô kích thích của các nền kinh tế phát triển có thể đã lên tới con số 11.000 tỷ USD. Các nền kinh tế đang phát triển cũng đẩy mạnh vay nợ để tài trợ cho các chương trình phục hồi kinh tế. Trên toàn cầu, nợ chính phủ ở mức kỷ lục trong 5 thập kỷ là 97% GDP và ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDEs), ở mức kỷ lục trong 3 thập kỷ là 63% GDP vào năm 2020.


Trong bối cảnh đó, Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng với mắt xích trọng yếu là Trung Quốc khiến chi phí vận tải biển tăng cao và chi phí đầu vào cho sản xuất cũng trở nên khó đoán định hơn. Sự cố này thêm trầm trọng khi một cuộc khủng hoảng nhỏ trong lĩnh vực năng lượng đã đẩy giá dầu, khí đốt và than đá lên cao khi mùa Đông 2021 tới gần. Giá khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu của châu Á đã tăng 500% trong thời gian qua, bằng với mức tăng của châu Âu, trong khi giá dầu đã ở ngưỡng xoay quanh 80 USD/thùng.


Khủng hoảng năng lượng khiến các nền kinh tế lớn đóng vai trò trụ cột sản xuất tại châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ bị thiếu điện. Khoảng 20 tỉnh của Trung Quốc đã thực hiện cắt điện luân phiên, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sự ổn định của chuỗi cung ứng tại quốc gia này và làm gia tăng chi phí cho hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong tháng 9, giá sản xuất công nghiệp PPI tăng 9,5% vào tháng 8/2021, khi phân rã tăng trưởng PPI thành giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất công nghiệp và giá xuất xưởng sản xuất công nghiệp thì PPI chủ yếu tăng do chi phí đẩy. Giá các sản phẩm khai khoáng ở Trung Quốc đã tăng tới 41,8%, nguyên vật liệu sản xuất công nghiệp tăng 18,3% và giá gia công chế biến chỉ tăng 8,0%. Sự gia tăng rõ ràng nhất của các chi phí đầu vào là đà tăng mạnh mẽ của giá dầu thô, than đá, quặng sắt và kim loại màu.

Các NHTW phản ứng với lạm phát



Mặc dù các ngân hàng trung ương đã đưa ra các dự báo về cả quy mô và thời gian của đợt lạm phát đang tăng dần lên với biên độ nhỏ hiện nay, nhưng họ và hầu hết các nhà kinh tế chính thống vẫn phủ nhận rằng nó có thể trở thành một đặc điểm dai dẳng hơn trong thập kỷ tới. Nhưng nếu họ sai thì sao? Điều gì có thể xảy ra nếu, chẳng hạn vào giữa năm 2022, có rất ít dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ xuống dưới mức khoảng 4-5% của cuối năm 2021 cho tất cả các nền kinh tế Mỹ, Anh và EU? Các thị trường tài chính hiện đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu tăng lãi suất chính sách sớm nhất là vào tháng 9/2022, với bốn hoặc năm lần tăng 25 điểm cơ bản trong suốt giai đoạn 2022-23.


Nếu các NHTW quá lạc quan về lạm phát, khả năng đáng lo ngại nhất là họ có thể đảo ngược chính sách một cách đột ngột và đáng kể, với sự điều chỉnh 180 độ dẫn đến việc tăng 50 điểm cơ bản và thu hẹp bảng cân đối kế toán. Điều này sẽ ngay lập tức tạo ra sự thu hẹp sản xuất và tổn hại đến các nền kinh tế đang phát triển vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đến từ bên ngoài.


Với những quốc gia như Việt Nam, quy mô kích thích kinh tế, thời điểm kích thích kinh tế và hiệu quả của các chính sách này đều chịu tác động lớn của môi trường bên ngoài. Khi các NHTW chủ chốt tăng lãi suất, điều này sẽ dẫn đến sự rút vốn (ở các quy mô khác nhau) và khiến đồng bản tệ tăng giá, phương hại xuất khẩu và ảnh hưởng đến tăng trưởng trong trung hạn. Vì vậy, kịch bản cần chuẩn bị nhất là vừa đối phó với lạm phát, vừa có các gói kích thích quy mô đủ lớn, được sử dụng đúng thời điểm để đối phó sẵn sàng với sự thu hẹp của cầu bên ngoài.

Lạm phát có thể làm giảm nợ nhưng không phải phương thuốc tốt



Lạm phát bất ngờ có thể làm xói mòn gánh nặng nợ thực của mỗi quốc gia. Lạm phát đi kèm với áp chế tài chính – tức kiểm soát dòng vốn – được cho là đã giảm nợ ở các nền kinh tế tiên tiến sau Thế chiến II và ở Mỹ Latinh trong những năm 1980 và 1990. Tuy nhiên, không nên lạm dụng con dao hai lưỡi này.


Đầu tiên, việc kiểm soát lạm phát ở giai đoạn tiếp theo cần thiết để trở lại mức lạm phát thấp và ổn định sẽ rất tốn kém về mặt kinh tế. Thứ hai, lạm phát khó có thể giảm gánh nặng nợ thực một cách lâu dài khi tỷ trọng nợ ngắn hạn hoặc nợ có gốc ngoại tệ lớn. Ở các nền kinh tế mới nổi, nợ chính phủ bằng ngoại tệ chiếm 42% nợ chính phủ vào năm 2019. Nếu một phần lớn nợ là ngắn hạn và cần được xoay vòng, lãi suất của khoản nợ mới phát hành sẽ tăng theo lạm phát dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ. Thứ ba, khi lạm phát cao trở nên cố định trong kỳ vọng, nó được phản ánh trong lãi suất danh nghĩa và không còn làm giảm giá trị thực của nợ.


Do vậy, một chiến lược phục hồi đúng đắn cần sự kết hợp của cả chính sách tài khóa nghịch chu kỳ (chấp nhận thâm hụt tài khóa khi suy giảm kinh tế và tăng tiết kiệm khi có thặng dư tài khóa) với chính sách tiền tệ tích cực, thận trọng có tính đến lạm phát kỳ vọng.



Bài: Phạm Sỹ Thành – Economist


Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page