top of page

Đạt 10 tỷ USD sau 20 phiên giao dịch, ETF Bitcoin liệu có là "cú hích" cho tiền điện tử?



Sự xuất hiện của Quỹ giao dịch Bitcoin giao ngay (spot Bitcoin ETF) tại Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ đóng vai trò hàn gắn thị trường tiền điện tử đang chật vật phục hồi sau cú sụp đổ của sàn giao dịch FTX và quỹ phòng hộ Alameda Research. Mới đây, thị trường tiền điện tử lại ghi nhận một dấu mốc quan trọng khi các quỹ ETF Bitcoin giao ngay đạt 10 tỷ USD tài sản được quản lý chỉ sau 20 phiên giao dịch đầu tiên.


“Lỗ hổng Alameda” và những thách thức



Sự biến mất đột ngột của hai trụ cột thị trường tài sản số này vào cuối năm 2022 đã tạo ra một “lỗ hổng Alameda” trong giao dịch tiền điện tử, dẫn đến khối lượng giao dịch giảm sút và khả năng hấp thụ lệnh bị hạn chế.


Các nhà tạo lập thị trường hàng đầu như Auros, Wintermute Trading Ltd. và GSR Markets Ltd. dự đoán “lỗ hổng” này sẽ bắt đầu được lấp đầy nhờ sự tham gia của các quỹ lớn như BlackRock Inc. và Fidelity Investments thông qua các quỹ ETF ra mắt vào ngày 11/1. Đây là dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên Hoa Kỳ cho phép thành lập ETF nắm giữ trực tiếp Bitcoin, thu hút thêm sự chú ý và dòng vốn của nhà đầu tư vào thị trường tiền điện tử.


“Chúng tôi dự đoán sẽ thấy thanh khoản tổng thể trên toàn thị trường được cải thiện” Le Shi – Giám đốc giao dịch tại Auros cho biết, đồng thời lưu ý quá trình này có thể mất “từ vài tuần đến vài tháng” và có thể bị gián đoạn tạm thời bởi những thay đổi ngắn hạn trong tâm lý thị trường.


Các nhà tạo lập thị trường sử dụng vốn tự có và vốn vay để tạo lập thị trường cho các token, nhằm kiếm lợi từ chênh lệch giá mua và bán.


Bitcoin bứt phá 88% nhờ ETF, nhưng liệu có duy trì được đà tăng?


Theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg, 10 quỹ ETF Bitcoin giao ngay của Hoa Kỳ đã thu hút tổng dòng vốn ròng khoảng 1,6 tỷ USD cho đến nay. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trên các quỹ ETF này đã giảm từ 4,7 tỷ USD trong ngày đầu tiên xuống còn 1,2 tỷ USD vào ngày 31/01, một phần do sự hào hứng ban đầu giảm bớt.


Sự xuất hiện của các quỹ ETF đã tác động đến thị trường tiền điện tử. Dự đoán về các quỹ ETF cùng với kỳ vọng về chính sách tiền tệ nới lỏng đã giúp giá Bitcoin tăng 88% trong 12 tháng qua, lên khoảng 43.000 USD. Tuy nhiên, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới này đã chạm ngưỡng 49.000 USD trong ngày giao dịch đầu tiên của các quỹ ETF, nhưng không duy trì được đà tăng này.


Theo CCData, khối lượng giao dịch tài sản số giao ngay đã đạt mức cao nhất trong 19 tháng qua, gần 1,4 nghìn tỷ USD vào tháng 01. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức trung bình hàng tháng trong giai đoạn “bùng nổ” tiền điện tử vào năm 2021.


Các chuyên gia dự đoán khối lượng giao dịch sẽ đạt được mức của năm 2021 vào cuối năm nay, đặc biệt đối với Bitcoin. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, thị trường cần huy động hàng trăm triệu USD vốn giao dịch.


Hành trình phục hồi của thị trường tiền điện tử



Độ sâu thị trường – khả năng của thị trường tiền điện tử hấp thụ các lệnh tương đối lớn mà không ảnh hưởng quá mức đến giá – đã được cải thiện, nhưng vẫn thấp hơn so với trước khi FTX và Alameda Research phá sản.


Số lượng trung bình hằng ngày của các lệnh mua và bán trong phạm vi 2% giá Bitcoin đã có “tăng nhẹ” trong tháng 1 nhưng vẫn thấp hơn mức trước FTX, cho thấy các nhà tạo lập thị trường chưa quay trở lại với toàn lực.


Cụm từ “lỗ hổng Alameda” được Kaiko đặt ra vào năm 2022 như một cách thừa nhận vai trò của quỹ đầu cơ này trong việc cung cấp thanh khoản cho thị trường tiền điện tử, cũng như ảnh hưởng tiêu cực của sự sụp đổ của quỹ này và các quy định siết chặt sau đó.


Theo Chuan Jin Fong, Giám đốc bán hàng khu vực châu Á, châu Âu và Trung Đông & Châu Phi tại GSR Markets, triển vọng hiện tại đã được cải thiện khi dòng vốn dài hạn đổ vào các quỹ ETF vượt quá dự kiến. Ông Fong cho biết: “Sẽ có sự thu hẹp tự nhiên của chênh lệch giá mua và giá bán khi thanh khoản tổng thể tăng lên, quy mô lệnh lớn hơn và độ sâu thị trường được cải thiện”.


Quỹ ETF bứt phá 10 tỷ USD tài sản sau 20 phiên giao dịch


Theo BitMEX Research, mới đây, quỹ IBIT của BlackRock dẫn đầu với 4 tỷ USD Bitcoin được nắm giữ, tiếp theo là FBTC của Fidelity với hơn 3,4 tỷ USD. Quỹ ARK 21Shares cũng đạt mốc 1 tỷ USD tài sản.


Mặc dù Grayscale ghi nhận dòng tiền chảy ra 6,3 tỷ USD trong 30 ngày qua, nhưng quỹ này vẫn là quỹ Bitcoin lớn nhất với 23,7 tỷ USD tài sản.


Sự ra mắt thành công của các quỹ ETF Bitcoin cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư truyền thống đối với thị trường tiền điện tử. Đây là một bước tiến quan trọng cho ngành công nghiệp này và có thể thúc đẩy sự tăng trưởng trong tương lai.


Giang Nguyễn (Theo Bloomberg)

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page