top of page
Ảnh của tác giảBen Trần

"Charter" cho thuê du thuyền - dịch vụ xa xỉ và sang trọng nhất hành tinh (Kỳ 1)

“Charter” – hay còn gọi là dịch vụ cho thuê đã trở nên không còn quá xa lạ với chúng ta trong những năm vừa qua. Đặc biệt trong thế giới của những người giàu có, tồn tại hai loại charter nổi bật hơn hẳn và đều “ngốn” rất nhiều tiền đó là jet charter - thuê máy bay riêng & yacht charter - thuê du thuyền.


Jet Charter


Đúng như tên gọi, đây là dịch vụ cho thuê một chiếc máy bay riêng với đầy đủ tiện nghi để di chuyển trong thời gian ngắn nhất mà không cần phải chờ đợi một chuyến bay phổ thông. Jet charter chỉ có vai trò đơn giản là giải quyết nhu cầu đi lại một cách nhanh chóng, tiện lợi và riêng tư. Có những người chọn mua máy bay riêng trong những lúc không sử dụng đến thì giao cho một công ty trung gian cho thuê lại.


Hầu như tất cả các tỷ phú trên thế giới đều sở hữu máy bay riêng bởi vì đối với họ, chiếc máy bay riêng có thể giúp họ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, mà đối với tỷ phú, thời gian là tiền bạc. Nên cho dù lối sống của họ có đơn giản đến mức nào thì việc sở hữu một chiếc máy bay riêng vẫn không hề xa xỉ.


Có thể điểm qua vài cái tên có lối sống đơn giản nhưng máy bay riêng của họ thì không "đơn giản tí nào" như Bill Gates – sở hữu một chiếc Bombardier BD 700 Global trị giá 40 triệu USD. Jeff Bezos thì sở hữu Gulfstream G650ER trị giá 65 triệu USD, Elon Musk cũng sở hữu một chiếc G650ER với nội thất được làm lại theo ý của ông ta và rất nhiều người khác nữa.

Bombardier BD 700 Global


Điểm chung của các tỷ phú sỡ hữu máy bay riêng là họ đều sử dụng một cách rất thường xuyên. Tần suất sử dụng có khi lên đến 15 chuyến/ tháng, chính vì vậy việc sở hữu máy bay riêng giúp các tỷ phú tiết kiệm được rất nhiều thời gian.


Đối với những triệu phú hay những doanh nhân có nhu cầu sử dụng máy bay nhưng chưa sỡ hữu, thì dịch vụ charter sẽ giúp họ rất nhiều. Các dịch vụ cho thuê máy bay riêng như Jetsmarter, Jetit giúp khách hàng chọn được nhiều loại máy bay tư nhân từ cỡ nhỏ dành cho 4 người đến cả một chuyên cơ riêng cho 100 khách.

Gulfstream G650ER


Yacht Charter


Chỉ có chưa đến 50% tỷ phú sở hữu siêu du thuyền bởi đa số bọn họ đều chọn hình thức charter nếu như muốn tận hưởng một kỳ nghỉ xa xỉ trên siêu du thuyền. Đây cũng là cách mà nhiều ngôi sao nổi tiếng chọn lựa, ví dụ như siêu sao bóng đá Cristiano Ronaldo đã trải qua kì nghỉ trên chiếc Benetti Africa 1 dài 47m năm 2019 vừa qua.


Cầu thủ người Bồ Đào Nha đã phải trả hơn 200.000 Euro cho 1 tuần trên siêu du thuyền này. Và sau nhiều năm chọn hình thức đi thuê du thuyền, CR7 cuối cùng cũng sỡ hữu cho mình một siêu du thuyền 32 m từ Azimut trong mùa hè vừa qua.

Benetti "Africa"


Vậy câu hỏi được đặt ra là tại sao người ta không mua hẳn 1 chiếc du thuyền mà phải đi thuê và tại sao người đã sở hữu du thuyền lại đem đi cho thuê?


Trước tiên chúng ta hãy nói về người cho thuê:


Người sở hữu siêu du thuyền chắc chắn sẽ có khối tài sản khổng lồ, thường dao động từ 8 tới 11 con số trong tài khoản. Mỗi chiếc siêu du thuyền cũng sẽ có giá từ vài chục đến hơn một trăm triệu USD tùy kích cỡ và kết cấu. Với tàu có kích thước khổng lồ thì nghiễm nhiên mỗi tháng tài khoản của người chủ sẽ vơi đi thêm vài trăm nghìn cho tới hàng triệu USD cho chi phí du thuyền. Chi phí này đến từ các khoản tiền lương nhân viên, tiền bến bãi, tiền dịch vụ, tiền bảo dưỡng...


Tuy nhiên, mỗi năm họ chỉ có thể sử dụng được trong thời gian rất ngắn và những khi không dùng đến họ sẽ vẫn mất tiền như thường do các chi phí nói trên. Giải pháp duy nhất chính là đem đi cho thuê. Với du thuyền cỡ nhỏ & catamaran, cho thuê với mục đích chính là để kiếm tiền, còn với siêu du thuyền thì đây lại là một câu chuyện khác vì số tiền thu được không đáng là bao so với giá trị thuyền.


Cho thuê siêu du thuyền cốt yếu là để cắt giảm các khoản chi phí liên quan đến chiếc du thuyền, nói cách khác là tự nó “lao động” để kiếm tiền “nuôi” bản thân mình và nhờ vậy chủ nhân không cần quá bận tâm đến các chi phí nói trên nữa.


Vậy ai sẽ là người đứng ra cho thuê?


Dĩ nhiên, chủ tàu rất hiếm khi là người trực tiếp điều hành việc cho thuê. Thông thường họ sẽ giao lại cho một công ty quản lý siêu du thuyền mà điển hình là đơn vị Fraser Yacht. Các đơn vị trên sẽ kí hợp đồng với chủ sở hữu du thuyền và đưa ra một cam kết về số tiền thu được mỗi năm.


Dĩ nhiên họ không bao giờ cam kết bừa mà sẽ có cả một đội ngũ hùng hậu trong nhiều mảng cộng với kinh nghiệm dày dặn về những chiếc tàu mà họ nhận cho thuê. Ngay cả chủ tàu nếu muốn sử dụng cũng phải đặt lịch trước và vẫn phải trả một khoản phí (trừ phí thuê tàu).


Nếu chủ tàu muốn nâng cấp hoặc bán khi được ai đó trả một mức giá tốt, đơn vị này sẽ làm thay bạn việc listing tàu cho bán, sắp xếp cho khách mua xem tàu, chạy thử và hoàn tất hợp đồng cùng mọi thứ liên quan đến thủ tục mua bán.

Chiếc Sunreef 80 của tay vợt Rafael Nadal


Nếu đã bán tàu rồi và có nhu cầu mua một chiếc khác lớn hơn có sẵn thì đơn vị trên sẽ đóng vai trò như một nhà môi giới (broker) để tìm mua tàu, đánh giá, thẩm định, thay mặt chủ hoàn tất hợp đồng, sau đó tiếp tục bổ sung chiếc du thuyền này vào đội ngũ cho thuê.


Vậy nếu chủ tàu muốn đặt đóng chiếc khác với kích thước lớn hơn? Một lần nữa đơn vị trên sẽ thay mặt bạn liên hệ với bên thiết kế và lựa chọn hãng phụ trách đóng tàu. Trong quá trình đóng (thường kéo dài từ 2 - 4 năm), đơn vị này sẽ giữ vai trò giám sát và thẩm định theo từng giai đoạn, sau đó báo cáo lại với chủ tàu.


Cùng tìm hiểu thêm về dịch vụ cho thuê du thuyền vào kỳ 2


Bài: Ben Trần - Yachts Columnist

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page