Jonathan Anderson & Dior Men Xuân Hè 2026: Tái cấu trúc di sản của Monsieur Dior
- Hoàng Bảo
- 17 giờ trước
- 3 phút đọc

Bộ sưu tập đầu tay của Jonathan Anderson dành cho Dior Men là cuộc đối thoại táo bạo giữa quá khứ và hiện tại. Một bên là những di sản lịch sử được trân quý như một phần không thể thiếu trong tinh thần của nhà mốt Pháp, một bên là những thiết kế hướng tới cuộc sống đương đại – nơi thời trang không còn bị ràng buộc bởi giới hạn truyền thống.
Trước khi bước vào nhiệm kỳ thành công tại LOEWE, Anderson từng khiến giới mộ điệu mê đắm bằng bộ sưu tập tại thương hiệu mang tên mình. Hôm nay, trên sàn diễn Dior Men, anh không lặp lại quá khứ, mà dùng nó làm đòn bẩy để tạo nên một cuộc cách mạng mới, ngay tại một trong những thương hiệu được xem là linh hồn của Haute Couture Paris.

Sự xuất hiện của Anderson tại Dior Men khiến mọi ánh nhìn như dồn cả về Tuần lễ Thời trang Paris Xuân Hè Nam 2026. Và đúng như kỳ vọng, buổi trình diễn không đi theo lối mòn. Anderson, người đầu tiên kể từ thời Monsieur Christian Dior giữ vai trò điều hành toàn bộ các bộ sưu tập của nhà mốt, đang mở ra một chương mới. Anh chọn nhìn lại thời hậu chiến, giai đoạn hình thành bản ngã đầu tiên của Dior, để từ đó định hình một ngôn ngữ thẩm mỹ cho thế hệ kế tiếp.

Dior Men là một phần của ký ức tập thể. Một cấu trúc đã được khắc sâu vào văn hóa, cả trong nghệ thuật lẫn đời sống đại chúng. Việc Jonathan Anderson khởi xướng quá trình mã hóa di sản đó trong một căn phòng mô phỏng nội thất nhung đỏ, lấy cảm hứng từ bảo tàng Gemäldegalerie tại Berlin, là một hành động có tính khai mở, một lựa chọn mang tính hình thức nhưng nói lên tinh thần của sự kiệm lời.

Trên các bức tường, chỉ có hai tác phẩm của Jean Siméon Chardin (1699–1779). Trong một thời kỳ mà nghệ thuật thường hướng đến yếu tố kịch tính, Chardin chọn con đường ngược lại. Ông quan tâm đến những gì diễn ra mỗi ngày. Ông từ chối thẩm mỹ phù phiếm mà tìm kiếm sự chân thực. Trong thế giới của ông, sự quan sát thay thế cho phán xét, và lòng trắc ẩn trở thành cốt lõi cho sáng tạo.

Niềm vui trong nghệ thuật ăn mặc là sự hòa hợp không gượng ép giữa hiện tại và quá khứ, giữa những di vật được gìn giữ trong kho lưu trữ, giữa các biểu tượng từng đại diện cho tầng lớp và món đồ đã bền bỉ vượt qua thử thách của thời gian. Anderson không phủ định sự trang trọng mà tái cấu trúc nó. Từ chất liệu tweed Donegal đến cà vạt quân đội, từ chiếc áo khoác Bar kinh điển cho đến áo đuôi tôm và áo ghi-lê thịnh hành vào thế kỷ 18–19, tất cả được tái hiện nguyên vẹn, như thể thời gian chưa từng rời bỏ chúng.

Chi tiết trang trí hình hoa hồng, đường thêu nhỏ và các mặt dây Diorette mang hơi hướng Rococo, gợi hồi tưởng về Monsieur Dior, người từng dành một tình cảm đặc biệt cho thời kỳ này giống như cách ông say mê văn hóa Anh. Các thiết kế kinh điển như Delft, Caprice và La Cigale được hồi sinh trong bộ sưu tập này. Nhưng không phải dưới hình hài cũ, chúng được xoay chuyển, kéo về hiện tại, đặt vào một bối cảnh mới.

Dior Book Tote xuất hiện như một chiếc bìa sách sống động, lần này là những ấn bản quý từ nhà xuất bản Les Saints Pères: “Les Fleurs du Mal” của Charles Baudelaire và “In Cold Blood” của Truman Capote. Mỗi chiếc túi như một cánh cửa dẫn vào thế giới văn chương, nơi câu chữ trở thành chất liệu thời trang, và ngược lại, thời trang làm sống lại những trang sách bất hủ. Một mẫu túi đeo chéo khác gợi nhắc đến “Dracula” của Bram Stoker. Nó không phải là một kiểu trích dẫn, mà là sự thừa nhận âm thầm về vai trò của văn học trong việc định hình trí tưởng tượng. Cuối cùng, Lady Dior, biểu tượng của nhà mốt, lần này được chiêm nghiệm bằng đôi mắt của nghệ sĩ Sheila Hicks. Dưới bàn tay bà, chiếc túi trở thành một khối điêu khắc dệt từ những sợi lanh nguyên chất.
Bài: Hoàng Bảo - Fashion Columnist
Comments