top of page

Bất chấp cảnh báo của IMF về nguy cơ bất ổn, thị trường tiền kỹ thuật số vẫn tăng


Đã 8 tuần liên tiếp, các đồng tiền kỹ thuật số và quỹ liên quan tới tiền kỹ thuật số thu hút được dòng vốn đổ vào tăng lên. Chỉ trong tuần trước, thị trường này đã nhận được 226,2 triệu USD đầu tư. Tổng dòng tiền vào thị trường tiền điện tử trong 8 tuần qua đạt 638 triệu USD. Trong đó, Bitcoin vẫn dẫn đầu thị trường vì có 4 tuần liên tiếp dòng tiền đổ vào, với tổng số tiền lên tới 225 triệu USD.



Mặc dù vậy, trước khả năng có những biến động lớn về giá của các đồng tiền kỹ thuật số, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn đưa ra cảnh báo về tác động của chúng với hệ thống tài chính thế giới. Trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu năm 2021 được công bố hôm 13/10, IMF khuyến cáo các nhà quản lý nên theo dõi chặt chẽ rủi ro trên toàn cầu và các khung quy định, hoạt động còn thiếu sót trong hầu hết lĩnh vực pháp lý liên quan tới tiền kỹ thuật số. Đơn vị này cũng cho rằng cần thiết lập “tiêu chuẩn toàn cầu cho tiền kỹ thuật số”. Bằng cách này, họ tin rằng có thể giúp chống “rủi ro lây lan” cho các thị trường khác. IMF dẫn số liệu rằng trên thị trường tiền kỹ thuật số, có hơn 16.000 loại tiền được lưu hành trên các sàn giao dịch khác nhau như Coinbase, Binance và Kraken. Nhưng đến nay, chỉ có khoảng 9.000 mã tồn tại. Một số loại tiền kỹ thuật số chỉ hoàn toàn là đầu cơ và chỉ bị tác động bởi các xu hướng truyền thông xã hội, hiệu ứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ). Chính những điều này tạo ra sự bất ổn trong thị trường tiền kỹ thuật số.


“Các nhà đầu tư có khả năng phải đối mặt với thua lỗ do các mã tiền kỹ thuật số do không được phổ biến, sẽ biến mất”, IMF cho biết.


Quỹ tiền tệ Quốc tế đưa ra ví dụ một số đồng tiền kỹ thuật số có thể gây hệ lụy không mong muốn cho hệ thống tài chính kỹ thuật số như IRON. Đây là đồng tiền kỹ thuật số từ giá 60 USD, rơi không phanh xuống chỉ còn vài cent lẻ vào tháng 6 vừa qua. Và khoản đầu tư của tỷ phú Mark Cuban vào đồng này đã “bay màu”.


Tỷ phú Mark Cuban mất toàn bộ số tiền đầu tư vào đồng IRON

IMF cũng nhận định thị trường tiền kỹ thuật số đang thu hút được sự quan tâm của không chỉ người dân, mà còn cả các nhà quản lý. Khi mà gần một nửa số ngân hàng Trung Ương trên thế giới đã xem xét việc tạo ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng mình. Loại tiền này được kỳ vọng sẽ tập trung và an toàn hơn so với các loại tiền điện tử đang tồn tại.


Khả năng tác động của các đồng tiền kỹ thuật số với hệ thống tái chính thế giới đang ngày càng tăng lên, khi mà dòng tiền đổ vào thị trường này được dự báo sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay. Theo Glassnode, Nhà cung cấp dữ liệu liên quan tới công nghệ chuỗi khối, các hoạt động mạng lưới xung quanh Bitcoin đã tăng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2021. Điều này cho thấy nhu cầu mới đang bắt đầu tiến vào thị trường trong quý IV/2021. Bitcoin đã tăng lên mức cao nhất trong năm tháng, với mức giá 59.341 USD/bitcoin vào ngày hôm nay.


Mức giá Bitcoin ghi nhận vào lúc 10:40 ngày 15/10

Tháng 10, nền kinh tế thế giới đối mặt với hàng loạt rủi ro trên thị trường chứng khoán toàn cầu, hay vấn đề nợ trần của Mỹ, lãi suất trái phiếu leo thang, lạm phát gia tăng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, khủng hoảng nợ của China Evergrande. Chính những điều này đã tạo cơ hội cho giá Bitcoin và nhiều đồng tiền kỹ thuật số quan trọng khác sức bật mạnh. Dòng tiền của các nhà đầu tư đang đổ vào Bitcoin, với kỳ vọng đây sẽ là tài sản tích trữ đem lại lợi nhuận cao.


Theo các chuyên gia, giá Bitcoin tăng mạnh còn nhờ quan điểm tích cực của các nhà quản lý Mỹ. Vào cuối tuần trước, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cho biết, ông không có ý định cấm tiền điện tử. Đồng quan điểm, ông Gary Gensler - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) - cũng nói tại cuộc điều trần của Uỷ ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào ngày 5/10 rằng ông không có kế hoạch cấm tiền điện tử. Một thông tin tích cực với thị trường tiền mã hóa nữa là tỷ phú George Soros, chủ sở hữu Quỹ quản lý Soros, mới đây cho biết quỹ này đã tham gia đầu tư vào Bitcoin.


Theo các chuyên gia, nhiều tín hiệu tích cực khiên thị trường tiền mã hóa sẽ còn tiếp tục tăng mạnh. Chuyên gia tài chính Craig Erlam (Anh), dự báo giá Bitcoin sẽ sớm trở lại mốc kỷ lục gần 65.000 USD. Còn Florian Grummes, Giám đốc điều hành Blockstream Adam Back, nhận định giá Bitcoin có thể đạt ngưỡng 100.000 USD vào cuối năm.


Hoạt động đào Bitcoin tại Mỹ

Hiện Mỹ đã vượt Trung Quốc trở thành nơi ghi nhận nhiều hoạt động khai thác tiền điện tử Bitcoin nhất sau khi chính phủ nước Trung Quốc tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác. Các số liệu nghiên cứu mới công bố cho thấy hoạt động khai thác Bitcoin tại Mỹ tăng hơn gấp đôi trong 4 tháng tính đến cuối tháng 8/2021. Hiện thị phần mà nền kinh tế Mỹ nắm giữ lên 35,4%. Chuyên gia Michel Rauchs từ trung tâm nghiên cứu công cụ tài chính thay thế của Đại học Cambridge cho biết Kazakhstan là quốc gia đứng thứ 2 về khái thác Bitcoin. Quốc gia này cũng ghi nhận hoạt động khai thác bitcoin tăng hơn gấp đôi và thị phần tăng lên 18,1%. Trong khi đó, Nga ở vị trí thứ ba với mức thị phần 11%.


Hà Nguyễn tổng hợp



ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page