top of page

Tái chế: Điều hiển nhiên & mở đường cho một tương lai bền vững hơn của thời trang


Đối diện với lượng vải vóc dư thừa trị giá lên đến 160 tỉ euro, ngành công nghiệp thời trang buộc phải xem xét lại quy trình vận hành từ trước đến giờ của mình. Một trong những hướng đi đúng đắn nhất, đã được ứng dụng bởi các nhà mốt lớn như Balenciaga, Coach, Marine Serre... chính là tái chế.


Upcycling (tái chế vật liệu thành sản phẩm cao cấp hơn) đã trở thành một trong những xu hướng nổi bật nhất mùa xuân/hè 2021, với sự góp sức của các nhà mốt hàng đầu như Balenciaga (93% nguyên liệu thô trong bộ sưu tập mới nhất thân thiện với môi trường hoặc đã được upcyle ), Marni (những bộ trang phục được tạo từ lượng vảI vóc có sẵn) và Coach (đáng chú ý nhất là chiếc túi thập niên 70 được thiết kế lại). Trong khi đó, nhà mốt Miu Miu cũng vừa thông báo hồi tháng 10 rằng họ sẽ ra mắt bộ sưu tập mới trong đó toàn bộ sản phẩm đều đã được upcycle - 80 chiếc váy lần đầu tiên xuất hiện, được thiết kế lại từ những sản phẩm cũ được chọn lọc cẩn thận từ các cửa hàng và khu chợ đồ cũ khắp thế giới


Bộ sưu tập mới nhất Made in Britain của nhà thiết kế Jonathan Anderson.

Mặc dù những nhà thiết kế trẻ hơn như Priya Ahluwalia, Bethany Williams và Emily Adams Bode đã đi theo đuổI lốI đi táI chế nâng cấp các thiết kế cũ trước đây, việc những thương hiệu xa xỉ quyết định ứng dụng upcycling vào các bộ sưu tập của mình đã thổI một làn gió mớI vào nền công nghiệp thời trang. “Lần đầu tiên chúng tôi sử dụng và nói về deadstock (vảI dư thừa) là vào năm 2017,” Gabriela Hearst trả lờI phỏng vấn tờ Vogue qua Zoom. “Deadstock khi đó không nằm trong từ điển thờI trang xa xỉ.” Ngày hôm nay, trong bộ sưu tập mớI nhất của Hearst, 60% những thiết kế trong đó là các sản phẩm đã được upcycle.


Bộ sưu tập Marni mùa Xuân/Hè 2020 với những thiết kế đã được upcycle

Hiện nay, những hạn chế xuất hiện do đạI dịch đã khiến các nhà thiết kế phải tận dụng mọi vật liệu mà họ có sẵn trong studio, thay vì nhập về lượng vải vóc mới như trước đây. JW Anderson cũng vừa ra mắt bộ sưu tập mới, Made in Britain, bao gồm 6 thiết kế được làm hoàn toàn từ vải thừa và mảnh vụn từ các mùa trước. “Made in Britain bắt nguồn từ ý đồ tạo ra một bộ sưu tập thời trang mới từ những gì chúng tôi đang có ngay tại nơi chúng tôi sống và làm việc,” giám đốc sáng tạo Jonathan Anderson chia sẻ, anh cũng từng thiết kế những sản phẩm upcycle cho các bộ sưu tập Loewe’s Eye/ Loewe/ Nature. “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy xu hướng upcycle ngày càng lan rộng trong tương lai.”


Ảnh hưởng nghiêm trọng từ vật liệu dư thừa


Nàng thơ Elisa Visari diện một thiết kế trong BST Upcycled by Miu Miu.

Không quá bất ngờ khi xu hướng upcycling phát triển mạnh mẽ vào thời điểm này, nạn dịch đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà mốt, lượng chi tiêu cho thời trang giảm mạnh tới 79% hồi tháng 4, khiến lượng hàng tồn kho từ bộ sưu tập xuân/hè 2020 gấp đôi so với trung bình mỗi năm, lên đến 160 tỉ euro.


Một thiết kế trong bộ sưu tập Xuân/Hè 2021 trung hòa carbon của NTK Gabrielle Hearst.

Trước đây, các thương hiệu xa xỉ sẽ đốt hoặc vứt bỏ số sản phẩm dư thừa để bảo tồn giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, khách hàng ngày càng thông minh và nhận thức được hành vi hoang phí này nên các nhà mốt phải nhanh chóng thay đổi phương pháp xử lí vật liệu dư thừa theo cách bền vững hơn.


Không dừng lại ở đó, nhiều thương hiệu cố gắng cắt giảm tổn hại bằng cách hủy đơn hàng từ nhiều nhà máy, tạo nên những cuộc khủng hoảng khác cho các công nhân dệt may tại những khu vực đang phát triển. Bốn triệu công nhân Bangladesh đã mất việc làm và trên bờ vực của sự đói nghèo.


Thiết kế dành riêng cho nữ ca sĩ Billie Eilish do Duran Lantink tái chế từ chính quần áo cũ của cô.

Duran Lantink, người chuyên tái chế vải vóc deadstock từ các nhà mốt xa xỉ như Gucci, Prada và Off-White thành các sản phẩm cao cấp, chia sẻ rằng anh đã nhận được rất nhiều lời mời hợp tác từ các nhà bán lẻ lớn từ khi nạn dịch bắt đầu bùng phát. “Những nhà bán lẻ cần phải quan tâm đến việc xử lí lượng vải vóc dư thừa của mình,” nhà thiết kế người Hà Lan chia sẻ.


Sự thay đổi trong cách vận hành

Bộ sưu tập mới nhất Made in Britain của nhà thiết kế Jonathan Anderson.

Đương nhiên, upcycling cũng đặt ra một vài thử thách nhất định về mặt sản xuất. Marine Serre phải lên kế hoạch lại lịch trình sản xuất cho mùa xuân/hè 2021 sau khi cô được biết rằng phải tốn nhiều thời gian hơn cho các thiết kế được upcyle. “Chúng tôi bắt đầu tạo nên bộ sưu tập SS21 từ tháng 10 năm 2019 để đảm bảo các sản phẩm được hoàn thiện mà không ảnh hưởng quá nhiều đến lịch trình,” nhà thiết kế người Pháp chia sẻ với tờ Vogue.


Một thiết kế trong bộ sưu tập Xuân/Hè 2021 của NTK thắng giải LVMH, Priya Ahluwalia.

Đối với những nhà thiết kế, khi ứng dụng deadstock trong bộ sưu tập của mình, họ phải lật ngược quá trình thiết kế truyền thống: phải chọn vật liệu ngay từ đầu mà không biết trước liệu bộ sưu tập của mình có thành công về mặt doanh số không. “Chúng tôi phải mua một lượng lớn vải vóc từ trước, vì thế nên nhà thiết kế phải chịu rủi ro nhiều hơn,” Hearst giải thích, “Riêng bản thân tôi thấy nó khá thú vị, bởi vì nó khiến bạn ít lãng phí hơn.”


Một thiết kế patchwork của thương hiệu Viktor & Rolf.

Ngoài những thách thức, upcycle cũng mang đến nhiều lợi thế, bao gồm tính độc nhất. Nhà thiết kế người Đan Mạch Cecilie Bahnsen, người tạo ra bộ sưu tập Encore từ những vật liệu dư thừa chia sẻ: “Upcycle khiến sản phẩm của bạn độc đáo và mang tính giới hạn, tạo thêm giá trị cho nó.”


Trước đây, sự không đồng nhất sẽ mang đến rắc rối cho các nhà bán lẻ - bởi vì nó sẽ khiến những thiết kế tại cửa hàng khác biệt với sản phẩm trên ảnh. Tuy nhiên, ngày nay, khách hàng ưu chuộng tính cá nhân hóa hơn. “Khách hàng chúng tôi thường hứng thú hơn khi mỗi sản phẩm đều khác nhau,” Natalie Kingham, quản lí mua bán tại Matchesfashion.com, “như là chiếc váy Marine Serre làm từ khăn quàng lụa tái chế (mỗi chiếc váy đều có họa tiết khác nhau), hay chiếc váy caro Rave Review được upcycle từ chăn len.”


Tái chế là ‘hiển nhiên’

Kaia Gerber trong BST mùa Xuân/Hè 2021 của Coach, diện chiếc váy được làm lại từ một thiết kế năm 2018 của nhà mốt Mỹ.

Các nghiên cứu cho thấy lượng khí thải từ việc sản xuất vải vóc chiếm phần lớn nhất trong tổng lượng khí thải ra của ngành công nghiệp thời trang. Chính vì vậy, chúng ta nên ưu tiên tái sử dụng những vật liệu có sẵn và phổ biến xu hướng này ra toàn cầu. “Chúng ta đã có đủ lượng vải vóc để thiết kế bộ sưu tập mới, nhưng lại tiếp tục sản xuất thêm một lượng vật liệu khổng lồ mỗi mùa,” Sara Arnold, người đồng sáng lập nhóm chiến dịch Fashion Act Now chia sẻ.


Đương nhiên, việc tái chế vẫn chưa đủ. Vấn đề quan trọng nhất của ngành công nghiệp thời trang là sản xuất dư thừa vẫn cần phải được giải quyết. “Các nhà bán lẻ lớn cần phải cân nhắc lượng quần áo khổng lồ mà họ thu mua hằng năm,” Lantink nhận định. “Họ cần phải thay đổi tư duy của mình.”


Ảnh hậu trường show diễn Gucci mùa xuân 2020 tại Milan. Nhà mốt Ý vừa công bố sự hợp tác với The RealReal, trang web bán đồ second-hand với hơn 17 triệu người sử dụng cho đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt, với mỗi sản phẩm Gucci bán được trên nền tảng này, The RealReal sẽ trồng một cây thông qua tổ chức phi lợi nhuận One Tree Planted.

Dù sao thì, việc những thương hiệu xa xỉ đã ứng dụng tái chế, upcycle là một hướng đi đúng đắn, mở đường cho một tương lai bền vững hơn của thời trang. “Rất nhiều người đang quan tâm đến các sản phẩm upcycle,” Lantink khẳng định. “Các thương hiệu và nhà bán lẻ khó có thể coi nó đơn thuần là một xu hướng nhất thời.”


Bài: Theo fashionnet.vn



ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page