top of page

Nhìn lại thị trường du thuyền Việt 2021: Tạo dựng nền tảng tốt, hứa hẹn nhiều tiềm năng


Bất chấp nhiều biến động do nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid, thị trường du thuyền Việt Nam trong năm 2021 vẫn cho thấy nhiều điểm tích cực và hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Nhìn chung, 2021 có thể coi là năm tạo nền tảng khá tốt cho ngành du thuyền.



Quay trở lại thời điểm cuối 2020 - đầu 2021, giới đam mê du thuyền đã được chứng kiến 2 dấu mốc đặc biệt trong ngành du thuyền Việt Nam, đó chính là Saigon Yacht Show 2021 - cuộc triển lãm du thuyền lần đầu tiên tại Việt Nam, kế sau đó là một sự kiện về Luxury Life Style cũng xuất hiện rất nhiều du thuyền và các hãng tàu nổi tiếng - Nova LifeStyle, đều do Navigator tổ chức cùng các đối tác. Với Saigon Yacht Show, chúng ta được chứng kiến và trải nghiệm hàng chục thương hiệu du thuyền nổi tiếng, từ Lagoon 630, Princess 62, đến vua tốc độ Vector Powerboat V280R… Còn Nova LifeStyle mang đến những chiếc cano tốc độ của Chaparal, Regal, hay du thuyền Galeon 640, du thuyền 3 thân Corsair Pulse 600…



Vậy giá trị của 2 sự kiện này mang lại là gì?

Đó là việc giới thiệu những du thuyền sang trọng đến với giới đam mê, hay mang đến khả năng tiếp cận, trải nghiệm dễ dàng nhưng lại tiết kiệm chi phí nhất đối với đại chúng? Đúng, nhưng chưa đủ. Đằng sau 2 sự kiện này mang lại một sự liên kết giữa nhiều hãng du thuyền trong nước với nhau, sự liên kết giữa những ngành liên quan đến du thuyền như bất động sản, siêu xe, sản phẩm cao cấp, F&B,… cùng với đó là sự đồng hành hỗ trợ rất lớn của các chuyên gia lâu năm trong ngành tàu thuyền Việt Nam, và ngành du thuyền chính là một nhánh mang nhiều tiềm năng trong đó.



Ở mỗi triển lãm du thuyền như Cannes, Monaco hay Genoa, ngoài những siêu du thuyền xa xỉ, chúng ta còn thấy được sự xuất hiện của đồng hồ, siêu xe, trực thăng, casino, thời trang, các tập đoàn bất động sản đứng sau tài trợ… Những ngành này tạo được một mối liên hệ rất gắn kết tại một sự kiện như triển lãm du thuyền. Điểm chung dễ nhìn thấy nhất là tính xa xỉ, tính cá nhân hóa, và đặc biệt với những món đồ hay tài sản đó, chúng ta thấy được cách "chơi" của họ nói riêng, lẫn sự đồng phát triển của các ngành nghề đó nói chung. Bởi giới siêu giàu của thế giới đang ngày một “đổ tiền” vào những trải nghiệm cao cấp độc lạ, điển hình là các sản phẩm trong ngành hàng xa xỉ đang liên tục tự xô đổ mức giá kỉ lục của chính nó, để mang lại vị thế cho những vị chủ sở hữu mới.


Bạn có thể dễ dàng thấy những mẫu mega yacht có giá từ hàng chục cho đến hàng trăm triệu đô-la được trang bị tất cả những tiện nghi, cơ sở vật chất tân tiến nhất thế giới, với những khả năng đặc biệt về không gian, khả năng vận hành hoặc những món “đồ chơi” đi kèm cực kì xa xỉ như sân bay và trực thăng trên du thuyền, tàu ngầm, ván lướt điện… Hiện tại, chúng ta còn lâu mới đạt đến những bước phát triển đó, nhưng Việt Nam đang cho thấy những chuyển biến tích cực để chuẩn bị cho những liên kết sâu rộng như thế trong tương lai.



Dễ nhìn thấy nhất là tại TP.HCM, các công ty dường như đang tạo một hệ sinh thái riêng để phục vụ và liên kết khách hàng một cách khá chặt chẽ. Đối với những công ty du thuyền nhỏ, khi bàn giao xong tàu, họ có thể thay chủ tàu vận hành chiếc du thuyền bằng các dịch vụ charter để chiếc tàu có thể tự “nuôi” nó, lợi nhuận từ charter có thể dùng để chi trả cho chi phí vận hành như bến bãi, thuyền trưởng, bảo trì, bảo dưỡng… Ở những công ty lớn hay có đối tác lớn hơn, họ sẽ đầu tư bến du thuyền để xử lý luôn cả những vấn đề bảo trì, bảo dưỡng và chỗ neo đậu cho chủ tàu, khi đó chủ sở hữu chỉ việc tận hưởng chiếc du thuyền của mình mà không phải lo nghĩ về bất cứ vấn đề nào, và nếu “chọn mặt gửi vàng” vào một công ty có uy tín, có khả năng vận hành tốt, chiếc du thuyền của họ hoàn toàn có thể mang lại thu nhập như một khoản đầu tư.


Nhìn xa hơn, với lợi thế giáp sông, nhiều bất động sản ven sông đã mọc lên chiếm các vị trí cực kì đẹp, và tất nhiên những chung cư cao cấp, những khu biệt thự ven sông này không thể thiếu một bến du thuyền đẳng cấp và quy mô để phục vụ chính các cư dân của mình. Với những tiện ích đó, giá của những bất động sản đều ở mức rất cao mà chỉ giới siêu giàu mới có thể tiếp cận, đó cũng là lí do cho sự liên kết của bất động sản và ngành du thuyền. Hiện tại, với tình hình tàu thuyền ngày càng phát triển với số lượng tàu tăng nhanh mỗi năm, có thể thấy đây là bước đi thể hiện tầm nhìn rất phù hợp với giai đoạn kinh tế trong 3 đến 5 năm tới của các tập đoàn bất động sản.



Song song với những “đồ chơi” chuyên dụng, đồ chơi trang bị trên du thuyền cũng cho thấy sự phát triển. Tần suất sự xuất hiện của những ván lướt phản lực, ván lướt điện, Jesky, SUP... xuất hiện trên sông Sài Gòn ngày càng nhiều, kéo théo sự phát triển của các hội nhóm, cộng đồng đam mê thể thao dưới nước. Đơn cử như bộ môn chèo SUP, trước đây chúng ta chỉ có thể đặt hàng từ nước ngoài, nhưng đến hiện tại đã có nhiều đơn vị phân phối từ các hãng lớn, uy tín xuất hiện tại Việt Nam để các tín đồ SUP dễ tiếp cận hơn.


Bên ngoài TP.HCM thì sao? Chúng ta có thể nhìn đến Vũng Tàu, thành phố chiếm tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế ở top đầu. Một “vũng” để đậu “tàu” lý tưởng nhưng lại chưa hề có cho mình một bến du thuyền phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch. Đà Nẵng hay Hà Nội cũng chịu chung số phận tương tự. Nhưng đó không phải là tất cả, ở Hạ Long hiện tại đã có bến du thuyền đạt chuẩn quốc tế, hay Ana Marina, bến du thuyền lớn nhất Việt Nam tại Nha Trang đã đang đưa vào vận hành. Cùng với đó là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven sông, biển hoặc trên đảo cũng đang cho thấy mức đầu tư rất lớn về vị trí cũng như cơ sở vật chất và cũng cho thấy sự rục rịch chuẩn bị cho những chiếc du thuyền đầu tiên đại diện cho thương hiệu của mình. Có thể thấy, những ngành như du lịch, nhà hàng, khách sạn đã bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc về tiềm năng của ngành du thuyền.


Tình hình dịch bệnh phức tạp có thể dễ dàng đánh lừa giới đam mê du thuyền rằng đây là một năm ảm đạm, vì đa phần mọi người bị cách li một thời gian dài, nhưng thực tế lại cho thấy một bức tranh khác. Khá nhiều tàu đã được bàn giao từ các hãng như Regal, Chaparal, Galeon, Lagoon… Nhiều khả năng trong thời gian sắp tới siêu du thuyền Azimut S7 cũng sẽ cập bến Việt Nam. Thực tế cho thấy dịch bệnh phần nào ảnh hưởng đến thời gian đóng tàu, qua đó khiến ngày bàn giao tàu có thể sẽ bị dời sang giữa cuối năm 2022 đối với các đơn hàng từ đầu 2021. Vì vậy để đánh giá được chính xác nhất về tình hình số lượng các du thuyền thì quý 3 năm 2022 có lẽ sẽ là thời điểm phù hợp, khi mọi hoạt động ổn định trở lại sau giai đoạn ảnh hưởng của Covid.


Quãng thời gian giãn cách có thể là quãng thời gian khó khăn nhất của ngành charter - cho thuê du thuyền cá nhân từ trước đến nay, tuy nhiên kể từ giai đoạn cuối năm 2021 và những ngày đầu năm 2022, đang cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ. Một phần lí do đến từ việc bị giãn cách quá lâu làm tăng cảm giác muốn đi chơi, du lịch như một sự bù đắp cho khoảng thời gian bí bách, một phần khác là khá nhiều công ty tổ chức nhiều sự kiện cuối năm để tri ân khách hàng hay tiệc tất niên… Một đơn vị cho thuê tàu cho biết vào thời điểm cuối tháng 12, với 2 du thuyền có sẵn, có đến 15 chuyến đi được thực hiện trong tháng.



Tổng hợp lại, thị trường du thuyền nói riêng và kinh tế du lịch biển nói chung của Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu khả quan cũng những sự liên kết đầu tiên, tạo nền móng cho sự phát triển sau này. Với những tiềm năng mà Việt Nam sở hữu, với nhiều dư địa phát triển cùng một đường bờ biển dài 3260km và các tín hiệu tích cực, khả năng trong ngắn hạn từ 3-5 năm tới, khi những cơ sở hạ tầng được đầu tư và hoàn thiện, các địa điểm du lịch tiềm năng được quy hoạch bài bản, các ngành hàng xa xỉ được kết nối với nhau, các hệ sinh thái được tạo lập, ngành du thuyền Việt Nam sẽ cho thấy một bộ mặt hoàn toàn mới.



Bài: Nguyễn Tâm - Yacht Columnist



ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page