top of page

Giảm nỗi lo Mỹ vỡ nợ, chứng khoán thế giới tăng điểm tuần qua


Dự luật tạm thời nâng trần nợ công mà Thượng viện Mỹ thông qua ngày 7/10 đã giúp nước Mỹ tạm thời tránh được vỡ nợ. Giờ đây, các nghị sỹ Dân chủ, vốn đang nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng và lưỡng viện tại Quốc hội nước này, có thêm thời gian để tìm kiếm một thỏa thuận nâng trần nợ dài hạn hơn. Và điều này là tín hiệu tích cực giúp cho chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm.



Chốt phiên ngày 7/10 tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1% lên 34.754,94 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,8% lên 4.399,76 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,1% lên 14.654,02 điểm. Sự hứng khởi cũng xuất hiện ở thị trường chứng khoán tại các nước châu Âu. Chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 1,2% lên 7.078,04 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 1,9% lên 15.250,86 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 1,7% lên 6.600,19 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này tiến tới 2,1% và khép phiên ở mức 4.098,34 điểm. Tại châu Á, trừ sàn Hangseng giảm 0,26%, các sàn chủ chốt khác cũng đều tăng tích cực.


Chỉ số Dow Jones trong 1 tuần qua


Các chuyên gia kinh tế thế giới đều đưa ra nhận định, nếu nước Mỹ vỡ nợ, sự kiện này sẽ phá vỡ nền kinh tế Mỹ và dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu. Vì thế, khi thông tin tạm thời nâng trần nợ công được đưa ra, chuyên gia Patrick J. O'Hare của chuyên trang tài chính Briefing.com (Mỹ) đã phát biểu: “Thị trường “thở phào” khi khả năng kinh tế Mỹ vỡ nợ sẽ tránh được cho đến ít nhất tháng 12 tới. Song nhà đầu tư cũng hiểu rằng đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.”


Mặc dù vậy, đến phiên ngày 8/10, cả ba chỉ số chính trên Phố Wall lại đồng loạt giảm điểm sau số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng Chín đã yếu hơn kỳ vọng.


Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 0,03% xuống 34.746,25 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 để mất 0,19% xuống 4.391,35 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq lùi 0,51% điểm và đóng phiên với 14.579,54 điểm. Tuy nhiên, cả ba chỉ số trên đều tăng điểm khi tính chung cả tuần. Trong đó, chỉ số S&P 500 tăng 0,8%, chỉ số Dow Jones tăng 1,2% và chỉ số Nasdaq tiến thêm 0,1%.


Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á lên điểm trong phiên 8/10 theo xu hướng chung trên toàn cầu. Đáng chú ý, Thị trường Thượng Hải cũng đi lên trong phiên giao dịch đầu tiên, kể từ ngày 30/9, khi các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình của tập đoàn bất động sản Evergrande đang gánh số nợ trên 300 tỷ USD.


Chốt phiên, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,7%, lên 3.592,17 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,6%, lên 24.837,85 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo tăng 1,3%, lên 28.048,94 điểm. Chỉ số Kopsi của Hàn Quốc giảm 0,11%, xuống 2.956,3 điểm.


Những lo ngại đang chuyển hướng sang các kế hoạch của Fed trong việc rút lại các biện pháp hỗ trợ được thực hiện khi dịch bùng phát, vốn là động lực chính cho sự phục hồi mạnh của các nền kinh tế và các thị trường. Fed cho biết có thể sẽ bắt đầu giảm quy mô chương trình mua trái phiếu vào cuối năm nhưng không nói rõ tốc độ giảm nhanh đến đâu.


Hà Nguyễn tổng hợp


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page