Kha Anh - Art Columnist

11 tháng 8 2020

Tuyệt phẩm Besame Mucho: Mộng ảo thiếu nữ, bài hát trăm năm (Kỳ 2)

Đã cập nhật: 20 tháng 1 2023

Nhiều người khi ấy không thể tưởng tượng rằng một khúc mộng ảo thời thiếu nữ của một cô nàng tuổi teen nào đó bỗng nổi tiếng đến vậy.

Nhưng cũng cần phải nói rõ rằng Besame Mucho không thuần là sáng tác của một mình Consuelo Velazquez, bởi bà cũng chịu ảnh hưởng từ người khác.

Bản tình ca thế kỷ

Hai câu mở đầu bài này, bà đã lấy từ giai điệu của nhà soạn nhạc cổ điển người Tây ban Nha cuối XIX, Enrique Granados, trong tổ khúc Đôi tim non trẻ yêu đương (Los majos enamorados), đặc biệt là ở khúc thứ 5 Lời thở than hay thiếu nữ và cánh chim Họa mi (Quejas, o La Maja y el Ruiseñor) với những cảm xúc giai điệu tình tứ sâu lắng nhất. Những câu sau, nhất là phần điệp khúc, bà đã dựa theo câu mở đầu theo ngẫu hứng mà biến tấu, thay đổi cấu trúc thành điệu bolero rất đẹp và hài hòa.

Nhưng cho dù có sự ảnh hưởng từ đâu thì Besame Mucho vẫn được xem là sáng tác để đời của Consuelo Velazquez. Sau khi nổi tiếng tại quê nhà, bài hát đã vượt đường biên vào tới Mỹ. Ngay sau đó, Besame Mucho đã xuất hiện trong một bộ phim và đến năm 1941, ca khúc này chính thức được phát hành qua giọng ca của Emilio Tuero.

Lúc ấy, Besame Mucho thoát khỏi những vướng mắc mang tính xã hội tại Mexico và trở thành bài hát chuyên chở nỗi lòng của những người ra trận khi đệ nhị thế chiến lôi những chàng trai ra chiến trường và chia cách tình yêu của họ. Vì thế nó lại càng nổi tiếng.

Từ Mỹ, bài hát này đi một vòng Bắc Mỹ, sang toàn bộ Nam Mỹ rồi đến Pháp, châu Âu, sang Liên Xô tới châu Á và nhanh chóng trở thành bài hát quen thuộc trên toàn thế giới.

Một loạt những giọng ca hàng đầu, từ những vocal huyền thoại như Frank Sinatra, Dean Martin, Cesária Évora… cho đến những nhóm nhạc chỉ mới vừa chập chững vào nghề thời ấy như The Beatles (hát năm 1962), The Ventures… hay những hảo thủ jazz danh tiếng João Gilberto, Wes Montgomery, Bill Evans, kể cả những giọng tenor dữ dằn như Placido Domingo cùng những dàn nhac danh tiếng cũng đã biểu diễn bài này. Dù vào thời điểm nào Besame Mucho vẫn được hát như mới lần đầu, kể cả sau này Andrea Bocelli, Celine Dion, Diana Krall hay Michael Buble… cũng đều hát lại. Năm 1980, bộ phim Moskow không tin vào nước mắt đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar, trong phim đã sử dụng bài hát này.

Theo thống kê chưa chính xác, Besame Mucho trở thành một trong những bài hát được thu âm nhiều nhất thế giới với hơn 1000 phiên bản cả hát lẫn hoà tấu, bán hơn 100 triệu đĩa, được biểu diễn trên ti vi và đài phát thanh hơn 2 triệu lần, và tác quyền, theo như lời Consuelo Velazquez, “không phải nghĩ, đủ để tôi sống sung túc cả đời”.

Ở Việt Nam, ca khúc này tồn tại dưới 3 phiên bản lời Việt, của nhạc sĩ Y Vân với Đẹp như giấc mơ, của Phong Vũ với nhan đề Giấc mơ xưa và một bản của Trường Kỳ với tựa Yêu nhau đi. Phiên bản của Trường Kỳ thông dụng hơn, được khá nhiều ca sĩ chọn để trình diễn và thu âm.

Tuy vậy, khi thoát thai khỏi biên giới quê nhà, Besame Mucho phần nào bị mai một đi ý nghĩa cháy bỏng của lời gốc và được gán dưới nhiều mức độ cảm xúc khác nhau dù tinh thần thì vẫn được giữ lại.

Nhưng bất luận thế nào, theo thời gian, Besame Mucho vẫn là bài hát được xưng tụng dưới mọi ngôn ngữ. Đó là ca khúc của tự do, của tình yêu, của tuổi trẻ và là bản tình ca thế kỷ.

Năm 2003, để ghi nhận cống hiến lớn lao của Consuelo Velazquez về

nghệ thuật lẫn kinh tế cho đất nước, chính quyền Mexico đã tạc tượng bà

và đặt trang trọng tại thủ đô Mexico City.

Xem lại Kỳ 1

Bài: Kha Anh - Art Columnist