top of page

“Xao Động” - kiếm tìm những diễn đạt thị giác để “thấy” được tâm thức con người


Sau 3 năm vắng bóng, Nguyễn Tấn Cương trở lại với công chúng Sài Gòn bằng chuỗi 31 tác phẩm “Xao Động”, nhân dịp không gian nghệ thuật Hakio-Let’s Art tròn 1 tuổi.



Triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Nguyễn Tấn Cương
Thời gian : 01 – 15 tháng 01 năm 2023
Khai mạc : 18h ngày 01 tháng 01 năm 2023
Địa điểm : Hakio-Let’s Art, 38 Trần Cao Vân (trong hẻm 28-30), Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Giờ mở cửa : 9h-17h, từ Thứ Hai - Chúa Nhật



Nếu như tại triển lãm “Ánh Sáng” (2019), ý niệm về “nguồn cội của nhân gian” vẫn được mô tả qua hình tượng bộ phận sinh dục nữ, thì tại “Xao Động” (2020-2022), tất cả hình dạng của vật chất thường thấy đều đã biến mất.



Ông không còn hứng thú với những biện giải thận trọng về quan hệ giữa biểu tượng, màu sắc và bố cục. Thay vào đó, ông thả lỏng cho tiềm thức len lỏi vào từng nhát cọ dứt khoát, từng vạt màu loang. Có thể xem “Xao Động” là dư cảm Nguyễn Tấn Cương trong hai năm đầy biến cố: dịch COVID-19, mất mát trong gia đình và cuộc chiến vừa nổ ra tại Ukraine. Tại đây, người xem dễ thấy những hố đen hun hút như lỗ đạn, nổi bật trên những lớp lang khi thì thô ráp như mảng sẹo lồi, khi lại mịn màng như da thịt.



Màu sắc trên tranh ông không có ý nghĩa minh họa cho bất kỳ điều gì ngoài sự hiện diện của chính nó. Nếu tác phẩm có mang lại một hứng khởi, khoan khoái, bi ai hay ủ dột, thì đó đều là những cảm xúc sẵn có trong người xem, chực chờ một “xao động” nhẹ để được thoát ra. Diễn biến trên mặt tranh là độc thoại của nghệ sĩ, hỏi và đáp giữa tiềm thức và ý thức.



“Với tôi ‘Trừu Tượng’ đẩy sáng tạo đi xa hơn, rộng hơn, nhiều bến bờ hơn và cũng đầy nghiệt ngã. Nó giống như một thách thức với sức khỏe tư duy của họa sĩ. Hình dung, cũng giống như đứng trước một buổi biểu diễn hòa nhạc, ở đó mọi loại nhạc cụ lần lượt phô diễn cùng đan xen nhau, đuổi bắt nhau, cùng cộng hưởng cho đến cao trào mà không cần dùng lời…” - Nguyễn Tấn Cương



Triết lý của ông về tính nhạc trong tác phẩm rất gần với tinh thần của Wassily Kandinsky, cha đẻ của trường phái trừu tượng phương Tây. Ông tin rằng sự cộng hưởng của màu sắc, bố cục và hình khối, tạo nên một bảng hòa sắc trên mặt phẳng. Đó chính là “âm nhạc” của hội họa, là cái “tinh thần” mà Kandinsky thường hướng tới trong thực hành của mình.



Triển lãm “Xao Động” của Nguyễn Tấn Cương đưa người xem vào cuộc du hành tìm kiếm những diễn đạt thị giác cho xúc cảm, để từ đó ta kỳ vọng “thấy” được tâm thức của người nghệ sĩ như một chiếc radio đón trúng tần số. Lúc này, tác phẩm đột nhiên trở thành một phương thức giao tiếp phổ quát, không biên giới, không rào cản ngôn ngữ, như cách mà âm nhạc đã kết nối con người. Không rõ là vô thức hay cố tình, bên cạnh những màu sắc nóng-lạnh tương phản dữ dội, bố cục trong tranh của Nguyễn Tấn Cương lại tạo được sự cân bằng giữa rỗng và đầy, giữa tĩnh và động, phảng phất tính thiền của Á Đông. Tác phẩm mở ra một không gian khác, như lối dẫn vào tâm tư của nghệ sĩ.



Thực hành trừu tượng trải qua hơn một trăm năm lịch sử, đã từng là nơi thể nghiệm của những nghệ sĩ tạo hình cổ điển, đến hậu Thế chiến thứ II lại trở thành chốn xả cảm xúc của những kẻ “nổi loạn” ở phương Tây, muốn chống lại sự điêu tàn của thế giới. Tại Việt Nam, trừu tượng đã từng là tiếng nói mạnh mẽ của nghệ sĩ tạo hình sau Đổi Mới (1986), để thoát ly ra khỏi lối vẽ Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa quá giáo điều, nhàm chán. Hơn 3 thập kỷ qua, Nguyễn Tấn Cương vẫn len lỏi trong dòng chảy đó để tiến gần nhất đến với sự thỏa mãn chính mình nhưng dường như vẫn chưa bao giờ đạt tới. Giữa bối cảnh nghệ thuật Đương đại với những thông điệp trực diện như ánh sáng điện chói lòa, trừu tượng của Nguyễn Tấn Cương là một ngọn lửa than hồng âm ỉ, một dòng chảy ngầm bền bỉ và mãnh liệt.


Giám tuyển : Lê Thiên Bảo




Tiểu sử nghệ sĩ


Nguyễn Tấn Cương

(sn. 1953, Hà Nội, Việt Nam. Sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh)


Lớn lên trong cái nôi nghệ thuật miền Nam và bắt đầu tiếp xúc với giá vẽ từ năm 12 tuổi, Nguyễn Tấn Cương tốt nghiệp Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm 1973. Lúc này, văn nghệ miền Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển tự do, cởi mở trao đổi với quốc tế.


Bước đầu thực hành trừu tượng từ những năm 1980, nhưng đến khi tham gia triển lãm thường niên "Tác Phẩm Mới" cùng Nhóm 10 Người từ 1991-1996, Nguyễn Tấn Cương mới thực sự chuyên tâm với trường phái này. Tác phẩm của ông thường chứa đựng một không gian mênh mang với những mảng màu rực rỡ, hào sảng và tương phản. Ông tập trung diễn tả tâm cảnh của mình qua chuyển động, lớp lang đan xen nhau trên khung bố.


Sau hơn 30 năm miệt mài tìm tòi và sáng tác, Nguyễn Tấn Cương đã ghi tên mình trong vô số các triển lãm trong nước và quốc tế. Đến nay, khi nhắc đến trường phái trừu tượng ở miền Nam sau Đổi Mới, cái tên Nguyễn Tấn Cương luôn song hành bên cạnh những tên tuổi như Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng, Trần Văn Thảo, v.v.


Tác phẩm của Nguyễn Tấn Cương thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Biblioteca Archivio (Ý), H&S Collection (Vương quốc Bỉ), Post Vidai Collection (Thụy Sĩ -Việt Nam), bộ sưu tập điêu khắc công cộng của Town of Olds (Canada) và các sưu tập tư nhân trên khắp thế giới.



Về không gian Hakio-Let’s Art


Nhờ vào cái duyên với với nghệ sĩ, Hakio-Let’s Art ra đời vào ngày đầu tiên của năm 2022, giữa lúc dịch COVID-19 vẫn còn chưa ổn định. Trong một con hẻm thanh tịnh trên đường Trần Cao Vân, gần bên Công Trường Quốc Tế (Hồ Con Rùa), một địa điểm lịch sử nổi tiếng của Sài Gòn, Hakio-Let’s Art đã triển lãm 9 triển lãm nghệ thuật của các nghệ sĩ như Phương Quốc Trí, Trần Nhật Thăng, Hoàng Phượng Vỹ, Lê Minh Phong, v.v với nhiều chủ đề đa dạng. Nơi đây nhanh chóng trở thành điểm gặp gỡ, giao lưu của nghệ sĩ đến từ nhiều vùng miền, thuộc nhiều thế hệ khác nhau của Việt Nam. Mục tiêu của Hakio-Let’s Art là trở thành một không gian đan xen giữa nghệ thuật, văn hóa và tình bằng hữu.

Bài: Navigator Media

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page