top of page

Tình trạng lạm phát gia tăng liệu có đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu?


Giá tiêu dùng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9 vừa qua đã tăng với tốc độ cao nhất kể từ năm 2008 do giá năng lượng tăng vọt. Tỷ lệ lạm phát của Canada cũng đã tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 2003. Nước Đức cũng ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong 28 năm. Hàng loạt nền kinh tế lớn nhỏ trên thế giới đang đối mặt với lạm phát, trong khi nguy cơ suy thoái vẫn đang hiện hữu.



Theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1/10, hàng hóa và dịch vụ ở Eurozone trở nên đắt đỏ hơn trong tháng qua khi tỷ lệ lạm phát đạt 3,4% với giá năng lượng tăng 17,4%. Trong khi đó, lạm phát lõi tại Eurozone (không bao gồm các mặt hàng biến động như giá năng lượng, thực phẩm), đạt 1,9%, tăng 0,3% so với 1 tháng trước đó. Tỷ lệ lạm phát vượt mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra và có thể làm gia tăng sức ép lên chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) về khả năng áp dụng các biện pháp giảm giá năng lượng.


Tỷ lệ lạm phát của các quốc gia EU từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2021

Với Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, lạm phát cả năm nay có thể tăng cao hơn so với mức tăng dự kiến là 4%. Mỹ tuần qua công bố chỉ số giá cả tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 9-2021 tăng 0,8%, cao hơn 0,1 điểm % so với dự báo là 0,7%. Đồng thời, một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận định nguồn cung hàng hóa toàn cầu bị hạn chế do Covid-19 có thể dẫn đến lạm phát cao tại các quốc gia có nền kinh tế lớn. Nhà kinh tế Richard Curtin của Đại học Michigan nhận định trong năm tháng qua, người tiêu dùng Mỹ lo ngại hơn nhiều về tình trạng lạm phát gia tăng và tốc độ tăng lương chậm, cũng như tác động tiêu cực của chúng đến mức sống của họ.



Biểu đồ về tốc độ lạm phát tại Mỹ

Còn tại Canada, nếu không tính giá xăng dầu, lạm phát đã tăng 3,2% trong tháng 8. Chi phí vận chuyển tại nước này tăng tới 8,7%. Giá vé máy bay đã tăng 34% so với một năm trước, trong khi giá lưu trú khách sạn tăng 20%. Sự nóng lên của thị trường nhà đất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lạm phát đi lên.



Tại Đức, giá khí đốt tự nhiên tăng 4,9% và điện tăng 1,7%, trong khi giá thực phẩm cũng tăng 4,6% với rau tăng 9%, các sản phẩm từ sữa và trứng tăng 5%. Các loại hàng hoá tiêu dùng cũng tăng giá đáng kể, như xe cộ tăng 5,5%, đồ gỗ và đèn tăng 4%. Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho biết đà tăng của lạm phát có liên quan đến chính sách giảm thuế giá trị gia tăng tạm thời tại nước này trong năm ngoái. Một số nhà kinh tế tại Đức nhận định lạm phát sẽ duy trì trên 3% trong giai đoạn còn lại của năm, trước khi giảm trở lại xuống dưới 2%.


Người tiêu dùng tại Đức mua sắm hàng hóa


Tình trạng hiện nay đang được nhiều nhà phân tích liên tưởng tới giai đoạn những năm 1970 khi kinh tế tăng trưởng chậm và lạm phát tăng cao do giá dầu mỏ. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nhấn mạnh rằng lạm phát tăng vẫn là một hiện tượng chỉ mang tính tạm thời mà một phần nguyên nhân là do đại dịch COVID-19, vốn làm đứt gãy chuỗi cung ứng và làm gián đoạn thị trường năng lượng. Ngân hàng Trung ương Canada cũng nhận định rằng, lạm phát cao sẽ chỉ là tạm thời, một phần do sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, hàng hóa dồn ứ khi giao thương tắc nghẽn trong đại dịch đã làm tăng chi phí vận chuyển. Điều này đã gây áp lực lên biên lợi nhuận và nhiều công ty chọn giải pháp chuyển chi phí sang người tiêu dùng. Hiện các nền kinh tế vẫn đang theo dõi tình hình lạm phát để có thể đưa ra chính sách tài chính phù hợp.


Hà Nguyễn tổng hợp

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page