top of page

Hippie ở Sài Gòn xưa: Sự phiêu lãng và nổi loạn của "những đứa trẻ không già"


Giữa thời kỳ xã hội Việt Nam mang nhiều biến động, Hippie xuất hiện, len lỏi và từng bước ăn sâu bám rễ vào lối sống của một cộng đồng người Việt trẻ.



Sẽ là thiếu sót lớn lắm nếu người ta nhớ tới Sài Gòn xưa cũ mà trót quên đi Hippie. Hippie không hoa mỹ và đầy rẫy những quy tắc như “Swinging London" mang đặc sệt nét điệu đà của kinh đô thời trang xứ Anh, Hippe phóng khoáng và không lề thói, là biểu trưng cho lối sống tự do của những linh hồn mê xê dịch.


Hippie là một biến thể của cộng đồng nhỏ mang tên “Beatnik" gồm những người ưa sống theo bản năng, đam mê trải nghiệm các chất kích thích cùng lối sống tình dục phóng túng. Năm 1969, đại nhạc hội Woodstock (Mỹ) kéo dài 3 ngày với hơn nửa triệu người tham gia chính là ngòi châm để Hippie bùng nổ, thể hiện rõ những đặc trưng của phong trào phản văn hoá (counterculture). Khoảnh khắc năm ấy được tờ Rolling Stone đánh giá là 1 trong “50 khoảnh khắc thay đổi lịch sử nhạc Rock n Roll”.




Tốc độ lan truyền của Hippie tới những cộng đồng văn hoá khác được sánh ngang với dòng điện cao thế. Không lâu sau đại nhạc hội Woodstock, Sài Gòn trở thành nơi đón đầu trào lưu phản văn hoá này. Khoan bàn về yếu tố chính trị của nó, Hippie đã thành công khi trở thành lý tưởng sống mới của những người trẻ yêu hoà bình và đề cao chủ nghĩa vị kỷ.


Đường phố Sài Gòn ngày ấy xuất hiện thật nhiều những chiếc quần patte (quần ống loe) hoặc hoành tráng hơn cả là quần bell bottom (quần đáy chuông) với phần ống xoè rộng như… chiếc chậu cây kiểng.


Trong khi dáng quần cigar thịnh hành trước đó thẳng đuột thì quần patte phình ra từ thân cho tới gấu quần. Chính vì lối phá cách độc bản này mà chiếc quần ống loe từng bị hàm oan, mang danh biểu tượng cho “lối sống đua đòi, truỵ lạc".


Độ rộng ống quần đôi khi là thước đo cho sự sành điệu và phản ánh tính cách người mặc. Ống quần càng rộng, mức độ sành sỏi về thời trang của người mặc càng lớn.



Từng có một hoạ báo đề cập tới đặc trưng phong cách Hippie ở Sài Gòn như sau: “Chiều thứ Bảy và Chủ Nhật thì phải ăn mặc thật gồ ghề để lên đường phố Sài Gòn trình diễn thời trang”. Điều ấy cho thấy xã hội bấy giờ nhìn nhận văn hoá Hippie bằng ánh mắt thiếu thiện cảm.


Hippie được thể hiện ở nhiều hình thái: Nó có thể những chiếc áo thổ cẩm thêu tỉ mỉ, là váy nông dân xuề xoà. Cầu kỳ hơn lại có phục trang denim xanh, vải nhuộm loang màu, quần tua rua…


Ở đâu có dân Hippie, ở đó có hoa lá cỏ. Hoa được vẽ khắp các con phố hay đính trên xe Suzuki là chưa đủ, hoa còn hiện diện ở từ cặp kính râm cho tới những chiếc sơ mi rộng thùng thình mà người ta không thèm sơ vin.


Sài Gòn ngày ấy cũng có một "đại nhạc hội Woodstock" rất Việt Nam. Trong hình là ca sĩ Thanh Lan và Duy Quang (cầm đàn bên phải).


Năm 1971, một bữa tiệc âm nhạc ngoài trời đã được tổ chức tại sân vận động Hoa Lư với gần 20 ngàn người và hơn 20 ban nhạc trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới.


Đây cũng chính là cái nôi ươm mầm cho những tài năng hát nhạc hải ngoại về sau như danh ca Ngọc Lan, ca sĩ Elvis Phương, Jo Marcel…


Những cô tú, cậu tú ngày ấy đi theo Hippie với nhiều lý do khác nhau. Người cần tìm được bản ngã của mình, kẻ chỉ đơn giản muốn cho thế giới biết họ là ai. Trong mắt xã hội, những đứa trẻ đi theo tiếng gọi của Hippie là những đứa trẻ không lớn, trôi theo cạm bẫy dòng đời như khúc cây bật gốc khỏi nguồn cội.


Có những cơ quan từng treo biển ở ngoà cửa: “Không tiếp quần ống loe, đầu tóc bù xù". Người ta coi phong cách này là một thứ gì đó lêu lổng, đua đòi và đi ngược lại sự phát triển của văn minh nhân loại.


Từng có những đoàn thanh niên tình nguyện đứng ở các con phố, tay lăm lăm cây kéo sẵn sàng… cắt rời chiếc ống loe và mái tóc bù xù của những ai đi qua.


Hippie đạt tới điểm cực thịnh ở những năm 70 và dần thoái trào trong những thập niên về sau.


Ngày nay, khái niệm Hippie vẫn còn tồn tại đâu đó trong cộng đồng yêu thời trang. Sức sống của nó chẳng còn mãnh liệt như thuở nào nhưng cũng đủ để các NTK nhớ tới khi cần tìm về chất liệu xưa cũ này.


Bài: Mạnh Hải - Fashion Columnist



Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page